TQ: Vì sao 3 cung điện nguy nga ở Tử Cấm Thành tuyệt nhiên không có bóng cây xanh?
Một trong những bí ẩn gây nhiều tranh cãi ở Tử Cấm Thành của Trung Quốc là việc công trình rộng lớn này thiếu vắng cây xanh.
Điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành.
Tử Cấm Thành vốn là khu phức hợp cung điện ở khu Đông Thành thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc, với tổng diện tích lên tới 720.000 m2. Tử Cấm Thành được xây dựng dưới thời Minh Thành Tổ Chu Đệ (1360 – 1424), là nơi ở của hoàng tộc Trung Hoa thuộc hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh.
Tử Cấm Thành gồm 980 công trình, được cho là có 9.999 căn phòng. Cung điện là minh chứng cho sự xa hoa của các hoàng đế Trung Hoa, phản ánh nét kiến trúc cung đình truyền thống Trung Quốc.
Khi bước chân vào Tử Cấm Thành, nhiều du khách đặt câu hỏi tại sao lại không có cây xanh? Trên thực tế, cây xanh vẫn được trồng tại khu vực hậu cung và ngự hoa viên là nơi hoàng đế sinh hoạt, nghỉ ngơi.
Tử Cấm Thành là nơi sinh sống và làm việc của các hoàng đế Trung Hoa trong 500 năm.
Chỉ có khu vực tiền triều gồm 3 cung điện chính rất nguy nga là điện Thái Hòa, điện Trung Hòa và điện Bảo Hòa, là không có bóng dáng bất cứ cây xanh nào.
Có nhiều ý kiến suy đoán về việc khu trung tâm Tử Cấm Thành thiếu bóng cây. Thứ nhất, năm Gia Khánh thứ 18 (1813), một nhánh Thiên Lý Giáo của giáo phái Bạch Liên do Lý Thanh cầm đầu nổi dậy ở nhiều nơi
Ngày 15.9.1813, Lý Thanh dẫn hơn 200 người cải trang thành thương nhân xâm nhập thành Bắc Kinh để tìm cách ám sát hoàng đế Gia Khánh.
Các thích khách trèo lên cây cao, vượt tường xâm nhập vào sâu trong Tử Cấm Thành nhưng không bắt gặp hoàng đế. Gia Khánh khi đó đang ở ngoại ô Bắc Kinh nên thoát nạn, sửng sốt khi biết tin có bạo loạn bên trong hoàng cung. Để tránh trường hợp tương tự lặp lại, Gia Khánh hạ lệnh chặt hết cây xanh quanh khu vực ba đại điện ở Tử Cấm Thành.
Sơ đồ Tử Cấm Thành, lối vào chính dẫn tới khu vực trung tâm không hề cây xanh.
Thứ hai, có ý kiến nói rằng cây xanh bị hạn chế trồng ở Tử Cấm Thành là vì lý do an toàn. Thời xưa, hỏa hoạn là vấn đề rất nghiêm trọng vì không có các phương tiện chữa cháy hiện đại như ngày nay.
Quanh khu vực ba đại điện có rất nhiều bể chứa nước lớn dùng để dập lửa. Trên thực tế, ước tính 80 lần Tử Cấm Thành rơi vào cảnh hỏa hoạn. Cả ba đại điện từng bị sét đánh cháy dưới thời Chu Đệ, mất tới 3 năm để phục hồi.
Thứ ba, lý do khiến cây xanh vắng bóng ở ba đại điện này là vì yếu tố phong thủy, đặc biệt là ngũ hành. Tử Cấm Thành được coi là thuộc mệnh Kim, còn cây thuộc mệnh Mộc tương khắc với nhau, nên cây không được phép mọc tại ba cung điện chính.
Ngự hoa viên trong Tử Cấm Thành là nơi được trồng nhiều cây xanh nhất.
Cuối cùng, ý kiến phổ biến nhất cho rằng, vấn đề nằm ở công dụng và thiết kế trong Tử Cấm Thành.
Cây xanh không được trồng ở khu trung tâm Tử Cấm Thành còn nổi bật sự uy nghiêm của hoàng đế. Từ cổng chính Thiên An Môn qua Đoan Môn, Ngọ Môn, Thái Hòa Môn, các sân ở giữa đều không có cây xanh, tạo thêm áp lực tâm lý cho quần thần khi vào bái kiến vua.
Điện Thái Hòa là phần trung tâm của Cố Cung, nơi cử hành các sự kiện quan trọng như lễ đăng quang, hôn lễ của hoàng đế, lễ mừng thọ hay Tết Nguyên đán. Sau Điện Thái Hòa là Điện Trung Hòa, nơi hoàng đế nghỉ ngơi và tiếp quan viên. Cuối cùng là Điện Bảo Hòa, nơi hoàng đế thay hoàng bào hoặc chiêu đãi quần thần.
Ở thời phong kiến Trung Hoa, hoàng đế được coi là Thiên Tử (con trời), với hình tượng đại diện là một con rồng, nơi rồng cuộn ắt phải là rộng rãi, thoáng đãng. Sự xuất hiện của chim chóc sẽ làm mất đi vẻ tôn nghiêm, thiếu sự tôn trọng với hoàng đế.
Nguồn: [Link nguồn]
Minh Thành Tổ Chu Đệ được biết đến trong lịch sử Trung Hoa là hoàng đế đã ra lệnh dời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh,...