TQ "dụ" Philippines bỏ qua phiên tòa quốc tế về Biển Đông
Trước thềm phiên tòa quốc tế về Biển Đông, Trung Quốc đang kêu gọi đàm phán với Philippines, thay vì “lôi nhau ra tòa”.
Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc (Ảnh Reuters)
Ngày 4.7, tờ China Daily đưa tin Trung Quốc đã sẵn sàng đàm phán với Philippines về vấn đề Biển Đông nếu Manila đồng ý bỏ qua phán quyết của phiên tòa quốc tế, dự kiến diễn ra trong tuần tới về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
Cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines có thể bao gồm "các vấn đề hợp tác và phát triển nghiên cứu khoa học nếu chính phủ mới của Philippines đặt phán quyết của tòa án sang một bên", tờ China Daily viết.
Trước đó, Philippines kiện Trung Quốc vì tuyên bố lãnh thổ ngang ngược tại hầu hết Biển Đông, khu vực bao gồm hàng trăm hòn đảo và các rạn san hô, bãi đá. Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại thành phố Hague, Hà Lan dự kiến sẽ tổ chức một phiên tòa về vấn đề này vào ngày 12.7 tới.
Trung Quốc đã từng tuyên bố sẽ bỏ qua phán quyết của Tòa án và coi đây là một điều sỉ nhục của trật tự pháp lý quốc tế.
Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, cho rằng tòa án không có thẩm quyền và nói rằng họ muốn giải quyết vấn đề song phương. Theo Reuters, trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch tuyên truyền để hạ thấp phán quyết của vụ án.
Người dân Philippines biểu tình phản đối việc Trung Quốc "quân sự hóa" Biển Đông (Ảnh: AP)
Tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai nước đã thỏa thuận năm 1995 để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông "một cách hòa bình và thân thiện thông qua tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau".
Trung Quốc và Philippines đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán về việc xử lý đúng đắn các tranh chấp hàng hải, tuy nhiên chưa có cuộc đàm phán nào về tranh chấp thực tế ở Biển Đông.
"Khách quan mà nói, tòa án không có thẩm quyền đối với các tranh chấp," Sienho Yee, một giáo sư luật Trung Quốc nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn của chính phủ sắp xếp. "Đàm phán là cách đã được thống nhất để giải quyết các tranh chấp," ông nói.
Vụ kiện là một bước đi của Philippines nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và khẳng định việc Bắc Kinh chiếm đóng nhiều rặng, bãi đá tại Trường Sa là bất hợp pháp.
Dù không có cơ chế cưỡng chế nhưng các phán quyết của tòa án quốc tế vẫn có những sức mạnh riêng và Trung Quốc có thể phải trả một giá thích đáng nếu cố tình "bỏ ngoài tai" các phán quyết về vấn đề Biển Đông. Việc Trung Quốc "trốn" tham gia vào các phiên điều trần được tờ Reuters bình luận: "Bằng cách từ chối tham gia vào các phiên tòa, Trung Quốc đã tự bỏ qua cơ hội để chính thức bảo vệ tuyên bố của mình một cách pháp lý nhất".