Tổng thống Zimbabwe: Từ người anh hùng đến kết cục cay đắng

Ông Robert Mugabe được coi là người anh hùng giải phóng dân tộc ở Zimbabwe nhưng những sai lầm trong 37 năm nắm quyền đã khiến ông phải rời vị trí trong cay đắng ở tuổi 93.

Tổng thống Zimbabwe: Từ người anh hùng đến kết cục cay đắng - 1

Ông Mugabe phát biểu tranh cử vào năm 1980.

Theo Daily Mail, ông Mugabe ngày 21.11 đã tuyên bố từ chức, tròn một tuần kể từ khi quân đội Zimbabwe kiểm soát thành phố và quản thúc Tổng thống cùng các quan chức cấp cao.

Báo Anh đặt câu hỏi vì sao nhà lãnh đạo cao tuổi nhất thế giới có thể nắm quyền lực lâu đến vậy và điều gì đã khiến ông Mugabe đưa ra quyết định sai lầm trong vòng 2 thập kỷ qua.

Robert Gabriel Mugabe sinh ngày 21.2.1924 tại một ngôi làng Công giáo ở phía nam thủ đô Harare. Người cha Gabriel Matibiri là thợ mộc và người mẹ Bona là giáo viên dạy tín ngưỡng.

Tổng thống Zimbabwe: Từ người anh hùng đến kết cục cay đắng - 2

Robert Mugabe được coi là anh hùng giải phóng dân tộc ở Zimbabwe.

Chàng trai trẻ Mugabe sớm biết đến cuộc đấu tranh giành độc lập của người Ailen trước Đế quốc Anh. Mugabe được mô tả là người cô độc, ham học hỏi và luôn mang theo sách, ngay cả khi đi chăn thả gia súc.

Ông lựa chọn con đường làm thầy giáo và theo học Đại học Fort Hare ở Nam Phi. Tại đây, ông gặp nhiều nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc khác có cùng quan điểm với mình.

Trong quãng thời gian này, ông Mugabe thấm nhuần Chủ nghĩa Marx bởi các nhà Cộng sản Nam Phi. Ông cũng ca ngợi Mohandas Gandhi, người giải phóng Ấn Độ khỏi ách đô hộ.

Trở về quê nhà vào năm 1952, ông Mugabe hoàn toàn căm ghét chủ nghĩa Đế quốc phương Tây. Ông đến Ghana dạy học và nói muốn biết một quốc gia châu Phi độc lập như thế nào. (Ghana là quốc gia châu Phi đầu tiên tuyên bố độc lập khỏi các Đế quốc ở châu Âu).

Cái tên Robert Mugabe trở nên nổi tiếng vào thập niên 1960 khi ông giữ vai trò lãnh đạo Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU) trong cuộc chiến tranh du kích đòi độc lập từ Anh (1964 - 1979).

Tổng thống Zimbabwe: Từ người anh hùng đến kết cục cay đắng - 3

Ông Mugabe từng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Mugabe từng trải qua quãng thời gian 10 năm ngồi tù nhưng ý chí giải phóng dân tộc chưa từng phai nhòa trong tâm trí ông.

Khi cuộc đấu tranh giành chính quyền thành công vào năm 1980, quốc gia Zimbabwe thành lập và ông Mugabe nhanh chóng lên nắm quyền.

Tong giai đoạn đầu lãnh đạo đất nước, ông Mugabe được ca ngợi vì nỗ lực mở rộng các dịch vụ xã hội, đầu tư xây dựng mới nhiều bệnh viện và trường học cho người dân. Tuy nhiên, càng về sau, những tiếng nói chỉ trích Tổng thống Mugabe xuất hiện ngày càng nhiều vì kinh tế đất nước sa sút.

Tổng thống Zimbabwe: Từ người anh hùng đến kết cục cay đắng - 4

Ông Mugabe gặp gỡ nhà độc tài Libya Muammar Gaddafi.

Dưới thời Mugabe, Zimbabwe đã đi từ một trong những đất nước giàu có nhất châu Phi trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới với tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục. 

Chính sách cải tổ, tịch thu đất đai của người da trắng mà Tổng thống Mugabe ban hành là thành tựu lớn nhất của ông, nhưng cũng là nguồn cơn khiến Zimbabwe càng trượt dài trong khủng hoảng.

Ông Mugabe chủ trương tịch thu trang trại, đồn điền trong tay người da trắng để trao cho người da đen, dù họ có rất ít kinh nghiệm canh tác, quản lý. Hệ quả là nông nghiệp sa sút nghiêm trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Nền nông nghiệp khi đó được đánh giá là xương sống đối với kinh tế Zimbabwe.

Tổng thống Zimbabwe: Từ người anh hùng đến kết cục cay đắng - 5

Ông Mugabe được nữ hoàng Anh tiếp đón trong chuyến thăm vào năm 1994.

Kể từ khi lấy vợ hai Grace vào năm 1996, ông Mugabe càng chìm sâu trong những sai lầm, trở thành một trong những nhà lãnh đạo cố gắng níu kéo quyền lực lâu nhất trên thế giới.

“Ông ấy không bị ám ảnh bởi tài sản mà là quyền lực”, người chuyên viết tiểu sử Martin Meredith nói. “Ông ấy từng công khai ý định nắm quyền cho đến 100 tuổi”.

Ở tuổi 93, ông Mugabe đã qua sườn dốc của sự nghiệp. Ông chỉ còn là người chuyên trừng phạt phe đối lập và hủy hoại nền kinh tế.

Tổng thống Zimbabwe: Từ người anh hùng đến kết cục cay đắng - 6

Cuộc hôn nhân với người vợ hai càng khiến ông Mugabe chìm trong sai lầm.

Một ngày trước binh biến, tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga nói rằng vấn đề kinh tế là một trong những lý do khiến quân đội muốn can thiệp.

"Vì những cãi vã trong nội bộ ZANU-PF, Zimbabwe không có sự phát triển nào đáng kể trong 5 năm qua. Kinh tế bế tắc đã đặt ra nhiều thách thức đối với dân chúng Zimbabwe, như thiếu tiền mặt và giá cả hàng hóa tăng cao".

Ngoài ra, việc ông Mugabe công khai loại bỏ Phó Tổng thống, dọn đường cho người vợ lên nắm quyền cũng được coi là giọt nước làm tràn ly, khiến binh biến nổ ra.

Đồng tiền trăm nghìn tỉ đô la Zimbabwe giờ ra sao?

Đồng tiền biểu trưng cho kinh tế lụn bại của Zimbabwe đang khiến nhiều nhà đầu cơ từ Mỹ giàu có.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Daily Mail ([Tên nguồn])
Đảo chính ở Zimbabwe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN