TQ: Khám phá mộ cổ ngàn năm, phát hiện điều bất ngờ
Các nhà khảo cổ Trung Quốc gần đây công bố phát hiện mới bên trong mộ cổ chiến binh thời nhà Đường. Điều gây bất ngờ là sự xuất hiện của một loại hạt giống nằm giữa những lọ đựng ngũ cốc.
Hình tượng Lý Thế Dân trong phim truyền hình Trung Quốc.
Cần sa là thành phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống của người dân Trung Hoa thời nhà Đường (618 – 907), theo một nghiên cứu mới của các nhà khảo cổ Trung Quốc.
Người Trung Quốc thời cổ đại được cho là đã trồng và sử dụng cây cần sa trong một loại cháo.
Nhiều tài liệu lịch sử của Trung Quốc cho rằng, loài thực vật này từng là một nguồn thực phẩm quan trọng, nhưng các bằng chứng khảo cổ chỉ mới được phát hiện gần đây.
Phát hiện mới xác nhận rằng khi nền văn minh Trung Hoa đạt đến cực thịnh, cần sa được sử dụng rộng rãi, bao gồm cả khía cạnh dinh dưỡng.
Phát hiện mới bắt nguồn từ việc khám phá ngôi mộ cổ thời nhà Đường. Các công nhân phát hiện ngôi mộ cổ khi đào bới tại sân chơi một trường tiểu học ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Trong 1.320 năm, ngôi mộ này chưa từng bị xâm phạm, các dấu vết và hiện vật bên trong còn nguyên vẹn hoàn toàn. Các gian phòng trong mộ cổ hoàn toàn khô ráo, không bị nước xâm nhập.
Trong một trong chiếc lọ đựng thực phẩm, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết của cần sa, với một số hạt giống vẫn còn màu sắc như ban đầu.
Các hạt giống này to gấp đôi so với bình thường, cho thấy đây không phải là loại cây cần sa được trồng ngày nay. Loại cây này có hàm lượng chất kích thích (THC) thấp hơn so với cây cần sa hiện đại.
Hạt giống cây cần sa được phát hiện trong mộ cổ chiến binh thời nhà Đường.
Chủ nhân ngôi mộ cổ là Guo Xing, một đội trưởng kỵ binh từng chiến đấu bên cạnh Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong một loạt các cuộc chinh phạt đẫm máu ở bán đảo Triều Tiên.
“Lọ đựng cần sa nằm giữa các lọ đựng ngũ cốc khác như hạt kê. Rõ ràng, hậu duệ của Guo chôn hạt cần sa như một loại thực phẩm quan trọng”, Jin Guiyun, giáo sư trường lịch sử và văn hóa tại Đại học Sơn Đông, nói.
Ngày nay, sở hữu cần sa là hành động phạm pháp ở Trung Quốc, người buôn bán cần sa có thể bị kết án tử hình. Nhưng đối với những người sống thời nhà Đường, cần sa thậm chí có thể còn quan trọng hơn gạo ăn, giáo sư Jin và các cộng sự nhận định.
Ở thời cổ đại, Trung Quốc ấm và ẩm ướt hơn ngày nay, gạo được sản xuất rộng rãi ở lưu vực sông Dương Tử. Nhưng gia đình Guo không bỏ gạo vào trong các hũ. Điều này cũng có thể phản ánh chế độ ăn của chiến binh này, người đã sống đến tuổi 90.
“Cần sa được chôn trong mộ cổ như một loại thực phẩm, đem theo chủ nhân sang thế giới bên kia”, các nhà nghiên cứu nói.
Các nhà khảo cổ cũng chú ý đến việc người xưa chôn theo hạt cần sa có cả vỏ, hương vị không ngon nhưng có thể giúp bảo quản tốt hơn.
Tuy vậy, vỏ cần sa chứa lượng lớn THC. “Ăn quá nhiều hạt cần sa chưa bóc vỏ có thể khiến một người chạy như điên”, theo một cuốn sách do nhà thảo dược Li Shizhen viết cách đây 500 năm.
Sở hữu lăng mộ khổng lồ, xa hoa bậc nhất trong các vua chúa Trung Quốc, nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn chưa thỏa mãn mà đêm...
Nguồn: [Link nguồn]