TQ: Lời đồn chết chóc về "Tử Cấm Thành của Nam Kinh", 600 năm vẫn gây sợ hãi
Ngoài Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh là địa danh nổi tiếng khắp thế giới, Trung Quốc còn có một "Tử Cấm Thành của Nam Kinh" dù ít được biết đến hơn, nhưng những lời đồn về nơi này khiến nhiều người ớn lạnh.
Di tích cung điện nhà Minh ở Nam Kinh.
Khi nói đến Tử Cấm Thành, chắc hẳn rất nhiều người sẽ nghĩ ngay về một cố cung nguy nga, tráng lệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Hoa còn có một cung điện bề thế chẳng kém nằm ở Nam Kinh. Đó chính là cung điện nhà Minh hay còn được gọi với cái tên khác là “Tử Cấm Thành của Nam Kinh”.
Theo Sohu, xung quanh “Tử Cấm Thành của Nam Kinh” có nhiều điều bí ẩn, kỳ lạ. Đặc biệt, dù 600 năm đã trôi qua kể từ khi cung điện này được xây dựng, đến nay vẫn có nhiều lời đồn thổi về nó khiến người ta rợn tóc gáy.
Xây dựng cung điện nguy nga trên hồ
Vào đầu năm 1367, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã nghe theo lời của tướng quân Phùng Quốc cho xây dựng cung điện nhà Minh ở ngay trên hồ Yến Tước. Ở thời điểm đó, các thầy phong thủy cho rằng, đây là nơi “rồng cuộn, hổ ngồi”, có long mạch thịnh vượng nhất.
Thế nhưng, muốn xây dựng cung điện thì bắt buộc phải lấp hồ Yến Tước. Theo đó, Minh Thái Tổ đã lệnh cho 200.000 người bắt đầu thực hiện công việc này.
Sau vài tháng làm việc không ngừng nghỉ, điều kỳ lạ là, số người khổng lồ trên vẫn không lấp được hồ Yến Tước. Khi đó, Chu Nguyên Chương bắt đầu nghi ngờ việc lấp hồ xây cung điện bị thần linh ngăn cản.
Sau đó, Minh Thái Tổ được một thầy phong thủy có tên Điền Đức Mãn trợ giúp và kỳ lạ thay, ngay sau khi người này “làm phép”, công việc lấp hồ Yến Tước bỗng nhiên trở nên dễ dàng.
Do cung điện được xây dựng ngay trên hồ Yến Tước nên phần móng có nguy cơ bị sụt lún cao, gây nguy cơ giảm tuổi thọ của công trình.
Cung điện tráng lệ ngày nào của nhà Minh ở Trung Quốc nay chỉ còn là một đống hoang tàn.
Để khắc phục vấn đề này, Chu Nguyên Chương đã cho người đóng rất nhiều chiếc cọc được làm từ gỗ linh sam có chiều dài từ 2-15m, đường kính từ 16-36cm với mật độ dày đặc từ 2-12cm vào lòng hồ vừa bị lấp. Đồng thời, ông cũng cho đổ thêm hoàng thổ, đá, gạch để giúp phần móng được chắc chắn.
Tới tháng 10/1367, cung điện nhà Minh được xây dựng xong. Cung điện lúc này có diện tích khiêm tốn với chiều dài chỉ 790m, rộng 750m và mới chỉ có các đại sảnh Phụng Thiên, Hoa Hải Đường, Kim Thẩm Đường, Văn Lâu, Vũ Lâu, tiền Sảnh Cung, Côn Ninh Cung, Đông Tây Lục Cung.
Bao quanh cung điện là một bức tường thành cao 9,6m, rộng 6,8m và có 4 cổng gồm cổng chính Phụng Thiên nằm ở phía Nam, cổng Đông Hoa ở phía Đông, cổng Tây Hoa ở phía Tây và cổng Huyền Vũ ở phía Bắc.
Đến năm 1368, Chu Nguyên Chương chính thức định đô ở Nam Kinh và lấy niên hiệu là Hồng Vũ. Sau đó, cung điện nhà Minh còn có thêm 2 lần mở rộng cũng như trang trí thêm vào các năm 1375 và 1392.
Những lời đồn đáng sợ
Sau khi được xây dựng, cung điện nhà Minh đã chứng kiến một loạt sự kiện chết chóc, dấy lên nhiều lời đồn đại đáng sợ.
Cụ thể, sau khi công việc xây dựng cung điện nhà Minh hoàn thành, Minh Thái Tổ đã xuống tay giết hại rất nhiều công thần lập quốc.
