TQ thiếu điện, Anh khan hiếm xăng dầu: Chuyện gì đang xảy ra?
Tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc, Anh và châu Âu đang gây ra những tác động đáng kể.
Một số đèn giao thông ở thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, bất ngờ ngừng hoạt động hôm 23/9, dẫn đến tắc đường nghiêm trọng. Ảnh: Weibo
Theo Al Jazeera, việc thiếu điện chưa từng có ở miền bắc Trung Quốc khiến hàng triệu người không có điện để sử dụng, các nhà máy phải ngừng hoạt động. Một số công nhân phải nhập viện vì ngộ độc khí CO sau khi các máy thông gió trong nhà máy ngừng hoạt động do mất điện.
Các tấm biển "Xin lỗi, không còn" xuất hiện phổ biến ở các trạm xăng dầu tại nhiều vùng của Anh trong tuần này. Trong khi đó, các công ty năng lượng đã hạn chế cung cấp do giá khí đốt tự nhiên tăng vọt.
Giá năng lượng trên khắp châu Âu đang phá các kỷ lục. Trong khi đó, các nhà sản xuất khí đốt và than của Mỹ đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trước cả khi Bắc bán cầu bước vào mùa đông và nhu cầu sưởi ấm tăng vọt.
Vậy điều gì ẩn sau cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu? Và cuộc khủng hoảng này có thể tồi tệ tới mức nào?
Covid-19 có phải nguyên nhân?
Các nhà phân tích cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Phần lớn trong số này xảy ra trước cuộc khủng hoảng Covid-19.
Tuy nhiên, Covid-19 vẫn có những tác động dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Cụ thể, nhu cầu sử dụng năng lượng của người tiêu dùng và các nhà máy đã tăng vọt trở lại sau khi giảm mạnh ở những tháng đầu của đại dịch, dẫn đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sản xuất.
Nhiên liệu hóa thạch là mấu chốt vấn đề
Hơi nước bốc ra từ các tháp làm lạnh ở một nhà máy nhiệt điện tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hôm 27/9. Ảnh: AP
Thực tế, phần lớn thế giới vẫn dựa vào các nguồn năng lượng truyền thống là nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt.
Nhưng trong 5-10 năm trở lại đây, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng...) như một phần của nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo các nhà phân tích, điều này dẫn đến việc nhiên liệu hóa thạch mất đi nguồn đầu tư lớn và dẫn đến các vấn đề như hiện nay.
"Khí đốt, than đá, dầu mỏ... - được xem là các yếu tố kinh tế cũ - không được đầu tư đáng kể", Jeff Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại tập đoàn Goldman Sachs (trụ sở ở Mỹ), trả lời phỏng vấn với Bloomberg TV hôm 28/9. "Chúng tôi gọi đó là sự trả thù của các yếu tố kinh tế cũ. Lợi nhuận kém khiến vốn chuyển hướng từ các yếu tố kinh tế cũ sang yếu tố kinh tế mới (năng lượng tái tạo)".
Vậy cần đầu tư thêm vào nhiên liệu hóa thạch - thứ đang gây ô nhiễm môi trường?
Theo Al Jazeera, chưa có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này. Nhưng Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cảnh báo rằng, việc ngừng đầu tư mới vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch là "sai lầm" vì nhu cầu dầu mỏ dự kiến tăng trong vài năm tới, ngay cả khi năng lượng tái tạo (thân thiện với môi trường) được đẩy mạnh sử dụng.
Giá dầu hiện dao động gần 80 USD/thùng (1,8 triệu đồng/thùng) - mức cao trong 3 năm gần đây.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung than đá, khí đốt và nước đã khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng cao ngất ngưởng. Trung Quốc đang cố gắng tìm đủ than, khiến giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao.
Theo hướng dẫn về chính sách khí hậu Trung Quốc - do Trung tâm SIPA về chính sách năng lượng toàn cầu, thuộc Đại học Columbia (Mỹ), Trung Quốc sử dụng nhiều than đá hơn phần còn lại của thế giới.
Trung Quốc còn là nhà sản xuất than đá hàng đầu thế giới, nhưng sự khan hiếm nguồn cung buộc Bắc Kinh phải hạn chế sản lượng tiêu thụ của nhà máy.
