TQ: Thời điểm quan trọng nhất để "giải nguy" đập Tam Hiệp
Tình trạng lũ lụt nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm trở lại đây ở Trung Quốc đang đặt dấu hỏi lớn về khả năng chống chịu sức nước của đập Tam Hiệp – con đập lớn nhất hành tinh.
Đập Tam Hiệp – con đập lớn nhất hành tinh (ảnh: SCMP)
Ngoài việc cung cấp điện năng, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của đập Tam Hiệp là điều tiết dòng nước lũ hằng năm của Dương Tử - con sông dài thứ 3 thế giới.
Ngày 29.6, Taiwan News dẫn tin mới nhất từ Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc cho biết, lưu vực sông Dương Tử đã bước vào mùa mưa lũ chính. Đây chính là “giai đoạn quan trọng nhất” để kiểm soát lũ của Dương Tử và “giải nguy” cho đập Tam Hiệp.
Nếu vượt qua thời điểm này, đập Tam Hiệp cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ của nó trong mùa lũ lịch sử năm nay.
Trong bối cảnh mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn, đập Tam Hiệp đang dính cáo buộc tự ý xả lũ, gây ngập ở hạ nguồn nhằm giảm nguy cơ vỡ đập. Tuy nhiên, công ty quản lý và vận hành con đập mới đây đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.
Mưa lũ suốt nhiều ngày qua ở Trung Quốc đã gây lũ lụt nghiêm trọng cho 26 tỉnh thành ở Trung Quốc và ảnh hưởng đến cuộc sống của 14 triệu người. Ít nhất 81 người đã thiệt mạng và mất tích trong đợt lũ năm nay.
Việc kiểm soát lũ của sông Dương Tử đang bước vào giai đoạn quan trọng nhất (ảnh: Taiwan News)
“Mực nước của 197 con sông đã vượt mức cảnh báo. Đáng nói, 10 con sông trong số này đã ghi nhận mực nước dâng cao kỷ lục”, Liu Zhiyu, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo thủy văn thuộc Bộ Thủy Lợi Trung Quốc, cho biết.
Hôm 29.6, cảnh báo lũ cho sông Dương Tử cũng được Trung Quốc ban hành. Tuần nước, Hoàn Cầu đưa tin mực nước ở đập Tam Hiệp đã đạt 147 mét, cao hơn 2 mét so với cảnh báo lũ.
Lưu lượng nước từ các sông đổ về Dương Tử và tích ở đập Tam Hiệp lên tới 26.500 m3/giây, gây lo ngại khi con đập đang phải chịu sức ép lớn.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc nhận định, từ ngày 28 – 29.6, mực nước ở thượng nguồn sông Dương Tử và hồ chứa của đập Tam Hiệp sẽ tiếp tục dâng cao đáng kể do mưa lớn.
Zhao Musen - Phó Giám đốc của Tập đoàn Tam Hiệp – từng thừa nhận rằng, khả năng điều tiết lũ của đập Tam Hiệp đang suy yếu và mực nước sông Dương Tử tăng lên hàng năm. Ông Zhao cũng cho rằng, diễn biến thất thường của thời tiết và khí hậu toàn cầu ảnh hưởng đến khả năng chống chịu của đập Tam Hiệp.
Tuy nhiên, theo ông Guo Xun – chuyên gia tại Viện Cơ học Công trình thuộc Cục Động đất Trung Quốc – đập Tam Hiệp vẫn sẽ chống chịu tốt trước lượng nước đổ về.
Ông Guo cho rằng, đập Tam Hiệp được thiết kế để chịu được mực nước “ngàn năm có một” là 175 mét cùng lưu lượng nước dồn về lên tới 70.000 m3/giây. Vì vậy, con đập sẽ vẫn trụ vững và nguyên vẹn trong mùa mưa lũ năm nay.
Đập Tam Hiệp được thiết kế để phục vụ 3 mục tiêu chính là kiểm soát lũ ở sông Dương Tử, sản xuất điện và cải thiện giao thông đường thủy.
Cùng với những lợi ích mà đập Tam Hiệp mang lại, nguy cơ xảy ra vỡ đập và những tác động tiêu cực đến môi trường cũng khiến không ít người lo ngại. Sự tích tụ và dịch chuyển của trữ lượng nước khổng lồ ở đập Tam Hiệp cũng khiến trái đất quay chậm hơn.
Người dân Trung Quốc bì bõm trong lụt lội (ảnh: Xinhua)
Đập Tam Hiệp có vùng hồ chứa tới 42 tỉ tấn nước. Việc đẩy 42 tỉ tấn nước lên độ cao 175 mét so với mực nước biển ở đập Tam Hiệp sẽ làm tăng mô-men quán tính của Trái Đất, qua đó làm chậm chuyển động xoay của địa cầu, dù tác động là vô cùng nhỏ.
Theo NASA, sự dịch chuyển của khối lượng nước lớn ở độ cao của đập Tam Hiệp sẽ làm một ngày dài thêm 0,06 mili giây.
Trận lụt ở Trung Quốc năm nay được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ khi đập Tam Hiệp đi vào hoạt động. Năm 2000, Trung Quốc hứng chịu trận lụt khiến hơn 2.000 thiệt mạng và 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy.
Theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc, thiệt hại do mưa lũ đến nay đã lên tới 3,9 tỷ USD.
Trung Quốc cũng đổ lỗi cho tình trạng phá rừng, chuyển hướng dòng chảy tự nhiên một số con sông của một số công trình thủy lợi đã làm trầm trọng hơn tình trạng lũ lụt năm nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Đập Tam Hiệp khổng lồ chắn nước sông Dương Tử là đập thủy điện lớn nhất hành tinh. Nhiều người ca ngợi công trình...