Tổng thư ký NATO lên tiếng về khả năng đưa quân đến Ukraine
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khối này hiện tại chưa có bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến việc đưa quân đến tham chiến ở Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với hãng thông tấn ANSA của Italy, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg một lần nữa nhấn mạnh rằng khối này không có kế hoạch triển khai quân trên lãnh thổ Ukraine. Đúng hơn, điều quan trọng là Ukraine phải được cung cấp đầy đủ viện trợ quân sự.
"NATO không có ý định gửi quân đến Ukraine. Khi tôi đến thăm Ukraine vào tuần trước, nước này không yêu cầu quân đội NATO tham chiến, họ yêu cầu thêm viện trợ quân sự", ông Stoltenberg nói.
Ông Stoltenberg chỉ ra rằng do sự chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ quân sự của Mỹ và châu Âu cho Ukraine, các lực lượng Nga đã có thể đạt được tiến bộ trong cuộc tấn công của họ. Tình hình hiện đang thay đổi nhưng vẫn chưa có báo cáo nào về việc vũ khí trong các gói viện trợ mới đã có mặt "trên thực địa".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Pravda
Tổng thư ký NATO nói thêm rằng đến nay Tổng thống Vladimir Putin vẫn tin rằng Nga có thể giành chiến thắng về mặt quân sự ở Ukraine. Vì vậy, cách duy nhất để thuyết phục Moscow ngồi vào bàn đàm phán là chứng minh rằng họ sẽ thất bại trên chiến trường và cách duy nhất để làm điều đó nằm ở nguồn viện trợ dành cho Ukraine.
Ông Jens Soltenberg tháng trước cũng từng bất ngờ tiết lộ rằng các quốc gia thành viên NATO đều có quân nhân đồn trú tại đại sứ quán tương ứng của họ ở thủ đô Kiev của Ukraine. Các quân nhân này ở lại với tư cách là cố vấn viên cho Ukraine.
Mỹ cũng đang xem xét gửi thêm cố vấn quân sự tới đại sứ quán nước này ở Kiev. Các cố vấn này sẽ đóng vai trò phi chiến đấu, chủ yếu hỗ trợ hậu cần, giám sát việc cung cấp vũ khí của Mỹ và hỗ trợ bảo trì vũ khí. Theo nguồn tin của Politico, con số này có thể lên tới khoảng 60 người.
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hồi tháng 3 từng tuyên bố rằng nước này có thể đánh bại Nga mà không cần NATO đưa quân đội đến tham chiến. Ông đống thời rằng những nhận xét của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng NATO triển khai quân đội tới Ukraine vào thời điểm đã bị hiểu sai.
“Ông Macron chỉ muốn nói rằng có khả năng huấn luyện binh lính Ukraine trực tiếp ở Ukraine chứ không phải ở bên ngoài như những gì đang diễn ra hiện nay”, ông Kuleba cho hay đồng thời nhấn mạnh những gì Ukraine cần từ các đồng minh phương Tây là vũ khí, đặc biệt là máy bay không người lái chứ không phải nhân lực.
Trong khi đó, Nga từ lâu luôn coi xung đột với Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây nhằm chống lại nước này. Moscow cũng nhiều lần cảnh báo các chiến binh nước ngoài ở Ukraine sẽ bị coi là lính đánh thuê nước và mục tiêu tấn công hợp pháp.
Nguồn: [Link nguồn]
Không chỉ nảy sinh các mâu thuẫn mới liên quan đến xung đột ở Ukraine, 2 ông lớn NATO trước đó đã có những bất đồng chưa được giải quyết.