TQ: Bắt nghi phạm gây nổ bom trước Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh
Cảnh sát Trung Quốc đã bắt được nghi phạm gây nổ lớn bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Vụ nổ gây hoảng loạn, đổ máu và vỡ kính xung quanh khu vực.
Cảnh sát Trung Quốc cho biết nghi phạm là người duy nhất bị thương trong vụ việc.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), một thiết bị nổ được kích hoạt bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh vào chiều ngày 26.7. Đại sứ quán Mỹ cho biết, không có nhân viên nào bị thương trong vụ việc.
Cảnh sát Trung Quốc ghi nhận tại hiện trường nhiều mảnh kính vỡ, máu đổ và khói trắng bốc lên. Vụ nổ xảy ra gần nơi các công dân Trung Quốc xếp hàng xin visa Mỹ.
Trung Quốc đã bắt một nghi phạm 26 tuổi, bị nghi gây ra vụ nổ bởi “pháo hoa”. Nghi phạm họ Jiang đến từ khu tự trị Nội Mông, vùng biên cương miền Bắc Trung Quốc. Trong tiếng Quan Thoại, “pháo hoa” được dùng để chỉ tất cả những thứ gì từ một dạng pháo hoa cho đến thuốc nổ.
Theo cảnh sát, Jiang được chẩn đoán mắc chứng bệnh rối loạn nhân cách và đã không có việc làm từ cuối năm 2016. Jiang được đưa đến bệnh viện sau vụ nổ với vết thương ở tay.
Cảnh sát Trung Quốc phong tỏa hiện trường.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Geng Shuang nói sự cố trên chỉ là một vụ nổ thông thường và cảnh sát đang điều tra.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Theo các nhân viên an ninh, chỉ có một người kích nổ bom. Kẻ đánh bom cũng là người duy nhất bị thương”.
Một sinh viên họ Li đến từ phía đông tỉnh Chiết Giang nói mình đang xếp hàng chờ cấp visa ở đại sứ quán thì vụ nổ ra xảy ra. “Tôi nghe thấy tiếng nổ lớn, giống như tiếng đại bác ở cách đó 100 mét so với nơi tôi đứng. Mọi người chạy tán loạn và ai cũng lo sợ. Tôi nhìn thấy khói trắng ở nơi vụ nổ xảy ra”.
Chỉ vài giờ sau vụ nổ, Đại sứ quán Mỹ đã trở lại hoạt động bình thường.
Shri Acquino Vimal, nhân viên Đại sứ quán Ấn Độ ở cách khu Đại sứ quán Mỹ 150 mét nói mình cũng nghe thấy một tiếng nổ ngắn vào lúc 1 giờ chiều (giờ địa phương).
Sau khi vụ việc xảy ra, Trung Quốc đã xóa các bức ảnh, video đăng tải trên mạng xã hội Weibo, tương tự như Twitter ở Mỹ.
Đây không phải lần đầu tiên một cơ sở ngoại giao Mỹ bị tấn công ở Trung Quốc. Năm 2015, một chiếc xe đâm vào hàng rào bên ngoài lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải, động cơ của lái xe không được xác định.
Khủng bố al-Qaeda bị tẩy não và phải trải qua huấn luyện gắt gao trước khi thực hiện nhiệm vụ “tử vì đạo”.