Tổng thư ký LHQ: Thế giới đang 'đi cao tốc tới bờ diệt vong'
Tại COP27, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo Trái Đất đang bị đẩy đến các điểm cực hạn và nhân loại chỉ có hai lựa chọn là hợp tác hoặc diệt vong.
Ngày 7-11, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) lần thứ 27 (COP27), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo rằng thế giới phải lựa chọn cắt giảm khí thải hoặc là để các thế hệ mai sau gánh chịu thảm họa khí hậu, đài RT đưa tin.
“Nhân loại có sự lựa chọn: Hợp tác hoặc diệt vong” - ông Guterres nhấn mạnh.
Ông kêu gọi thành lập một hiệp ước giữa các nước giàu nhất và nghèo nhất thế giới để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia có “trách nhiệm đặc biệt trong việc nỗ lực biến hiệp ước này thành hiện thực”.
"Lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng. Nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Hành tinh của chúng ta đang bị đẩy đến các điểm cực hạn khiến cho tình trạng hỗn loạn khí hậu không thể cứu vãn. Chúng ta đang đi cao tốc tới bờ diệt vong" - ông nói.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhiều lãnh đạo các nước kém phát triển kêu gọi hành động về biến đổi khí hậu và yêu cầu các nền kinh tế lớn bồi thường cho những thiệt hại mà nước nghèo phải chịu, theo hãng tin AP.
“Châu Phi không nên trả giá cho những tội ác mà họ không gây ra” - Chủ tịch Cộng hòa Trung Phi Faustin Archange Touadera nói. Ông cáo buộc các quốc gia giàu có mới là nguyên nhân của các vấn đề khí hậu.
“Biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe và tương lai của người dân” - Tổng thống Kenya William K. Ruto nói. Ông cho biết thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra ở châu Phi lên tới 50 tỉ USD mỗi năm.
Ông Ruto cho biết Kenya lựa chọn sử dụng nhiên liệu sạch, chứ không sử dụng “năng lượng bẩn” mặc dù nó có thể giảm bớt gánh nặng tài chính cho đất nước. “Mất mát và thiệt hại là trải nghiệm hàng ngày của chúng tôi và là cơn ác mộng sống của hàng triệu người Kenya và hàng trăm triệu người châu Phi” - ông Ruto nói.
Chủ tịch Cộng hòa Seychelles - ông Wavel John Charles Ramkalawan thì nói rằng: “Giống như các quốc đảo khác, chúng tôi góp phần rất ít vào sự suy thoái của hành tinh này, vậy mà chúng tôi lại là bên chịu nhiều đau khổ nhất’. Ông kêu gọi các quốc gia giàu có hơn hỗ trợ khắc phục thiệt hại.
Thủ tướng Cộng hòa Barbados - bà Mia Mottley đã kêu gọi xem xét lại toàn bộ các khoản vay phát triển quốc tế và đánh thuế 10% đối với các công ty nhiên liệu hóa thạch mà theo bà đã thu được “200 tỉ USD lợi nhuận trong ba tháng qua”.
COP27 diễn ra tại Ai Cập từ ngày 6-11 đến 18-11. Hơn 100 lãnh đạo thế giới sẽ phát biểu vào những ngày tới tại hội nghị, hầu hết từ các nước đang phát triển. Các nước này yêu cầu các quốc gia giàu nhất, gây ô nhiễm nhất phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho vấn đề biến đổi khí hậu.
Nguồn: [Link nguồn]
Liên hợp quốc thông báo, số tiền 75 triệu USD cần thiết đã được huy động đủ để khởi động việc xử lý tàu chở dầu FSO Safer đang mục nát ngoài khơi Yemen.