TQ: Cái giá phải trả cho cuộc chiến chống đói nghèo
Hàng triệu cán bộ, nhân viên đã được Trung Quốc cử xuống các vùng còn khó khăn để nâng cao mức thu nhập cho người dân trong vài năm qua. Đối với những người được cử đi, khó khăn với họ là “trùng trùng điệp điệp”, SCMP đưa tin.
Trung Quốc đặt mục tiêu không còn hộ nghèo khi kết thúc năm 2020 (ảnh: NY Times)
Li Ping là một cán bộ được cử tới vùng núi hẻo lánh ở Tứ Xuyên, Trung Quốc nhằm giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng “xã hội khá giả toàn diện” của Trung Quốc, được phát động từ năm 2016.
Năm nay, Xide – khu vực do Li quản lý – đang chờ được cấp trên xét duyệt xem đã đủ điều kiện thoát nghèo hay chưa.
“Tôi đang lo rằng chính quyền địa phương chưa sử dụng hết các quỹ xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả và thông minh”, Li nói.
Li chỉ là một trong số gần 3 triệu cán bộ từ chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc được cử xuống những vùng còn khó khăn để giúp đỡ người dân.
Năm 2020, Trung Quốc đặt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn đói nghèo.
Hàng triệu cán bộ Trung Quốc đã được cử xuống vùng còn khó khăn để giúp đỡ người dân, họ sắp thấy thành quả (ảnh: SCMP)
Những người được cử đi sẽ đảm nhiệm các vai trò quan trọng trong thôn làng hoặc xã tại các địa phương còn khó khăn. Họ đều phải trả một cái giá rất lớn: Tuổi trẻ, sức lực và phải sống xa gia đình, dẹp hạnh phúc cá nhân sang một bên, theo SCMP.
“Tôi đã làm việc không biết mệt mỏi suốt gần 5 năm qua. Khi sắp gặt hái được thành quả, tôi thật sự tự hào”, Li nói.
Han Feng – quan chức thuộc cơ quan Xóa đói giảm nghèo và Phát triển tỉnh Tứ Xuyên – cho biết, thoát nghèo từng là một nhiệm vụ bị xem nhẹ nhưng giờ trở thành trọng tâm đối với Trung Quốc.
“Tôi làm việc 14 tiếng mỗi ngày, đôi khi còn làm cả vào cuối tuần. Chúng tôi đi thăm các vùng nông thôn hẻo lánh, giúp đỡ người dân, kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ hỗ trợ các hộ nghèo với chính quyền địa phương”, ông Han nói.
“Áp lực công việc là rất lớn, chúng tôi kiểm soát việc chi tiêu ngân sách hỗ trợ đói nghèo của chính phủ. Năm nay là năm tổng kết mục tiêu đề ra, công việc còn nhiều thêm nữa”, ông Han chia sẻ.
Theo số liệu chính thức vào năm ngoái, Trung Quốc còn 5,51 triệu người sống trong tình trạng nghèo đói, giảm mạnh so với mức 98 triệu người năm 2012.
Nếu không hoàn thành nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, quan chức ở Trung Quốc có thể chịu trách nhiệm cá nhân.
Lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương đều phải ký cam kết chịu trách nhiệm trong việc thực hiện đề án xóa đói giảm nghèo. Thậm chí, quan chức cấp quận, thị trấn, làng xã cũng phải ký cam kết, theo SCMP.
Zhang Hengluwei, 30 tuổi – một cán bộ xóa đói giảm nghèo ở Tứ Xuyên – cũng phải trả giá đắt cho nhiệm vụ.
Từ Miên Trúc, Tứ Xuyên, Zhang rời nhà và để lại đứa con mới 2 tuổi cho vợ chăm sóc để tới những vùng xa xôi, hẻo lánh giúp đỡ người dân thoát nghèo.
Trung Quốc muốn xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo giữa các tỉnh miền Đông và miền Tây (ảnh: SCMP)
Zhang được điều tới ngôi làng miền núi Xujiashan, Tứ Xuyên, cách nhà hơn 500 km.
Dân làng ở đây đa số là người dân tộc thiểu số, sống trong những túp lều bùn, không có nước sạch để uống. Nhiều người không biết chữ và không nói được tiếng Quan Thoại.
“Tôi hướng dẫn cho người dân ở đây cách sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi một cách bền vững và khoa học. Mục tiêu là đưa ngôi làng thoát khỏi diện nghèo đói. Năm nay phải hoàn thành nhiệm vụ, rất áp lực”, Zhang nói.
Một con đường mới vừa được xây dựng tại làng Xujiashan, thêm vào đó là những trang trại trồng rau và nuôi lợn. Ngôi làng có thể đã đủ điều kiện để thoát khỏi danh sách nghèo đói, chỉ còn chờ cấp trên phê duyệt.
Zhang nói nếu hoàn thành nhiệm vụ đề ra, anh có thể về nhà ở Miên Trúc vào cuối năm nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Cuộc tranh cãi về việc Trung Quốc thực sự là quốc gia giàu hay nghèo đã bùng lên trong những tuần gần đây khi chính phủ...