Tổng thư ký NATO: Trung Quốc không thể có cả phương Tây và Nga

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo Trung Quốc phải ngừng hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine nếu muốn có mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh phương Tây có dấu hiệu leo thang sau khi phương Tây cáo buộc Bắc Kinh liên tục hỗ trợ Nga về quân sự trong cuộc chiến ở Ukraine.

NATO: Trung Quốc phải ngừng hỗ trợ Nga nếu muốn có quan hệ tốt đẹp với phương Tây

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: REUTERS

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: REUTERS

Ngày 25-4, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo Trung Quốc phải ngừng hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine nếu muốn có mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây, theo hãng tin Reuters.

Theo ông Stoltenberg, sự giúp đỡ của Trung Quốc rất quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh của Nga vì Bắc Kinh đang thúc đẩy nền kinh tế chiến tranh của Nga thông qua việc chia sẻ các công nghệ cao cấp như chất bán dẫn.

“Năm ngoái, Nga đã nhập khẩu 90% thiết bị vi điện tử từ Trung Quốc, được sử dụng để sản xuất tên lửa, xe tăng và máy bay. Trung Quốc cũng đang nỗ lực cung cấp cho Nga khả năng cải thiện hình ảnh vệ tinh” - ông Stoltenberg nói.

Người đứng đầu NATO cảnh báo Trung Quốc không thể vừa có quan hệ tốt với phương Tây vừa hợp tác với Nga.

“Trung Quốc nói rằng họ muốn có mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây. Đồng thời, Bắc Kinh tiếp tục gây ra cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến hai. Họ không thể có cả hai” - ông Stoltenberg nói thêm.

Ông Stoltenberg cũng cảnh báo các đồng minh phương Tây không nên phụ thuộc vào Trung Quốc như đã từng phụ thuộc vào Nga.

“Trước đây, chúng tôi đã phạm sai lầm khi phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Chúng ta không được lặp lại sai lầm đó với Trung Quốc. Phụ thuộc vào tiền bạc, nguyên liệu thô, công nghệ của họ sẽ khiến chúng ta dễ bị tổn thương” - Tổng thư ký NATO cảnh báo.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, Mỹ và đồng minh thường xuyên cáo buộc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga và đã trừng phạt nhiều cá nhân và thực thể Trung Quốc vì vấn đề này.

Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên.

Mỹ: Tàu nghi chở vũ khí Triều Tiên tới Nga đang neo ở Trung Quốc

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một phát ngôn viên (không nêu tên) của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 25-4 rằng một tàu chở hàng Nga, được cho là có liên quan việc chuyển vũ khí của Triều Tiên sang Nga, đang neo đậu ở Trung Quốc.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) và hãng Reuters đưa tin rằng các hình ảnh vệ tinh thu được cho thấy tàu Nga đã cập cảng một xưởng đóng tàu phía đông tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) kể từ tháng 2.

Ảnh vệ tinh về một tàu chở hàng được cho là của Nga, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Triều Tiên sang Nga, cập cảng Trung Quốc hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS

Ảnh vệ tinh về một tàu chở hàng được cho là của Nga, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Triều Tiên sang Nga, cập cảng Trung Quốc hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS

“Chúng tôi biết các báo cáo đáng tin cậy rằng tàu ANGARA của Nga hiện đang neo đậu tại một cảng của Trung Quốc và đã nêu vấn đề này với phía Trung Quốc” - theo người phát ngôn.

Người phát ngôn cho biết thêm rằng con tàu trên “có liên quan trực tiếp” với một nhóm tàu ​​chở hàng của Nga chuyên vận chuyển thiết bị quân sự và đạn dược từ Triều Tiên sang Nga, đồng thời nhấn mạnh hoạt động này vi phạm một số nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Triều Tiên.

Cũng theo người phát ngôn, hiện Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du Bắc Kinh và vấn đề về cuộc chiến Nga - Ukraine cũng như Triều Tiên sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của ông Blinken.

Quốc gia thuộc EU bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ lo ngại liên quan đến các hoạt động cản trở hòa bình của phe "ủng hộ chiến tranh" trên thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN