TQ: Lệnh cấm đánh cá lớn nhất thế giới liệu có cứu nổi sông Dương Tử?
Lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm trên sông Dương Tử là biện pháp mạnh tay nhất từ trước đến nay của Trung Quốc nhằm cứu dòng sông khỏi “cửa tử”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc còn cần làm nhiều hơn thế nữa.
Khai thác tận diệt trên sông Dương Tử đã khiến nhiều loài cá tuyệt chủng (ảnh: SCMP)
Sau khi dành gần như cả đời mình làm công việc đánh cá trên sông Dương Tử, ông Wang Quansheng đã nộp lại giấy phép đánh cá và dụng cụ chài lưới cho chính quyền địa phương. Do lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm trên sông Dương Tử, thuyền của ông bị chính quyền thu giữ từ hồi tháng 3.
Wang Quansheng 58 tuổi, là một ngư dân sống ở Hồ Bắc. Gia đình ông đã có 3 đời làm nghề đánh bắt cá trên sông Dương Tử. Con trai ông Wang năm nay 33 tuổi, mới đây cũng phải từ bỏ việc đánh bắt cá sông.
Ngày 1.1.2020, lệnh cấm đánh cá 10 năm trên sông Dương Tử và nhiều nhánh phụ cận chính thức có hiệu lực. Đây là lệnh cấm đánh bắt cá đầy tham vọng của Trung Quốc và lớn chưa từng có trên thế giới.
Trung Quốc quyết tâm hồi sinh hệ sinh thái phong phú trên dòng sông nổi tiếng và quan trọng nhất cả nước bằng lệnh cấm đánh cá này. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hơn 300.000 ngư dân hành nghề đánh cá trên sông Dương Tử phải xếp lưới và đối mặt nguy cơ thất nghiệp.
David Dudgeon – giáo sư nghiên cứu sinh thái và đa dạng sinh học tại Đại học Hong Kong – cho rằng, xét về quy mô, lệnh cấm đánh cá sông Dương Tử của Trung Quốc là lớn nhất thế giới.
“Không có lệnh cấm đánh cá trong môi trường nước ngọt nào lớn đến thế”, ông David Dudgeon nhận xét.
Rác thải trên sông Dương Tử (ảnh: SCMP)
Từ thời xa xưa, dân Trung Quốc đã đánh bắt cá trên sông Dương Tử. Dài hơn 6.300 km, sông Dương Tử và phụ cận là nơi sinh sống của khoảng 460 triệu người, tương đương 1/3 dân số Trung Quốc.
Sau nhiều thập kỷ xây dựng, vận hành đập Tam Hiệp, kèm theo khai thác thủy sản, ô nhiễm quá mức, tài nguyên sinh vật trên sông Dương Tử đã cạn kiệt nghiêm trọng. Con sông từng cung cấp 60% sản lượng cá nước ngọt cho Trung Quốc đứng trước nguy cơ trở thành sông chết.
Từ những năm 1990, nhiều người Trung Quốc đã sử dụng những biện pháp đánh bắt tận diệt để khai thác cá trên sông Dương Tử, bao gồm cả thuốc nổ và lưới điện.
“Đã từng có thời điểm ai cũng có thể câu được cá ở sông Dương Tử, nhưng nhiều người đã đối xử tồi tệ với con sông”, ông Wang nói.
“Những con cá nhỏ dưới 1 cm cũng không thể thoát khỏi các tấm lưới điện. Mỗi khi bố tôi thấy ai dùng lưới điện đánh cá, ông thường quát mắng họ. Bố tôi nói rằng họ đang hủy hoại sinh kế của nhiều thế hệ sau. Bây giờ điều đó đã trở thành hiện thực”, ông Wang chia sẻ.
Zhou Jianjun – một tình nguyện viên bảo vệ sông Dương Tử – cho biết, trong suốt 6 năm qua, nhóm của anh đã báo cáo khoảng 10.000 vụ đánh bắt cá bằng dụng cụ bất hợp pháp trên sông Dương Tử, nhưng không được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức.
“Ngay cả khi có lệnh cấm đánh bắt cá, tình trạng đánh cá trộm vẫn tiếp diễn mỗi ngày”, Zhou nói.
Lệnh cấm đánh cá không đủ cứu sông Dương Tử, theo chuyên gia (ảnh: SCMP)
Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá có thể hạn chế vấn nạn khai thác tận diệt, nhưng theo các chuyên gia, điều này là chưa đủ cứu vãn sông Dương Tử khi tình trạng ô nhiễm nước và đập Tam Hiệp vẫn còn.
“Có rất nhiều mối nguy khác ảnh hưởng đến chất lượng nước và môi trường sông Dương Tử hàng ngày. Tuy nhiên, lệnh cấm đánh bắt cá có thể vẫn sẽ hữu ích vì ít nhất nó giúp quần thể cá có thời gian phục hồi”, ông David Dudgeon nhận xét.
Wang Yamin – phó giáo sư tại Đại học Hàng hải Trung Quốc – cũng đồng tình với quan điểm này.
“Lý do gây ra suy thoái đối với hệ sinh thái sông Dương Tử không chỉ bởi việc đánh bắt quá mức. Trung Quốc cần có thêm các biện pháp khác ngoài lệnh cấm đánh bắt cá, đặc biệt là phải cải thiện môi trường nước”, ông Wang nói.
Tác động của lệnh cấm đánh bắt cá sông Dương Tử đối với sinh kế của hàng trăm nghìn ngư dân cũng cần được xem xét. Trung Quốc cho biết, ngư dân tự nguyên nộp lại giấy phép đánh cá và thuyền sẽ được bồi thường tiền và hỗ trợ tìm công việc mới.
Kể từ đầu mùa mưa lũ năm nay, đập Tam Hiệp đã trữ được 14,6 tỷ mét khối nước. Trước những lo ngại của dư luận...
Nguồn: [Link nguồn]