Tổng thư ký NATO nêu điều kiện giúp Ukraine đạt được hòa bình

Theo thông tin mới nhất từ tờ Guardian, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - ông Jens Stoltenberg mới đây tuyên bố rằng, Kiev sẽ quyết định khi nào họ muốn đàm phán hòa bình với Moscow.

“Chính Ukraine và chỉ Ukraine mới có thể quyết định khi nào các điều kiện tiên quyết cho đàm phán được đưa ra. Và ai có thể quyết định, trên bàn đàm phán, đâu là giải pháp chấp nhận được. Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ họ”, ông Stoltenberg nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 17/8.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo NATO lập luận rằng con đường dẫn đến một giải pháp cho cuộc xung đột hiện tại là hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự. Ông khẳng định rằng nếu muốn có một nền hòa bình lâu dài, “hỗ trợ quân sự cho Ukraine là con đường để đạt được điều đó. Không có nghi ngờ gì về điều này”.

Tuyên bố mới nhất của ông Stoltenberg hoàn toàn trái ngược với những phát ngôn gây tranh cãi gần đây của ông Stian Jenssen - Giám đốc Văn phòng Tổng thư ký NATO về việc kết nạp Ukraine vào khối quân sự này.

Trước đó, ngày 15/8, ông Jenssen đề xuất rằng Ukraine có thể nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy tư cách thành viên trong NATO. Ngay sau đó, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đã đưa ra một tuyên bố khẳng định rằng chính sách hỗ trợ của họ đối với Ukraine không thay đổi.

Quan chức NATO cũng đã lên tiếng xin lỗi vì phát ngôn của mình đồng thời tiết lộ đề xuất mà ông đưa ra chỉ là một phần của cuộc thảo luận lớn hơn về các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai ở Ukraine.

“Lẽ ra tôi không nên nói theo cách đó. Đó là một sai sót", ông Jenssen bày tỏ sau đề xuất gây tranh cãi và nhấn mạnh Ukraine mới là bên cuối cùng quyết định thời điểm và những điều kiện để đàm phán hòa bình với Nga.

Tính đến nay, chiến sự Nga – Ukraine đã kéo dài 18 tháng. Tuy nhiên, cả hai bên tham chiến hiện vẫn chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến việc muốn ngồi vào bàn đàm phán để cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Moscow đặt mục tiêu củng cố lãnh thổ bao gồm cả bán đảo Crimea và 4 vùng khác thuộc Ukraine đã sáp nhập vào Nga trong năm 2022. Trong khi đó, Kiev lại đang dồn lực vào chiến dịch phản công để dành lại toàn bộ những khu vực đã bị chiếm đóng.

Tuy nhiên, sau 2 tháng phản công, Ukraine hiện vẫn chưa đạt được bước tiến quan trọng. Giới chức nước này thừa nhận tiến độ của chiến dịch phản công đang diễn ra chậm hơn so với dự kiến do phải đối mặt với thách thức từ hệ thống phòng thủ kiên cố của đối phương cũng như việc thiếu vũ khí.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổng thư ký NATO nói kho vũ khí của liên minh đã 'cạn kiệt'

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 19/6 cho biết khối này cần một ngành công nghiệp “mạnh mẽ hơn” để lấp đầy kho vũ khí và đạn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Uyên (Guardian và RT) ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN