TQ: Ông Tập Cận Bình được trao quyền “bất khả xâm phạm”
Với quyền lực mới trong tay, ông Tập Cận Bình có thể tự lựa chọn đội ngũ cấp cao đồng hành trong nhiệm kỳ mới.
Ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham gia chính trường thêm 5 năm nữa trong vai trò Chủ tịch Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố trao quyền chính trị nhiều hơn cho ông Tập Cận Bình trong ngày 27.10 và khẳng định ông là “lãnh đạo cốt lõi” trong đội ngũ lãnh đạo 5 năm tới.
Quyền lực lớn hơn giúp ông Tập có được sức ảnh hưởng trong việc quyết định đội ngũ cán bộ cấp cao đồng hành nhiệm kỳ tiếp theo. Theo thông cáo báo chí công bố sau phiên họp toàn thể lần thứ 6 ở Bắc Kinh, đại hội đảng toàn quốc sẽ tổ chức vào mùa thu năm 2017.
Ngoài ra, kì họp toàn thể lần này cũng thông qua hai quy định mới điều chỉnh hành vi cán bộ cấp cao – hướng dẫn các quy tắc chính trị trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc trong “hoàn cảnh mới” và tăng cường giám sát trong đảng.
Phiên họp toàn thể lần 6 vừa kết thúc ở Bắc Kinh.
Thông cáo báo chí khẳng định đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi mọi thành viên “gắn kết chặt chẽ quanh cốt lõi là Ủy ban Trung ương và đồng chí Tập Cận Bình”, Tân Hoa Xã đăng tải.
Giới phân tích nhận định chức danh “lãnh đạo cốt lõi” đại diện cho quyền phủ quyết hoặc chấp thuận tối cao. Khái niệm “cốt lõi” từng được cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình sử dụng năm 1989 để mô tả Mao Trạch Đông và Giang Trạch Dân.
Từ những năm 1990 trở lại đây, các tài liệu tối cao và truyền thông nhà nước Trung Quốc đều gọi cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân là “lãnh đạo cốt lõi”. Riêng ông Hồ Cẩm Đào chỉ được gọi là "Tổng bí thư".
Trong vị thế chính trị mới, ông Tập được cho là đóng vai trò quan trọng khi quyết định nhân sự vào năm tới, điều trái ngược hoàn toàn với ông Hồ Cẩm Đào cách đây 10 năm.
Đại hội đảng toàn quốc năm 2017 sẽ bầu ra 300 thành viên và thay thế cán bộ trong Ủy ban Trung ương. 11 ghế trong Bộ chính trị sẽ phải thay đổi nhân sự, bao gồm 5 thành viên trong Ban thường vụ Bộ chính trị đến tuổi nghỉ hưu.
Không như chức danh “Tổng bí thư”, thuật ngữ “lãnh đạo cốt lõi” và quyền hạn không được quy định trong điều lệ đảng.
Nhà phân tích chính trị Trương Lập Phàm cho biết quyền lực chính trị mới của ông Tập đảm bảo Chủ tịch Trung Quốc có quyền bất khả xâm phạm trong đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Ông Tập sẽ có quyền phủ quyết cuối cùng. Đây là dấu mốc thực sự cho thực quyền của ông”, chuyên gia Trương nói.