TQ thừa nhận không còn cá ở ven biển để đánh bắt
Sản lượng khai thác thấp ở các vùng ven biển khiến ngư dân Trung Quốc phải đi xa hơn để đánh bắt, bao gồm cả vùng biển tranh chấp gần Trung Quốc, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.
Loạt tàu cá Trung Quốc khởi hành từ Chiết Giang ra biển Hoa Đông đánh bắt
Việc tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá quá mức ở sông và biển đã khiến nguồn thủy hải sản bị cạn kiệt nghiêm trọng. Vì vậy, chính phủ nước này đang lên kế hoạch giảm số lượng tàu cá, theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Bộ cho biết thực tế là "không có cá" ở ven biển vùng Biển Hoa Đông và ngư dân phải rất vất vả tìm cá ở những vùng biển khác, theo kênh phát thanh nhà nước ngày 14.8.
Bộ trưởng Nông nghiệp Hàn Trường Phú nói trên Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc rằng giờ đã đến lúc cắt giảm ngành công nghiệp đánh bắt cá của Trung Quốc, hiện đang bùng nổ với đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới, để bảo vệ nguồn cá.
Ông Han liệt kê một loạt các hành động dự định để chống lại việc phát triển quá mức của ngành công nghiệp đánh bắt, trong đó có việc giảm số lượng tàu cá.
Argentina đánh chìm một tàu cá TQ hồi tháng 3 vì đánh bắt trái phép ở vùng biển Argentina
Việc tàu cá Trung Quốc đánh bắt sâu dưới lòng biển ở nhiều đại dương trên thế giới phải phát triển theo quy định, giám sát và kỷ luật tự giác chặt chẽ, "dần dần loại bỏ cách sản xuất lỗi thời phá hoại môi trường", Han nói.
Bộ trưởng không đưa ra con số cắt giảm tàu cá cụ thể. Tuy nhiên, ông có nói kế hoạch này sẽ giúp tăng thu nhập của ngư dân.
Trung Quốc kiểm soát vùng biển có thể cung cấp ổn định khoảng 8 triệu – 9 triệu tấn cá mỗi năm, tuy nhiên khoảng 13 triệu tấn cá/năm đã bị khai thác trong những năm gần đây, theo báo cáo.
Tại các con sông ở Trung Quốc cũng có sự suy giảm tương tự trong số lượng thủy sản. Ví dụ, 4 loại cá hàng đầu Trung Quốc giờ chỉ đẻ 1 tỉ trứng mỗi năm ở sông. Con số này trước đó là 30 tỉ trứng, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Cảnh sát biển Nhật Bản cứu hộ ngư dân Trung Quốc gặp tai nạn ở biển Hoa Đông tuần trước
Sản lượng khai thác thấp ở các vùng ven biển đã khiến ngư dân Trung Quốc phải đi xa hơn, bao gồm cả vùng biển tranh chấp gần Trung Quốc và thậm chí đến tận Ấn Độ Dương, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng viết.
Hồi đầu tháng, chính phủ Nhật Bản đã phản đối việc hơn 230 tàu cá và tàu cảnh sát biển TQ được trang bị vũ khí đi vào vùng biển quanh đảo tranh chấp giữa hai quốc gia, nơi Nhật Bản gọi là đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Hiện Trung Quốc tiêu thụ hơn 1/3 sản lượng thủy sản của thế giới. Ngân hàng Thế giới dự báo nhu cầu thủy sản tại Trung Quốc sẽ tăng thêm 30% vào năm 2030.