TQ hưởng lợi khi Triều Tiên thử "bom nhiệt hạch"

Kể từ khi Triều Tiên gây chú ý với cuộc thử nghiệm “bom nhiệt hạch” lần thứ tư cuối tuần trước, trách nhiệm nhanh chóng được đẩy sang Trung Quốc, đồng minh thân cận của Triều Tiên.

Áp lực trong khu vực gia tăng và Mỹ liên tục chỉ trích Trung Quốc quá mềm mỏng trong các biện pháp với người láng giềng Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ được hưởng lợi nhiều sau vụ thử hạt nhân gây tranh cãi, các nhà phân tích từ báo Strait Times (Singapore) khẳng định.

Họ chỉ ra rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ sử dụng vai trò trung gian của mình để gây xao nhãng sự chú ý quốc tế trước vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. “Vụ thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên là lời nhắc nhở Trung Quốc và Mỹ có nhiều lợi ích chung”, chuyên gia quan hệ quốc tế Vương Đông thuộc trường Đại học Bắc Kinh chia sẻ.

TQ hưởng lợi khi Triều Tiên thử "bom nhiệt hạch" - 1

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un duyệt đội hình Quân giải phóng nhân dân Triều Tiên ở Bình Nhưỡng ngày 10.1 vừa qua.

Trung Quốc đang kêu gọi nối lại vòng đám phán giải trừ quân bị 6 bên đã bị đình trệ từ năm 2008.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung Se hôm 8.1 vừa qua chuẩn bị lộ trình để nối lại các phiên thảo luận bị cắt đứt. Vai trò này Trung Quốc đã đảm nhiệm từ đợt thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên năm 2006.

 “Nếu vòng đàm phán được nối lại, chắc chắn chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ được ngăn chặn”, tiến sĩ Ramon Pacheco Pardo chuyên nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên khẳng định. “Chính quyền Bắc Kinh sẽ cố gắng thể hiện hình ảnh một nước trung gian đáng tin cậy”.

Căng thẳng nổ ra sau vụ thử hạt nhân hôm 6.1 khiến Mỹ xao nhãng tình hình hiện nay ở Biển Đông. Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích khu vực hàng hải quan trọng này.

“Hiện nay chưa biết lí do vì sao Mỹ quên đi cam kết về tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”, tiến sĩ Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế ở Viện Lowy bình luận. “Dù sao Mỹ cũng không đủ khả năng cùng lúc quan tâm tới vấn đề Biển Đông và Triều Tiên”.

Với chính quyền Bắc Kinh, kiểm soát “con ngựa bất kham” như Triều Tiên thực sự khó khăn khi lãnh đạo tối cao Kim Jong-un là một người rất khó đoán định. Tuần trước, Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân mà không báo trước cho Bắc Kinh một tiếng.

TQ hưởng lợi khi Triều Tiên thử "bom nhiệt hạch" - 2

"Bom nhiệt hạch" là một lá bài chính trị quan trọng với nhiều quốc gia, trong đó có cả Triều Tiên và Trung Quốc.

Sau cuộc thử “bom nhiệt hạch”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố nỗ lực của Trung Quốc nhằm áp chế Triều Tiên đã thất bại và “không nên làm ăn với Triều Tiên nữa”.

Bất chấp các lời chỉ trích Bắc Kinh không đủ mạnh tay với Bình Nhưỡng, nhà phân tích Daniel Pinkston thuộc Đại học Troy cảm thấy “có lẽ Trung Quốc nên sử dụng vũ lực để bắt Triều Tiên giải trừ quân bị”.

Dưới sự lãnh đạo của chủ tịch nước Tập Cận Bình, Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu không thỏa hiệp với người hàng xóm cứng đầu. Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt, xiết chặt xuất khẩu và kiểm soát ngân hàng chặt chẽ hơn nhằm vào Triều Tiên dù nhiều chỉ trích Trung Quốc thi hành không triệt để.

Ông Tập cũng chưa từng gặp mặt lãnh đạo Kim Jong-un sau 4 năm kể từ khi ông Kim lên thay thế người cha Kim Jong-il đột ngột qua đời.

Sau vụ thử hôm 6.1, Trung Quốc thể hiện sự không hài lòng. “Bắc Kinh mong muốn Bình Nhưỡng chịu thêm lệnh trừng phạt thay vì kêu gọi tất cả các bên thỏa hiệp như trước đây”, tiến sĩ Graham nói.

Các chuyên gia hy vọng Trung Quốc sẽ đồng ý với lệnh cấm vận mới mà Hội đồng Bảo an sẽ áp đặt cho Triều Tiên trong những ngày tới đây. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định Bắc Kinh sẽ không thể đẩy Bình Nhưỡng đi quá xa nếu cân nhắc các lợi ích chiến lược với người hàng xóm.

Bình Nhưỡng và Bắc Kinh cách nhau chỉ 800km và hàng triệu người nhập cư sẽ tràn qua 1.400km đường biên giới chung nếu chính quyền Kim Jong-un sụp đổ.

Chưa kể, nền kinh tế các tỉnh đông nam Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với Triều Tiên. “Trung Quốc sẽ không gây hại cho nền kinh tế của mình để đổi lấy các lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên”, tiến sĩ Pardo nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – ST ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN