Tổng thống Ukraine rời Mỹ, Tổng thống Biden cảnh báo nóng
Tổng thống Volodymyr Zelensky kết thúc một loạt cuộc họp cấp cao ở Washington mà không có gì đảm bảo rằng gói viện trợ của quốc hội Mỹ dành cho Ukraine sẽ được thông qua trong năm nay.
Theo kênh CNBC, nếu Quốc hội Mỹ đẩy các cuộc đàm phán về việc phân bổ nguồn viện trợ mới cho Ukraine sang năm 2024, điều đó có thể làm phức tạp thêm tiến trình thông qua ngân sách liên bang mới trong những tháng tới.
Dự luật chi tiêu tạm thời sẽ hết hạn vào ngày 19-1-2024 đối với một số cơ quan chính phủ trong các lĩnh vực như xây dựng, phúc lợi cho quân nhân, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, năng lượng, nước sạch. Trong khi đó, chi tiêu cho tất cả hoạt động liên bang khác sẽ được gia hạn đến 2-2-2024.
Trong suốt chuyến thăm Mỹ tuần này của ông Zelensky, những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ bày tỏ sự thông cảm với xung đột kéo dài gần hai năm ở Ukraine.
Thế nhưng, họ sẽ không đồng ý bỏ phiếu cho dự luật viện trợ khẩn cấp trị giá 110 tỉ USD của Tổng thống Joe Biden nếu không đạt được thỏa thuận song song nhằm thực hiện các biện pháp an ninh biên giới và chính sách nhập cư của Mỹ cứng rắn, chặt chẽ hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 12-12. Ảnh: Reuters
Về dự luật viện trợ khẩn cấp, thượng nghị sĩ Lindsey Graham nêu quan điểm tại cuộc họp với các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 13-12: "Chúng ta sẽ không thể làm được điều đó cho đến khi bảo đảm tốt hơn biên giới của chính mình, vì tôi lo ngại về vụ tương tự vụ ngày 11-9".
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer nói trước báo giới ngày 13-12 rằng ông đã yêu cầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tiếp tục họp tại Hạ viện vào tuần tới.
Theo một trợ lý của đảng Dân chủ quen thuộc với vấn đề này, các đảng viên Dân chủ sẵn sàng cắt giảm thời gian nghỉ lễ để nhanh chóng thảo luận. Tuy nhiên, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa hàng đầu tại Thượng viện nghĩ rằng khó có thể đạt được sự đồng thuận trước cuối năm nay.
Kênh CNBC nhận định nếu các cuộc đàm phán về viện trợ cho Ukraine bị trì hoãn đến năm 2024 và trở thành "con tốt" trong các cuộc đàm phán ngân sách sắp tới, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson có thể có nguy cơ gặp phải số phận tương tự cựu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Hồi tháng 10, ông McCarthy trở thành chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị bãi nhiệm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: New York Times
Về viện trợ cho Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Washington sắp hết khả năng cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev. Theo đài RT, ông Biden kêu gọi các nhà lập pháp phê duyệt thêm viện trợ trước khi Quốc hội bước vào kỳ nghỉ lễ trong vòng chưa đầy một tuần.
Tổng thống Biden đã gặp người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky tại Phòng Bầu dục ngày 13-12 và hứa rằng ông "sẽ không rời bỏ Ukraine và người dân Mỹ cũng vậy".
Ông Biden cho rằng Kiev sẽ thoát ra khỏi cuộc xung đột với Moscow "tự hào, tự do và bám rễ chắc chắn vào phương Tây trừ khi chúng ta bỏ đi".
Tại cuộc gặp, Tổng thống Biden cũng cam kết cung cấp thêm 200 triệu USD viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine dựa theo quyền hạn của Nhà Trắng. Gói viện trợ này bao gồm đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), tên lửa chống bức xạ tốc độ cao và đạn pháo.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ và Ukraine đang xây dựng chiến lược mới cho năm 2024, trong đó Kiev được cho là khó có thể tự đưa ra chiến lược đối phó Nga mà phải phụ thuộc vào Washington, trong bối cảnh...