TQ: Dấu hiệu bất thường 500 năm có một ở sông Hoàng Hà và hiểm họa thảm khốc tiềm tàng
Một nghiên cứu mới cho thấy dòng chảy sông Hoàng Hà, vốn đục ngầu vì phù sa và trầm tích, trở nên trong nhất vào hôm 28/7. Đây là dấu hiệu lần đầu tiên xảy ra trong 5 thế kỷ gần đây.
Một đoạn sông Hoàng Hà ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo SCMP, con sông dài thứ 2 Trung Quốc được đặt tên là Hoàng Hà (sông Vàng) dựa theo màu nước sông gây ra bởi phù sa và trầm tích. Theo ước tính, lượng trầm tích trên sông Hoàng Hà có thể lên tới 34 kg/m3 nước, gấp 34 lần tỷ lệ trầm tích ở sông Nile (châu Phi).
Trải dài 5.464 km, sông Hoàng Hà bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc và chảy về biển Bột Hải ở phía đông tỉnh Sơn Đông.
Đồng bằng màu mỡ của sông Hoàng Hà biến nó thành cái nôi của nền văn minh Trung Quốc cổ đại. Tuy nhiên, do trầm tích lắng đọng với số lượng lớn đến mức lòng sông bị nâng lên, lũ lụt thường xuyên xuất hiện trên con sông lớn thứ 2 Trung Quốc, cướp sinh mạng của nhiều người.
Lũ lụt thường xuyên xuất hiện ở sông Hoàng Hà, cướp sinh mạng nhiều người. Ảnh: Một khúc sông đổ ra sông Hoàng Hà. Nguồn: CI
Hàm lượng trầm tích sông Hoàng Hà là chủ đề của một nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ bởi các nhà khoa học quốc tế. Được dẫn dắt bởi nhà địa lý An Zhisheng, tới từ Viện môi trường Trái đất, thuộc Viện khoa học Trung Quốc ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, nhóm các nhà khoa học đã cố tái tạo cách mà sông Hoàng Hà biến đổi từ năm 1492 cho tới nay.
Để làm được điều đó, nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu vân gỗ của các cây gần sông Hoàng Hà để xác định lượng nước đổ xuống con sông mỗi năm.
Dù đây không phải cách trực tiếp để đo độ trong của nước sông, nhưng nó cho thấy các nhà khoa học có thể ước tính mức độ xói mòn đang diễn ra và khối lượng trầm tích tích tụ dưới sông.
Theo một bài viết đăng trên Tạp chí PNAS (Mỹ), các nhà khoa học phát hiện sự sụt giảm mạnh về dòng chảy và trầm tích ở sông Hoàng Hà trong những thập kỷ gần đây.
Dù trong sử sách cho rằng nước sông Hoàng Hà trong hơn là "phước lành trời ban", nhưng theo các nhà khoa học, đây không hoàn toàn là tin tốt.
Vòng tuần hoàn nước được quyết định bởi các yếu tố tự nhiên như chu kỳ khí quyển toàn cầu và khí hậu khu vực. Nhưng từ những năm 1960, vòng tuần hoàn nước ở sông Hoàng Hà suy yếu dần rồi biến mất hoàn toàn vào những năm gần đây, theo tuyên bố hồi tuần trước của các nhà khoa học.
Sự suy yếu của mùa mưa ở châu Á đã làm giảm lượng mưa tổng thể ở khu vực sông Hoàng Hà nhưng các nhà khoa học cho rằng đây chỉ là một phần nguyên nhân.
Sự tăng cường hoạt động của con người trong khu vực như tưới tiêu cho nông nghiệp và các chiến dịch trồng cây đồng loạt, đã lấy đi một lượng nước lớn của con sông.
Theo ước tính, lượng nước đổ vào sông Hoàng Hà đã giảm ít nhất một nửa do các hoạt động kể trên, từ mức trung bình hàng năm là 40 tỷ m3 nước (trong hơn 500 năm) xuống chỉ còn 20 tỷ m3 nước (hiện tại).
Với lượng dòng chảy đổ về ít hơn, sông Hoàng Hà dĩ nhiên nhận được ít nước, phù sa và trầm tích hơn trước. Dòng chảy của nó cũng chậm lại, đồng nghĩa với lượng phù sa xuôi về hạ lưu không còn nhiều như trước.
Xét về lâu dài, các nhà khoa học dự đoán rằng quá trình nâng cao lòng sông sẽ bị chậm lại. Tuy điều này làm giảm nguy cơ lũ lụt trên sông Hoàng Hà nhưng nó cũng gây ra sự mất ổn định hai bên bờ sông ở một số khu vực, trong trường hợp xấu nhất là sông Hoàng Hà cạn khô.
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu trường hợp này xảy ra, người dân hạ lưu sông Hoàng Hà sẽ phải hứng chịu tác động thảm khốc.
Đập Xiaolangdi trên sông Hoàng Hà, đoạn thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Getty
Ngoài việc tưới tiêu và trồng cây đồng loạt, 9 con đập xây dựng dọc sông Hoàng Hà cũng bị chỉ trích là làm chậm dòng chảy của nước, ngăn phù sa và trầm tích. Sau khi các con đập "mọc lên", hạ lưu của sông Hoàng Hà thường khô cạn nhiều tháng, trong giai đoạn 1995 - 1998.
Các nhà khoa học đã làm việc với chính phủ và xác định vấn đề nằm ở khâu quản lý. Sau đó, sự kết hợp giữa các con đập được cải thiện và kể từ đó con sông không còn bị khô hạn.
Nguồn: [Link nguồn]
Con đập tại một hồ chứa nhỏ ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, bị vỡ hồi tháng trước sau nhiều ngày mưa lớn là dấu...