Tổng thống Sri Lanka: Từ "người hùng" trở thành "kẻ tháo chạy" như thế nào?
Từng được ca ngợi là người hùng trong cuộc chiến chống phiến quân, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa nay đã phải tháo chạy khỏi đất nước, đánh dấu sự xuống dốc của một gia tộc có ảnh hưởng lớn nhất ở quốc gia Nam Á.
Người dân Sri Lanka bơi lội trong bể bơi ở dinh tổng thống hôm 9.7.
Sáng sớm ngày 13.7, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa vội vàng rời khỏi quốc gia Nam Á, vài ngày sau khi hàng ngàn người biểu tình tràn vào dinh tổng thống, yêu cầu ông từ chức.
Ông Gotabaya dự kiến sẽ có bài phát biểu từ chức trong ngày hôm đó, nhưng ông đã không làm điều này. Trước bình minh, ông lên máy bay quân sự, rời Colombo tới “đảo quốc thiên đường” Maldives.
Sự kiện này đánh dấu thời khắc lịch sử với đảo quốc có 22 triệu dân, nơi gia tộc Rajapaksa đã thống trị chính trường trong gần hai thập kỷ.
“Việc ông Gotabaya tháo chạy khỏi Sri Lanka đánh dấu sự xuống dốc của gia tộc Rajapaksa”, Ganeshan Wignaraja, nghiên cứu viên cấp cao của tổ chức ODI Global ở Anh, nói, theo CNN. “Có những hi vọng về việc Sri Lanka có thể bắt đầu một hướng đi mới”.
Ông Gotabaya không phải Tổng thống duy nhất trong gia tộc Rajapaksa. Anh trai ông, Mahinda Rajapaksa, được bầu bầu làm Tổng thống năm 2005.
Người biểu tình tràn vào dinh Tổng thống hôm 12.7.
Ông Gotabaya và Mahinda được coi là những người hùng ở Sri Lanka, khi lãnh đạo quân đội chính phủ giành chiến thắng trước phiến quân đối lập "Những con hổ giải phóng Tamil" (Tamil Eelam) vào năm 2009, chấm dứt nội chiến kéo dài 26 năm.
Chiến thắng đó giúp gia tộc Rajapaksa có một vị trí vững vàng trong suốt 10 năm sau. Nhiều thành viên gia tộc Rajapaksa giữ vị trí cấp cao trong chính phủ, trong đó ông Gotabaya là Bộ trưởng Quốc phòng.
Trong giai đoạn này, Sri Lanka đạt một số bước tiến, chủ yếu dựa vào các khoản vay của nước ngoài để thúc đẩy dịch vụ công, phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong khi Gotabaya được nhiều người theo đạo Phật ở Sri Lanka coi là anh hùng, một số người khác cáo buộc ông về tội ác chiến tranh, bao gồm giết người và tra tấn. Ông cũng được cho là có liên quan đến các vụ mất tích bí ẩn của những người chỉ trích chính phủ. Ông Gotabaya luôn phủ nhận các cáo buộc này
Mahinda Rajapaksa (tráI) và em trai Gotabaya Rajapaksa.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2011, binh sĩ Sri Lanka bị cáo buộc liên quan tới các vụ hành hạ và bạo lực nhằm vào người dân. Liên Hợp Quốc ước tính có tới 40.000 dân thường thiệt mạng ở Sri Lanka trong vài tháng cuối cùng của cuộc chiến.
Nhưng thách thức lớn nhất đối với anh em nhà Rajapaksa là vấn đề kinh tế. Năm 2015, Sri Lanka nợ Trung Quốc 8 tỉ USD. Các quan chức chính phủ Sri Lanka dự đoán rằng nợ nước ngoài, bao gồm nợ Trung Quốc và các nước khác, sẽ chiếm 94% GDP của đất nước.
Năm đó, ông Mahinda thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống trước phe đối lập còn ông Gotabaya cũng từ chức.
“Sự kết hợp giữa chế độ chuyên quyền và cách quản lý kinh tế sai lầm là nguyên nhân khiến anh em nhà Rajapaksa thất bại trong cuộc bầu cử”, Wignaraja nói.
Tuy nhiên, 4 năm sau, anh em nhà Rajapaksa đã quay trở lại vũ đài chính trị. Tháng 4.2019, các phiến quân Hồi giáo sát hại ít nhất 290 người trong một loạt các vụ đánh bom nhà thờ và khách sạn, khiến Sri Lanka lại phải nhờ cậy đến gia tộc Rajapaksa.
Tháng 11 năm đó, Gotabaya được bầu làm Tổng thống. Giống như anh trai, ông lãnh đạo đất nước theo kiểu công ty gia đình, bổ nhiệm người thân nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ. Anh trai Mahinda được bổ nhiệm làm Thủ tướng.
Cả hai hứa hẹn về “viễn cảnh thịnh vượng và huy hoàng" đối với Sri Lanka.
Những rạn nứt xuất hiện trong nhiệm kỳ Tổng thống của Gotabaya Rajapaksa cũng liên quan tới quản lý kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng các vấn đề kinh tế của Sri Lanka không hoàn toàn do lỗi của chính phủ, nhưng tình hình càng tồi tệ hơn vì những quyết sách sai lầm.
Gotabaya Rajapaksa và vợ. Ảnh chụp năm 2019.
Murtaza Jafferjee, Chủ tịch Viện Advocata có trụ sở tại Colombo, nói Sri Lanka vẫn vung tay vay nợ nước ngoài, trong khi ở trong nước, một loạt những thảm họa thiên nhiên hoặc thảm họa do con người gây ra, bất ngờ ập đến.
Đối mặt với thâm hụt lớn, anh em nhà Rajapaksa đưa ra quyết sách giảm thuế để xoa dịu người dân, nhưng chỉ càng khiến cho doanh thu của chính phủ suy giảm.
Các cơ quan xếp hạng quốc tế sau đó đã hạ cấp tín nhiệm của Sri Lanka, khiến quốc gia này mất quyền tiếp cận thị trường nước ngoài. Sri Lanka đã phải sử dụng dự trữ ngoại hối để trả nợ chính phủ. Điều này ảnh hưởng đến nhập khẩu nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, khiến giá cả tăng vọt.
Người dân Sri Lanka một thời từng coi anh em nhà Rajapaksa như người hùng, nay đối mặt với cảnh thiếu lương thực, thiếu nhiên liệu phục vụ sinh hoạt, khiến làn sóng phẫn nộ gia tăng.
Trong nhiều tháng, người dân Sri Lanka đã đổ ra đường biểu tình, cáo buộc ông Gotabaya và Mahinda Rajapaksa quản lý kinh tế sai lầm.
Các cuộc biểu tình ôn hòa biến thành bạo lực vào tháng 5, khiến Mahinda Rajapaksa phải từ chức Thủ tướng. Từ đó đến nay, ông Gotabaya cố gắng níu kéo quyền lực nhưng tình hình chỉ càng tồi tệ hơn.
Đỉnh điểm là việc người biểu tình tràn vào dinh tổng thống, nhảy xuống hồ bơi hay ngồi trên giường ngủ trong dinh thự để xem tivi.
Như Wignaraja nói, những hình ảnh này đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn lịch sử ở Sri Lanka. “Đến cuối cùng, tầng lớp cầm quyền ở Sri Lanka vẫn sống xa hoa, còn người dân bình thường sống trong cảnh cùng cực”, Wignaraja nói thêm. “Đối với người như Gotabaya, từ việc được coi là anh hùng cho đến khi phải chạy trốn, rời khỏi đất nước là điều không thể tưởng tượng được. Đó là một sự sụp đổ hoàn toàn”.
Nguồn: [Link nguồn]
Một số quan chức quân đội trung thành đã giúp Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa rời đất nước bằng máy bay quân sự.