Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đồng ý thành lập trung tâm khí đốt Nga
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng, việc thành lập trung tâm khí đốt theo đề xuất của Tổng thống Nga Putin nên được tiến hành càng sớm càng tốt.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Tayyip Erdogan (ảnh: TASS)
“Châu Âu đang tìm lời giải cho câu hỏi làm thế nào để giữ ấm trong mùa đông tới. Chúng ta không gặp vấn đề như vậy. Chúng tôi đã đồng ý với Tổng thống Nga Putin về việc xây dựng một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, khí đốt có thể được bơm đến khắp châu Âu. Châu Âu sẽ đặt hàng khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan phát biểu trong cuộc họp với các quan chức thuộc đảng Công lý và Phát triển (AKP) do ông lãnh đạo.
Trước đó, hôm 14/10, trở về sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin ở Kazakhstan, ông Erdogan đã tỏ ra hào hứng với kế hoạch xây dựng trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Thrace có lẽ sẽ là vị trí tối ưu để xây dựng một trung tâm phân phối khí đốt”, ông Erdogan phát biểu trong cuộc phỏng vấn của kênh NTV (Thổ Nhĩ Kỳ), đề cập đến khu vực giáp đông nam châu Âu.
Ông Erdogan cho rằng, dự án xây dựng trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, nếu được thực hiện, sẽ mang tầm quốc tế.
Hôm 13/10, trong cuộc gặp ở Kazakhstan, Tổng thống Nga Putin đã đề xuất kế hoạch chuyển hướng dòng khí đốt đến Thổ Nhĩ Kỳ và biến nước này thành trung tâm khí đốt lớn nhất châu Âu. Ông Putin nêu rõ trung tâm này sẽ do cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp thực hiện. Ngoài việc cung cấp khí đốt, trung tâm ở Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể ổn định giá khí đốt đang tăng vọt ở châu Âu.
Ông Putin nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là “con đường đáng tin cậy nhất” để Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Kế hoạch của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Nga – EU suy giảm vì xung đột ở Ukraine và tranh cãi về vấn đề nguồn cung khí đốt. Hệ thống đường ống Nord Stream của Nga cũng gặp sự cố rò rỉ, buộc phải ngừng hoạt động.
Theo một số chuyên gia, thành lập trung tâm khí đốt Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể nâng cao uy tín của Tổng thống Erdogan ở trong nước và châu Âu. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lợi ích kinh tế nếu kế hoạch này được thực hiện. Hiện cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ đợi phản ứng từ phía EU, đặc biệt là Đức – nền kinh tế số 1 châu Âu.
Nguồn: [Link nguồn]
Video từ tàu lặn cho thấy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 bị xé rách, một phần có thể đã rơi xuống đáy biển sau sự cố hồi cuối tháng 9.