Điều gì dẫn đến khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc?
Có một số yếu tố dẫn đến tình trạng này. Giá điện được quy định rõ ràng ở Trung Quốc. Vì vậy, khi giá than tăng kỷ lục, các công ty sản xuất điện không thể tự ý tăng giá điện với khách hàng. Điều đó có nghĩa là, các công ty sản xuất điện sẽ thua lỗ, dẫn đến việc do dự trong sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Hôm 29/9, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ cho phép các công ty sản xuất điện tăng giá "để phản ánh hợp lý thay đổi về nhu cầu, nguồn cung và chi phí sản xuất", theo Bloomberg. Tuy nhiên, mức giá điện tăng cụ thể ra sao vẫn chưa được công bố.
Chính phủ Trung Quốc cũng được cho là đang xem xét tăng giá điện với các nhà máy.
Giá cao có phải là điều tốt?
Dĩ nhiên, giá cao sẽ tốt với các nhà sản xuất và công ty năng lượng, nhưng với người tiêu dùng thì không.
Nhưng giá cao không phải vấn đề duy nhất. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng xăng dầu hiện tại ở Anh, những người sử dụng ô tô đang xếp hàng để được đổ đầy bình hoặc tích trữ xăng dầu. Điều này khiến 90% các cây xăng đều không còn hàng để bán, theo Hiệp hội các nhà bán lẻ xăng dầu.
Những tấm biển "Xin lỗi, không còn hàng" xuất hiện phổ biến ở các trạm xăng của nước Anh trong tuần này khi tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra nghiêm trọng. Ảnh: Bloomberg
Các nhà phân tích nhận định, việc tích trữ hoảng loạn này càng khiến cuộc khủng hoảng xăng dầu tồi tệ thêm. Ngoài ra, Brexit cũng là một lý do khác của cuộc khủng hoảng xăng dầu ở Anh.
Một trong những nguyên nhân khiến các trạm xăng dầu không được bổ sung từ các kho chứa là do thiếu tài xế xe tải. Khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (Brexit), nước này đã thắt chặt các quy tắc nhập cư để công dân châu Âu không còn được miễn thị thực như trước.
Nhiều tài xế xe tải ở Anh là công dân các quốc gia châu Âu. Tình trạng thiếu lao động khiến các công ty ở Anh không có phương tiện vận chuyển cần thiết để phân phối nhiên liệu cũng như các hàng hóa khác.
"Rõ ràng, sự thiếu hụt tài xế này là do Brexit và Covid-19. Các tài xế ở khu vực Đông Âu đã rời Anh trong 2 năm qua. Chính phủ Anh đang khắt khe hơn với các tài xế là người châu Âu tới làm việc ở nước này", Kevin Wright, một nhà phân tích hàng đầu của Kpler - công ty chuyên tư vấn về các thị trường hàng hóa, nhận định.
Chính phủ Anh đã có một số biện pháp nhằm giải quyết vấn đề này. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, giới chức Anh sẽ cấp thị thực tạm thời cho 10.000 tài xế xe tải nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, điều này không giải quyết được cuộc khủng hoảng. Anh hiện thiếu khoảng 100.000 tài xế và cần nhiều thời gian để đào tạo tài xế trong nước.
Trước mắt, chính phủ Anh đang cho các thành viên trong quân đội phụ trách lái xe tải chở nhiên liệu.
Vấn đề nan giải
Ở Trung Quốc, nhu cầu về nhiệt điện trên thực tế vẫn tăng cao. Điều này mâu thuẫn với cam kết của giới chức Bắc Kinh nhằm cắt giảm lượng khí thải để đạt tham vọng trung hòa carbon vào năm 2060.
Ngoài ra, sự nan giải trong việc cân bằng giữa đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại và đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, đang góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới hiện nay.
Dù ở đâu chăng nữa, giá năng lượng cao chắc chắn dẫn đến sự bất mãn của đa số người dân. Vì vậy, các chính phủ nên có các hành động phù hợp để giải quyết vấn đề này.
Mục tiêu giảm phát thải carbon khiến nhiều địa phương phải áp đặt biện pháp cắt điện luân phiên, nhưng thiếu nguồn...
Nguồn: [Link nguồn]