TQ muốn vươn tầm lãnh đạo thế giới bằng "quyền lực xanh" hoàn toàn mới?

Trước những lo ngại của quốc tế về phong cách ngoại giao kiểu “chiến binh sói”, Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi hình ảnh, tham vọng trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới bằng “quyền lực xanh” hoàn toàn mới.

Trung Quốc nỗ lực tăng cường “quyền lực xanh” bằng những cam kết bảo vệ môi trường (ảnh: SCMP)

Trung Quốc nỗ lực tăng cường “quyền lực xanh” bằng những cam kết bảo vệ môi trường (ảnh: SCMP)

Đi kèm với sự phát triển về kinh tế, Trung Quốc phải chịu nhiều chỉ trích hơn về phát thải carbon, gây ô nhiễm môi trường và biến đối khí hậu.

Bắc Kinh ngày càng nhận ra rằng, chính sách ngoại giao bằng những cam kết về môi trường sẽ giúp Trung Quốc nhận được nhiều sự ủng hộ hơn thay vì thể hiện quan điểm cứng rắn, dọa nạt.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết nước này sẽ trung hòa carbon trước năm 2060.

“Thỏa thuận Paris đưa ra các bước tối thiểu cần thực hiện để bảo vệ trái đất - mái nhà chung của chúng ta. Tất cả các nước cần thực hiện các bước đó và phải tôn trọng thỏa thuận”, ông Tập phát biểu.

Cam kết của ông Tập được cộng đồng quốc tế hưởng ứng và Trung Quốc tự coi mình là nhà lãnh đạo thế giới về môi trường, theo SCMP.

Theo các chuyên gia, tuyên bố của Trung Quốc là thông báo quan trọng nhất về khí hậu trong 5 năm qua. Trung Quốc cũng là nước thải carbon ra môi trường nhiều nhất thế giới.

Tuyên bố trung hòa carbon đồng nghĩa với việc Trung Quốc – quốc gia chịu trách nhiệm cho 1/4 lượng phát thải nhà kính toàn thế giới – sẽ loại bỏ hầu hết hoạt động kinh tế sử dụng than đá, dầu thô cho tới năm 2060.

Nếu làm được đúng cam kết đề ra, Trung Quốc có thể giúp nhiệt độ trung bình toàn cầu giảm từ 0,2 – 0,3 độ C.

“Chúng tôi hoan nghênh tham vọng của Trung Quốc trong việc hạn chế khí thải và trung hòa carbon. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều thiết thực mà họ phải làm”, Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu – nhận xét.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có lượng khí phát thải vào môi trường cao nhất (ảnh: SCMP)

Trung Quốc là một trong những quốc gia có lượng khí phát thải vào môi trường cao nhất (ảnh: SCMP)

Các chuyên gia phân tích cho rằng, khoảng 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã nhận ra giá trị của “quyền lực xanh”, tức ngoại giao về vấn đề môi trường. Trung Quốc từ một nước thường bị chỉ trích vì ô nhiễm đang cố gắng vươn mình thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong bảo vệ môi trường.

“Ngoại giao môi trường sẽ trở thành chương trình chính trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc thời gian tới”, Li Shuo – cố vấn cấp cao của Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á – nhận xét.

“Điều dễ thấy là Trung Quốc có thể đạt được 2 mục tiêu quan trọng bằng những cam kết môi trường. Đó là vừa cải thiện được tình trạng ô nhiễm trong nước, vừa nhận được sự hoan nghênh của quốc tế”, ông Li nói.

“Chỉ một lệnh cấm buôn bán ngà voi của Trung Quốc hồi năm 2017 đã có tác động đáng kể đến việc hồi phục quần thể voi châu Phi”, Susan Lieberman – phó chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã thế giới – nhận xét.

Thái độ của quốc tế đối với Trung Quốc ngày càng trở nên tiêu cực trong 12 tháng qua, đặc biệt là kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, theo thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Ở một số quốc gia như Úc, Anh, Mỹ, thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc tăng lên cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.

Trong khi bị một số nước, đặc biệt là Mỹ chỉ trích về phản ứng với dịch bệnh, các nhà ngoại giao Trung Quốc lại thể hiện phong cách ngoại giao “chiến binh sói” đặc trưng, gây lo ngại.

Theo giới quan sát, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học đang là “con bài tẩy” của Trung Quốc nhằm gỡ gạc tầm ảnh hưởng với quốc tế.

Reinhard Butikofer – quan chức tại nghị viện châu Âu cho rằng, “quyền lực xanh” của Trung Quốc lớn đến đâu còn phải xem nước này thực hiện những cam kết ra sao.

“Thế giới sẽ nhận ra ‘quyền lực xanh’ của Trung Quốc khi họ thực hiện những cam kết một cách có trách nhiệm. Những lời tự ca ngợi thì chưa đủ để tin cậy”, ông Reinhard Butikofer nói.

Theo ông Li Shuo, đã đến lúc thế giới học cách thích nghi với một thực tế đó là Trung Quốc đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Bắc Kinh muốn cạnh tranh ảnh hưởng lớn hơn đối với những vấn đề mang tính toàn cầu

Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Động thái của Mỹ khiến nhiều nước đồng minh châu Âu thất vọng.

“Tôi nghĩ rằng cả Mỹ và châu Âu đã nhận ra rằng họ cần hợp tác ở một mức độ nào đó với Trung Quốc, trước hết là về vấn đề môi trường”, ông Li nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Philippines trục xuất một lúc gần 3.000 người TQ về nước

Hôm 27.10, Cục Di trú Philippines thông báo trục xuất ngay lập tức gần 3.000 người Trung Quốc vì hành vi gian lận thị thực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN