TQ tiết lộ chiến đấu cơ J-10 áp sát máy bay trinh sát Nhật Bản trên biển Hoa Đông

Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) gần đây chiếu bộ phim tài liệu trong đó có hình ảnh một chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát máy bay trinh sát Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông, theo tờ SCMP.

Máy bay Trung Quốc theo sát máy bay trinh sát EP-3C của Nhật Bản.

Máy bay Trung Quốc theo sát máy bay trinh sát EP-3C của Nhật Bản.

Bộ phim tài liệu công chiếu trên truyền hình Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh, đề cập đến vai trò của các phi công hải quân trong việc theo sát các máy bay nước ngoài.

Một phi công giấu tên nói trong chương trình: "Ở biển Hoa Đông, các máy bay quân sự nước ngoài thường xuyên xuất hiện. Chúng tôi đáp trả họ và không cho phép bất kỳ hành động liều lĩnh nào".

Trong một cuộc chạm trán, một chiến đấu cơ J-10 Trung Quốc áp sát máy bay trinh sát EP-3C của Nhật Bản ở khu vực do Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

"Chiếc EP-3C bay thẳng theo vận tốc hành trình, ở độ cao vừa phải, khoảng 7.500 mét. Chiến đấu cơ J-10 áp sát một cách thận trọng từ phía sau nhằm chụp các hình ảnh chất lượng cao, trong khi cố gắng tránh để xảy ra tai nạn hay sự cố đáng tiếc", Peter Layton, một sĩ quan không quân Úc đã nghỉ hưu, hiện là thành viên Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng và an ninh (RUSI), nhận định, theo SCMP.

"Phi công điều khiển hai máy bay đều thực hiện hành trình một cách chuyên nghiệp, không bên nào có hành động gây hấn. Sự việc xảy ra ở vùng trời quốc tế gần Trung Quốc", ông Layton nói.

Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu có tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đơn phương áp đặt ADIZ vào năm 2013.

Khu vực này chồng lấn vùng lãnh thổ Nhật Bản tuyên bố chủ quyền, bao gồm quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Hồi tháng 5, Nhật Bản tuyên bố đã điều chiến đấu cơ giám sát máy bay ném bom Nga và Trung Quốc, khi các máy bay này áp sát không phận Nhật Bản.

Cũng trong tháng 5, tư lệnh không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng Kenneth Wilsbach tiết lộ cuộc chạm trán giữa tiêm kích cơ tàng hình F-35 và chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

"Một số chiếc J-20 bay tương đối gần F-35 của chúng tôi ở biển Hoa Đông. Chúng tôi khá ấn tượng với việc cách xử lý của phi công điều khiển chiếc J-20", tướng Wilsbach nói.

Chuyên gia Layton nói Mỹ và Nhật Bản sẽ duy trì sự hiện diện chủ yếu ở biển Hoa Đông, trong khi các đồng minh khác trong liên minh NATO và nhóm Bộ tứ kim cương sẽ đóng vai trò một cách giới hạn.

"Máy bay Ấn Độ hay châu Âu có thể xuất hiện ở biển Hoa Đông để tập trận cùng Nhật Bản, nhưng nhìn chung các quốc gia này không thường xuyên đưa chiến đấu cơ tới vùng biển", ông Layton nói.

Ông nói thêm rằng, Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách điều thêm máy bay chiến đấu để ngăn chặn nhưng Trung Quốc cũng sẽ thận trọng trước nguy cơ bị máy bay nước ngoài thu thập thông tin tình báo.

Yoichiro Sato, giáo sư nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Ritsumeikan ở Nhật Bản cho biết Úc, Ấn Độ và các cường quốc Châu Âu có thể đưa tàu chiến, chứ không phải máy bay đến biển Hoa Đông.

"Các tàu hải quân Úc, Anh hay Pháp có thể xuất hiện thường xuyên hơn ở biển Hoa Đông, thúc đẩy chính sách của Mỹ về quyền đi lại tự do qua eo biển Đài Loan", ông Sato nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Mỹ xúc tiến xây dựng kho chứa vũ khí trên đảo Đài Loan

Mỹ hiện đang xúc tiến khả năng xây dựng kho chứa vũ khí ở đảo Đài Loan, tương tự như các kho vũ khí khác của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới. Kho vũ khí có thể giúp Đài...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN