TQ là chỗ dựa của Nga trước các đòn trừng phạt từ phương Tây?
Bắc Kinh được xem như một nhân tố chính có khả năng làm suy yếu chiến dịch gây áp lực quốc tế của phương Tây nhằm vào Moscow.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Theo trang Al Jazeera, Trung Quốc có thể là một chỗ dựa kinh tế cho Nga khi Moscow phải đối mặt với sự cô lập và các đòn trừng phạt từ phương Tây.
Khi nhiều nước phương Tây tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, Bắc Kinh lại nổi lên như một nhân tố chính, có khả năng giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho Nga và làm suy yếu chiến dịch gây áp lực của phương Tây.
Hôm 24/2, cơ quan hải quan Trung Quốc thông báo dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu với lúa mì Nga - loại hạt chiếm 1/4 nguồn cung toàn cầu. Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 25/2 mô tả động thái này của Trung Quốc "không thể chấp nhận", cáo buộc Bắc Kinh đã ném "phao cứu sinh" cho Nga vào thời điểm Moscow đang mở chiến dịch quân sự ở nước khác.
"Động thái của Bắc Kinh là một tín hiệu thể hiện sự ủng hộ", Alicia García Herrero, nhà kinh tế phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương tại công ty Natixis, Hong Kong, Trung Quốc, nói với Al Jazeera. "Một điều khác mà Trung Quốc muốn thế giới, trong đó có phương Tây, thấy là các biện pháp trừng phạt sẽ không hiệu quả".
Hôm 24/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cáo buộc Mỹ "châm ngòi" cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bà Hoa còn bày tỏ hy vọng Nga và Ukraine "sẽ quay lại đối thoại và đàm phán".
Quan hệ hữu nghị "không giới hạn"
Bắc Kinh và Moscow đã tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ trong bối cảnh quan hệ ngày càng căng thẳng với Mỹ cùng các đồng minh châu Âu và châu Á của Washington.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu tháng này, 2 nhà lãnh đạo đã tuyên bố rằng tình hữu nghị giữa 2 nước là "không giới hạn" và sẽ không có lĩnh vực hợp tác nào "bị cấm" giữa đôi bên.
Qinduo Xu, một thành viên cấp cao tại Viện Pangoal (Trung Quốc), cho rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục hợp tác với Moscow. "Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác kinh doanh với Nga, không phải chỉ để giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt tới Moscow, mà còn để tuân thủ nguyên tắc mà Bắc Kinh giữ từ lâu: Không hưởng ứng các lệnh trừng phạt đơn phương", bà Qinduo nhận định.
Sau khi nới lỏng các hạn chế với lúa mì Nga, Trung Quốc có thể giảm ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây với Moscow bằng cách tăng tỷ trọng nhập khẩu năng lượng của Nga. Moscow là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới và là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 thế giới.
Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân, thực thể Nga, bao gồm các ngân hàng nhà nước, hãng hàng không quốc gia và các chính trị gia, tỷ phú thân cận với ông Putin. Hàn Quốc và đảo Đài Loan cũng có ý định phối hợp với các nước khác để đưa ra biện pháp trừng phạt với Moscow, bao gồm cả kiểm soát xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các biện pháp trừng phạt của Mỹ, các đồng minh châu Âu và châu Á của Mỹ không nhắm vào lĩnh vực năng lượng béo bở của Nga cũng như khả năng tiếp cận của Moscow với hệ thống thanh toán SWIFT. Hai lĩnh vực này có thể gây ra thiệt hại nặng với Nga nhưng cũng khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt. Các nước châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga - chiếm 41% nguồn cung của châu lục này.
Trung Quốc ngày 24.2 thông báo dỡ bỏ toàn bộ các quy định hạn chế nhập khẩu lúa mì của Nga, trong động thái siết chặt mối quan hệ song phương giữa khủng hoảng Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]