TQ: Ông Tập phát động chiến dịch "vét sạch bát đĩa", nhắm vào “kẻ thù” mới
Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình – mới đây đã chính thức phát động chiến dịch nhằm vào “kẻ thù” mới của quốc gia tỷ dân: Lãng phí thực phẩm.
Ông Tập Cận Bình kêu gọi người dân Trung Quốc tiết kiệm thực phẩm (ảnh: SCMP)
“Lãng phí là đáng xấu hổ và tiết kiệm là điều cần trân trọng. Chúng ta nên đề cao cảnh giác về khủng hoảng an ninh lương thực. Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 năm nay đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực”, ông Tập Cận Bình phát biểu và cho rằng, lượng thực phẩm bị lãng phí mỗi năm ở Trung Quốc là “sốc” và “đáng thất vọng”.
Mối quan tâm về vấn đề lãng phí thực phẩm được đặt ra ở Trung Quốc sau khi trận lũ lịch sử năm nay quét sạch hoa màu của nhiều hộ gia đình. Trước đó, dịch Covid-19 đã khiến kinh tế Trung Quốc bị đình trệ.
Ước tính, 20 – 30% lượng lương thực ở Trung Quốc đến từ nguồn nhập khẩu.
Thời báo Hoàn cầu cho biết, chiến dịch “vét sạch bát đĩa” do ông Tập phát động được người dân nhiều nơi hưởng ứng. Năm 2013, một chiến dịch tương tự cũng được ông Tập phát động.
Chính quyền các địa phương Trung Quốc đã ngay lập tức bắt tay và hành động và đưa ra những biện pháp tiết kiệm thực phẩm.
Hiệp hội Dịch vụ Nhà hàng ở Vũ Hán đã kêu gọi các hàng quán trong thành phố nên phục vụ những phần ăn nhỏ hơn, chuẩn bị sẵn cho thực khách hộp đựng thức ăn thừa.
Các thành phố khác ở Hồ Bắc, Hà Nam cũng đề xuất biện pháp tương tự.
Một bữa cơm gia đình ở Trung Quốc (ảnh: The Guardian)
Tại Trùng Khánh, nhiều màn hình đèn LED được lắp đặt ở các nhà hàng, nhắc nhở thực khách tiết kiệm thức ăn và nên ăn uống thanh đạm.
Một bài báo ở Trùng Khánh đã ghi nhận tình hình thực tế ở một số hàng quán trên địa bàn, nơi “4 người gọi 8 phần ăn”, nhiều thức ăn còn thừa bị lãng phí, đổ bỏ vào thùng rác.
The Guardian nhận xét, ở Trung Quốc, người ta thường đi ăn chung theo nhóm và gọi nhiều đồ ăn hơn mức cần thiết vì tâm lý sợ thiếu.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập kêu gọi thực hiện các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, thậm chí sử dụng pháp luật để “kiên quyết ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm”.
Một khảo sát năm 2015 của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho thấy, có tới 18 triệu tấn thực phẩm bị vứt bỏ ở các thành phố lớn. Số thực phẩm này đủ để 30 – 50 triệu người ăn trong vòng 1 năm.
Thời báo Hoàn cầu nhận xét, “chiến dịch vét sạch bát đĩa” phiên bản 2.0 đã bắt đầu. Ở Trung Quốc, mối đe dọa thực sự đến từ sự lãng phí thực phẩm hơn là các trận lũ tàn phá mùa màng.
Hồi tháng 6, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo thế giới đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong 5 năm trở lại đây. Ba nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới là Mỹ, Brazil và Ấn Độ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19.
Thời báo Hoàn cầu cho biết, những trận lũ lớn ở miền Nam Trung Quốc vào tháng 6, tháng 7 đã tấn công các khu vực được cho là “vựa cá, vựa lúa” của nước này, khiến sản lượng lương thực bị sụt giảm ở nhiều địa phương.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cũng nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức của học sinh Trung Quốc về thói quen tiết kiệm.
Theo khảo sát, học sinh tiểu học, học sinh trung học và khách du lịch là 3 nhóm đối tượng lãng phí thực phẩm nhiều nhất ở Trung Quốc.
Cảnh ăn uống thừa mứa ở Trung Quốc (ảnh: CGTN)
Hôm 12.8, đài CCTV của Trung Quốc cũng có bài phóng sự chỉ trích tình trạng đổ bỏ thực phẩm tại một nhà hàng.
“Tình trạng lãng phí thực phẩm vài năm qua ở Trung Quốc thực sự gây sốc. Giáo dục về tiết kiệm thức ăn và tiêu dùng hợp lý là điều quan trọng nhất để bảo đảm an ninh lương thực”, Wen Tiejun – giáo sư nông nghiệp tại Đại học Nhân dân Trung Quốc – nhận xét.
Theo giáo sư Wen, các nhà hàng nên đổi cách phục vụ sang chuẩn bị những phần ăn riêng biệt và người dân nên giảm bớt thói quen tiệc tùng hàng quán.
“Chúng tôi sẽ nhắc nhở thực khách khi họ gọi quá nhiều đồ ăn”, một nhân viên phục vụ nhà hàng ở Bắc Kinh nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Hơn 260.000 nắp cống thoát lũ đã được chuẩn bị sẵn sàng khi Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc dự báo sẽ đón một trận...