Tổng thống Ukraine Zelensky nói về hậu quả nếu Donbass thất thủ
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin Al Jazeera, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, ông thực sự lo ngại khi quân đội Nga chuyển hướng tiến công sang vùng Donbass ly khai.
Tổng thống Ukraine Zelensky bày tỏ lo ngại nếu quân đội Nga thắng thế ở Donbass (ảnh: CNN)
Tổng thống Zelensky cho rằng, nếu hoàn thành các mục tiêu ở Donbass một cách dễ dàng, quân đội Nga có thể tiến về phía tây Ukraine.
“Nếu lực lượng của chúng tôi ở Donbass không thể giữ vững các vị trí thì nguy cơ quân đội Nga tiếp tục tấn công Kiev gần như chắc chắn xảy ra”, ông Zelensky nói và nhấn mạnh 4 – 5 ngày sắp tới có thể quyết định cục diện chiến sự ở miền đông.
Theo ông Zelensky, tương lai Donbass (gồm 2 tỉnh Donetsk và Lugansk) hiện đang là trọng tâm của các cuộc đàm phán giữa Nga với Ukraine.
“Chúng tôi muốn thu hồi Donbass nhưng Nga không coi khu vực này là một phần của Ukraine. Đây là điều chúng tôi phải tiếp tục đấu tranh”, ông Zelensky nói.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh công nhận sự độc lập của Donetsk và Lugansk.
Nhận xét về các cuộc đàm phán với Nga, ông Zelensky cho biết, Kiev có thể từ bỏ ý định gia nhập NATO, đi theo con đường trung lập và tìm kiếm bảo đảm an ninh từ các đối tác nước ngoài.
“Tuy nhiên, các thỏa thuận sẽ không thể thực hiện nếu không có sự nhất trí từ Nga”, ông Zelensky nói.
Theo ông Zelensky, cuộc đàm phán giữa Nga – Ukraine hôm 29.3 ở Thổ Nhĩ Kỳ chưa mang lại nhiều ý nghĩa để các bên đi tới một thỏa thuận hòa bình.
“Cho đến lúc này, tôi chưa thấy bất kỳ kết quả thực tế nào từ các cuộc đàm phán”, ông Zelensky nhận xét.
Đánh giá về năng lực tự bảo đảm an ninh của Ukraine hiện tại, Tổng thống Zelensky cho biết, ông lấy làm tiếc về quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân trước đây. Năm 1994, Ukraine ký Bản ghi nhớ Budapest, đồng ý chuyển cho Nga tất cả vũ khí hạt nhân mà Liên Xô từng triển khai ở nước này.
“Những quốc gia có vũ khí hạt nhân, họ không sợ bị bắt nạt”, ông Zelensky nói nhưng lưu ý rằng, Ukraine sẽ không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Phần Lan – quốc gia có hơn 1.300 km đường biên giới chung với Nga – đang đứng trước quyết định lịch sử về việc có nên gia nhập NATO hay không.
Nguồn: [Link nguồn]