Trong đó, bi thảm nhất là 2 vụ giết 2 công thần Hồ Duy Dung và Lam Ngọc khiến hàng nghìn người chết.
Cụ thể, năm 1380, Minh Thái Tổ giết thừa tướng Hồ Duy Dung cùng nhiều quan lại khác với tội danh “xây bè kết phái”. Trong đó, các công thần như Tống Thận, Từ Đạt, Lý Thiện Trường, Lục Trọng Đình, Đường Thắng Tông... đều bị Chu Nguyên Chương gán cho tội đồng lõa với Hồ Duy Dung và bị tru di cửu tộc khiến rất nhiều người phải bỏ mạng.
Tới năm 1393, Minh Thái Tổ tiếp tục cho bắt giữ Lương Quốc Công Lam Ngọc vì cho rằng công thần này có mưu đồ làm phản. Sau đó, Cảnh Xuyên hầu Tào Chẩn, Nhạn Ứng hầu Trương Dực, Thượng thư bộ Lại Chiêm Huy, Thị lang bộ hộ Bạc Hữu Văn… cũng bị gán cho tội làm phản nên bị tru di tam tộc.
Những vụ án này đã khiến hàng nghìn người chết thảm, làm nhiều người cho rằng âm khí của cung điện nhà Minh ngày càng nặng hơn.
Những những sự kiện chết chóc xung quanh cung điện nhà Minh vẫn chưa dừng lại.
Vào năm Hồng Vũ thứ 15, hoàng hậu của Chu Nguyên Chương bất ngờ qua đời ở tuổi 51. Ngay sau đó, 2 người con của Minh Thái Tổ cũng qua đời sau khi bị cảm lạnh khi mới 5 tuổi.
Thậm chí, ngay cả sau khi Chu Nguyên Chương qua đời vào năm 1398, những sự kiện bi thảm, bí ẩn, kỳ lạ xung quanh cung điện nhà Minh ở Nam Kinh vẫn tiếp diễn.
Phần móng còn sót lại của cung điện nhà Minh.
Theo tờ Sohu, trong những năm gần đây, có nhiều vụ tai nạn ô tô xảy ra ở gần khu di tích cung điện nhà Minh. Vào năm 2002, một tòa nhà lớn được xây dựng ở gần cung điện nhà Minh và trong lúc thi công, một số người đã làm dịch chuyển miếu thờ. Sau đó, một công nhân không may bị điện giật tử vong khi đang làm việc, một bé gái bị xe tải cán chết sau khi đi ngang qua công trình.
Những tai nạn trên khiến nhiều người “ớn lạnh” và tin vào lời đồn đại rằng cung điện nhà Minh dính phải lời nguyền chết chóc. Theo Sohu, hiện nay, một số người dân địa phương mê tín không dám đi lại gần nơi này vào ban đêm và nhiều tài xế cũng chọn đi đường vòng để tránh cung điện nhà Minh. Tuy nhiên, những người hiểu biết hơn cho rằng, đó chỉ là những sự kiện ngẫu nhiên và không liên quan gì đến cung điện này.
Cung điện hoành tráng trở thành đống hoang tàn
Tranh minh họa Chu Nguyên Chương.
Vào tháng 6/1398, Minh Thái Tổ băng hà ở Nam Kinh, hưởng thọ 71 tuổi. Kể từ đây, nhà Minh có dấu hiệu suy tàn khi liên tục xảy ra những cuộc chiến nội tộc để tranh giành ngôi vị hoàng đế.
Vào năm 1402, Yên Vương Chu Đệ dẫn quân đánh bại Minh Huệ Đế Chu Doãn Văn, lên ngôi hoàng đế, hiệu Minh Thành Tổ (Chu Doãn Văn là cháu, gọi Chu Đệ là chú ruột). Sau đó, Minh Thành Tổ cho dời đô tới Bắc Kinh.
Từ đây, cung điện nhà Minh ở Nam Kinh bị bỏ hoang, dần bị xuống cấp nghiêm trọng do phải hứng chịu nhiều tác động của chiến tranh và ít được tu sửa.
Thêm vào đó, việc cung điện được xây dựng trên hồ đã khiến phần móng bị sụt lún và ngập nước. Tới năm 1449, 3 sảnh chính của cung điện và cũng là nơi cử hành các nghi lễ hoàng gia bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn lớn.
Ngày nay, “Tử Cấm Thành của Nam Kinh” chỉ còn lại một số cổng thành và số ít đồ tạo tác hoặc đá kê cột.
Về việc tại sao gỗ trong Tử Cấm Thành không bị hỏng, các chuyên gia đã từng đính chính rằng, không phải chúng không mục...
Nguồn: [Link nguồn]