TQ đang bí mật chuẩn bị phản đòn bất ngờ với Ấn Độ?

Nhiều người ở Trung Quốc cho rằng chính sách của nước này với Ấn Độ đang thiếu đi sức mạnh và khả năng răn đe quân sự của Bắc Kinh với New Delhi cũng đang tỏ ra không hiệu quả. Những nhà chiến lược Trung Quốc đặt câu hỏi: "Bất chấp những động thái xung đột mới nhất ở biên giới từ phía Ấn Độ, tại sao Trung Quốc vẫn không có các biện pháp "đáp trả thích đáng"? 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Theo India Today, việc Ấn Độ chiếm giữ được các cao điểm chiến lược quan trọng dọc theo bờ phía nam hồ Pangong trong các ngày 29-30/8 và các vụ đụng độ (có nổ súng) tại Đường kiểm soát Thực tế (LAC) vào ngày 7-8/9 đã đánh dấu một đợt leo thang mới của đối đầu biên giới Trung - Ấn, vốn diễn ra từ đầu tháng 5. 

Chính phủ Trung Quốc thể hiện sự không hài lòng trước những động thái kể trên của Ấn Độ và thay đổi chiến lược truyền thông chính thức mà Bắc Kinh đã tuân thủ kể từ khi các cuộc đụng độ biên giới bắt đầu xảy ra.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra một loạt lời đe dọa, nói rằng Ấn Độ đã "vượt qua mọi lằn ranh", "nước này đang đứng trước bờ vực", "quân đội Ấn Độ không phải đối thủ xứng tầm của quân đội Trung Quốc" vì vậy New Delhi nên tự lượng sức mình để rút quân "vô điều kiện" nếu không sẽ bị "xóa sổ" trên chiến trường. 

Ngay cả khi Bắc Kinh dường như đang "đánh trống trận", nhiều người ở Trung Quốc vẫn cho rằng chính sách với Ấn Độ của Trung Quốc tại thời điểm này đang thiếu sức mạnh và khả năng răn đe quân sự của Bắc Kinh với New Delhi ngày càng thiếu hiệu quả. 

Giới chiến lược Trung Quốc đặt ra nhiều câu hỏi: "Bất chấp việc Ấn Độ đang có 'cuộc tấn công toàn diện' (chính trị - kinh tế - quân sự) với Trung Quốc sau sự cố ở thung lũng Galwan, tại sao chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có biện pháp đáp trả "thích đáng" ở biên giới? Vì sao Bắc Kinh một mực nói "kiên quyết phản đối" động thái của Ấn Độ mà không phản đòn ngay? Tại sao các nhà ngoại giao hai nước vẫn trao đổi với thiện chí? Căn cứ vào tình hình hiện tại, một số chiến lược gia Trung Quốc cho rằng chính phủ Trung Quốc hoặc là đang né tránh xung đột hoặc là đang lên kế hoạch bí mật cho một cuộc trả đũa Ấn Độ. 

Tại sao Trung Quốc né tránh xung đột?

Một điều thú vị dễ nhận thấy là dù bầu không khí căng thẳng và sự thù địch gia tăng nhưng những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu Ấn Độ của Trung Quốc như Zhang Jiadong, Lin Minwang (Trung tâm nghiên cứu Nam Á, thuộc Đại học Fudan), Qian Feng (Đại học Thanh Hoa), Zhang Guoqing (Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc)... đều đồng quan điểm cho rằng: "Trung Quốc không cần đánh giá quá cao sự thù địch của Ấn Độ để rồi đưa ra phản ứng thái quá" vì các động thái quân sự "phủ đầu" của Ấn Độ hay "các hành động khiêu khích" như bắn cảnh cáo không nhằm mục đích xâm phạm lãnh thổ hoặc gây chiến với Trung Quốc. Những động thái này chỉ để có được lợi thế trong các cuộc đàm phán tiếp theo với Bắc Kinh. 

Theo các chuyên gia Trung Quốc, chiến lược của Ấn Độ với Trung Quốc là "đánh nhưng không gây chiến, hòa hợp nhưng vẫn khác biệt". Đây là chiến lược tương tự mà Bắc Kinh áp dụng đối phó với Washington. 

Nhiều chuyên gia Trung Quốc nhận định Bắc Kinh chưa cần thiết phải đưa ra các phản ứng thái quá với New Delhi. Ảnh minh họa: Etubor News

Nhiều chuyên gia Trung Quốc nhận định Bắc Kinh chưa cần thiết phải đưa ra các phản ứng thái quá với New Delhi. Ảnh minh họa: Etubor News

Thậm chí, một số chuyên gia Trung Quốc còn không loại trừ một "bước ngoặt" đầy bất ngờ trong quan hệ Trung - Ấn sau khi thoát khỏi khủng hoảng biên giới. Một số dẫn chứng được đưa ra như sau cuộc xung đột biên giới Trung - Ấn năm 1987, Thủ tướng Ấn Độ thời điểm đó, ông Rajiv Gandhi, có chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1988 và sau đó mở ra chương mới trong quan hệ Trung - Ấn. Hay vụ thử hạt nhân của Ấn Độ năm 1998 và ngay sau đó là chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee và các quyết định quan trọng về vấn đề biên giới giữa 2 bên. Quan hệ Trung - Ấn luôn luôn bùng lên mạnh mẽ hơn sau khi thoát khỏi bờ vực của chiến tranh. 

Các nhà chiến lược Trung Quốc tranh luận, cuộc đối đầu hiện tại cũng có thể dẫn tới sự đồng thuận lớn tương tự trong quá khứ nếu lãnh đạo đôi bên tìm cách "biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội", bằng cách trao đổi sâu hơn, giải quyết các vấn đề và đạt được đồng thuận mới.

Tại sao một số chiến lược gia hàng đầu của Trung Quốc vẫn nói về hòa bình?

Theo các chuyên gia, áp lực và sự cô lập quốc tế là lý do quan trọng khiến chính phủ Trung Quốc không "sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự với Ấn Độ". Ngoài ra, một lý do nữa có thể là do Bắc Kinh nhận thấy "bất lợi nghiêm trọng về số lượng" khi triển khai quân dọc khu vực biên giới phía tây với Ấn Độ. 

India Today đưa tin, các cuộc tranh luận và thảo luận nội bộ của Trung Quốc đều nhắc đi nhắc lại về việc không giống như Ấn Độ luôn coi biên giới phía bắc, tây bắc giáp với Trung Quốc, Pakistan là thách thức an ninh quốc gia nghiêm trọng nhất và đã chuẩn bị tỉ mỉ để có thể phòng thủ nếu đồng thời bị tấn công, trọng tâm phòng thủ quốc gia của Bắc Kinh trong 70 năm qua đã chuyển từ phía bắc sáng phía nam và đông nam. Khu vực phía tây nam với Ấn Độ chưa bao giờ được chú trọng quá nhiều. 

Kể từ vụ đụng độ ở Doklam năm 2017, nhiều chiến lược gia Trung Quốc lo ngại rằng Trung Quốc có thể không chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc xung đột quân sự ở biên giới tây nam của nước này, rằng Bắc Kinh vẫn không có lợi thế quân sự dọc khu vực biên giới Trung - Ấn. 

Tệ hơn, nhu cầu của Trung Quốc trong việc triển khai quân ở biên giới phía tây gặp khó khăn do khủng hoảng dân số chưa từng có. "Chính sách một con trong 40 năm đã để lại một khoảng trống lớn trong nhân khẩu học của Trung Quốc, nơi dân số trẻ không đủ cho các cuộc triển khai quy mô lớn tại chiến trường và các hoạt động kinh tế khác", một bài báo trên trang web Honggehui của Trung Quốc viết. 

Trong bối cảnh đó, giới chiến lược Trung Quốc có thể cảm thấy bất bình khi Ấn Độ triển khai số lượng lớn binh sĩ tại LAC. Theo nhiều nguồn tin, lượng lượng binh sĩ Ấn Độ đồn trú ở biên giới là hơn 200.000 quân. Tỷ lệ giữa số lượng binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại LAC có thể đáng báo động, ở mức "4/1, 5/1 hoặc cao hơn". 

Quân số của Ấn Độ ở biên giới được cho là vượt trội so với quân đội Trung Quốc. Ảnh: Express

Quân số của Ấn Độ ở biên giới được cho là vượt trội so với quân đội Trung Quốc. Ảnh: Express

Giải thích thêm về vấn đề này, chuyên gia Zhang Jiadong tới từ Trung tâm nghiên cứu Nam Á, thuộc Đại học Fudan (Trung Quốc), nhận định: "Trong quá khứ, Trung Quốc có lợi thế về cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới, trong khi Ấn Độ có lợi thế về nguồn nhân lực. Hai bên tạo ra một sự cân bằng. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi Trung Quốc vẫn chưa đạt được bước tiến lớn về việc triển khai dọc biên giới Trung - Ấn, sự phát triển cơ sở hạ tầng của Ấn Độ đã có những tiến bộ nhanh chóng. Điều này phá vỡ thế cân bằng ở khu vực biên giới. Hiện tại, Ấn Độ muốn sử dụng các lợi thế về chiến thuật để chống lại các lợi thế chiến lược tổng thể của Trung Quốc". 

Nhiều bài bình luận trên Internet Trung Quốc xoa dịu mối lo ngại này bằng cách lập luận, chiến tranh hiện đại quan trọng nằm ở khoa học, công nghệ còn quân đội chỉ là "mục tiêu sống" hoặc "bia đỡ đạn" cho vũ khí dẫn đường đầy tính chính xác. Ngoài ra, trong bối cảnh tác chiến ở độ cao lớn, thiết bị, vật tư và khả năng cơ động quan trọng hơn so với sức người. 

Trung Quốc đang bí mật lên kế hoạch phản đòn Ấn Độ

Việc quân đội Ấn Độ chiếm giữ các cao điểm chiến lược quan trọng ở bờ nam của hồ Pangang dường như đã chọc giận các chiến lược gia Trung Quốc. 

Nhiều nhà chiến lược không hài lòng về thực tế, năm 1962, Lực lượng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã chiếm giữ các cao điểm này với "82 binh sĩ thương vong". Nhưng giờ đây, các cao điểm này đã bị quân đội Ấn Độ tái chiếm mà "không mất một viên đạn". Các nhà chiến lược cho rằng "điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được". 

Một số nhà chiến lược lập luận thêm rằng, với tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Ấn Độ như hiện tại, rất khó để Trung Quốc giành lại các cao điểm này bằng một cuộc đối đầu tay đôi (không dùng súng). Khả năng Ấn Độ tự động rút lui thông qua các cuộc đàm phán là rất khó. Vì vậy, giới chiến lược đang xôn xao với ý tưởng về một cuộc đáp trả thích đáng với Ấn Độ. 

Tuy nhiên, một số chiến lược gia Trung Quốc lại cho rằng nếu không đưa ra phản ứng ngay lập tức, PLA thực sự đang "câu giờ" để xây dựng hệ thống phòng thủ và công sự vững chắc để thực hiện một đòn đáp trả khốc liệt hơn vào thời điểm phù hợp. 

Nhiều tin đồn xuất hiện tràn lan trên mạng Internet của Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ nhân cơ hội bầu cử Mỹ để thực hiện một động thái quân sự nhằm vào Đài Loan hoặc Ấn Độ. Giáng sinh cũng được coi là thời điểm thuận lợi để thực hiện đòn đáp trả Ấn Độ khi Mỹ sẽ mất tập trung và Ấn Độ cũng gặp bất lợi do tuyết rơi dày đặc.

Quân đội Trung Quốc tập trận. Ảnh: DFAP

Quân đội Trung Quốc tập trận. Ảnh: DFAP

Ý tưởng là thực hiện "một cuộc xung đột cấp chiến thuật ở quy mô nhỏ" hoặc một cuộc tấn công phục kích bằng cách dụ binh sĩ Ấn Độ vào lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu điều này leo thang thành một cuộc xung đột quân sự lớn hơn, các cựu tướng Trung Quốc như Wang Hongguang, cựu Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh của Trung Quốc, đề xuất một chiến lược bốn mũi nhọn để đối phó với Ấn Độ. 

Đầu tiên là chiếm ưu thế trên không đối với Ladakh và chiếm giữ các hệ thống điều khiển điện tử, phá hủy mạng chỉ huy, mạng phòng không (radar) và mạng chỉ huy trên không của Ấn Độ. 

Thứ hai, tấn công vào các cơ sở hạ tầng, vị trí pháo binh, cụm thiết giáp, kho hậu cần, kho dầu... quan trọng của quân đội Ấn Độ. Thứ ba, chủ động chiếm giữ các cao điểm chiến lược quan trọng, chia cắt và ngăn chặn các lực lượng Ấn Độ tăng cường. Cuối cùng là chiếm con đường quốc lộ 1 từ Srinagar tới Leh, cắt đứt kết nối giữa Ladakh với khu vực bên ngoài.

Bằng cách này, nếu xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn với Ấn Độ, Trung Quốc có thể chiếm toàn bộ Ladakh, theo ông Wang. 

Ngoài ra, nhiều bài bình luận trên mạng Internet của Trung Quốc còn thúc giục PLA sử dụng bộ máy tuyên truyền để khai thác các lỗ hổng về giai cấp, tôn giáo trong quân đội Ấn Độ để từ đó chia rẽ, làm mất tinh thần chiến đấu của binh sĩ Ấn Độ. 

Các bài phân tích còn chỉ ra một phương án khác là Bắc Kinh có thể thành lập một mặt trận chung với Pakistan, Nepal và Bangladesh (các nước láng giềng của Ấn Độ) để phát động một cuộc tấn công tổng lực vào Ấn Độ. "Trung Quốc sẽ chiếm Ladakh, Arunachal ở phía đông bắc, Pakistan chiếm Kashmir, Bangladesh chiếm Tây Bengal và Bhutan thoát khỏi cái bóng của Ấn Độ", một bài phân tích chỉ rõ.

Nguồn: [Link nguồn]

3 ”đòn” Ấn Độ có thể dùng đối phó Trung Quốc trong căng thẳng biên giới

Theo một chuyên gia, thỏa thuận 5 điểm đạt được tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ ở Moscow, Nga,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - India Today ([Tên nguồn])
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN