Tổng thư ký NATO: Khối đang đối mặt thách thức an ninh lớn nhất kể từ Thế chiến II

Bên cạnh thách thức lớn nhất, Tổng thư Ký NATO còn cho biết, khối quân sự này đang thực hiện "cuộc đại tu lớn nhất với hệ thống phòng thủ tập thể kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc". 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 28/6 trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: Getty

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 28/6 trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: Getty

Theo hãng AP, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các lãnh đạo của khối đang nhóm họp ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6 "trong bối cảnh khối này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng  nhất kể từ sau Thế chiến II". 

Xung đột Nga - Ukraine đã khiến NATO phải đổ quân, tiền bạc và vũ khí vào Đông Âu với quy mô chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh Lạnh. 

Các nước thành viên của khối quân sự này đã gửi hàng tỷ USD viện trợ quân sự và dân sự cho Ukraine. Trong cuộc họp ngày 29/6, 30 lãnh đạo của NATO sẽ nghe Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến. 

Tiền bạc là một vấn đề nhạy cảm khi chỉ 9 trong số 30 thành viên hiện tại của NATO đáp ứng mục tiêu của khối là chi số tiền tương ứng 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng. 

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, NATO muốn tiếp tục tăng cường các lực lượng ở phía đông. Trong cuộc họp thượng đỉnh, các thành viên của khối dự kiến chấp thuận tăng sức mạnh về quân số của lực lượng phản ứng nhanh NATO lên gấp gần 8 lần, từ 40.000 lên 300.000 binh sĩ vào năm tới. 

Các binh sĩ sẽ được ưu tiên đồn trú tại các quốc gia ở sườn đông của NATO, nơi khối này có kế hoạch tích lũy trang thiết bị và đạn dược. 

Tổng thư ký NATO còn cho biết, khối đang thực hiện "cuộc đại tu lớn nhất với hệ thống phòng thủ tập thể kể từ khi chiến tranh Lạnh kết thúc". 

Các lãnh đạo NATO cũng chuẩn bị công bố một tài liệu mới của khối mang tên Strategic Concept (tạm dịch: Khái niệm Chiến lược) - tập hợp các ưu tiên và mục tiêu kéo dài trong một thập kỷ của NATO. 

Nga vẫn được coi là mối đe dọa số một với NATO, nhưng tài liệu mới còn chỉ ra các cách tiếp cận của khối với các vấn đề khác, từ an ninh mạng, biến đổi khí hậu cho đến khả năng về quân sự và kinh tế của Trung Quốc. 

Lần đầu tiên trong hội nghị thượng đỉnh NATO, các lãnh đạo Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và New Zealand tham dự với tư cách khách mời. Theo hãng AP, điều này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, Trung Quốc không bị xem là đối thủ của NATO nhưng lại đặt ra những "thách thức với các giá trị, lợi ích và an ninh của khối". 

Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc với một vấn đề được giải quyết. Đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ không còn phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO. Sau các cuộc hội đàm cấp cao với lãnh đạo 3 nước Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển, ông Stoltenberg cho biết bế tắc đã được giải quyết. 

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng 2 quốc gia Bắc Âu đã đồng ý trấn áp các nhóm người Kurd mà Ankara cho là khủng bố, đe dọa an ninh quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết, Phần Lan và Thụy Điển cũng đồng ý "gỡ bỏ các lệnh cấm trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với Ankara" và thực hiện các bước cụ thể về việc "dẫn độ tội phạm khủng bố". 

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết "hoàn toàn tin tưởng" vào việc 2 quốc gia Bắc Âu sẽ được gia nhập NATO. Ông Stoltenberg hy vọng quá trình đó sẽ "diễn ra nhanh" nhưng không ấn định thời gian cụ thể. 

Vì sao Mỹ - NATO không thể để Nga thắng ở Ukraine?

Các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại Madrid vào ngày 28/6. Đây là lúc phương Tây phải tính đến hậu quả nếu Ukraine thất bại trong cuộc xung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Theo AP ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN