Tổng thống Sri Lanka mắc kẹt ở "thiên đường" Maldives, không dám lên máy bay dân sự?
Sau khi rời Sri Lanka để tới đảo "thiên đường" Maldives, Tổng thống Sri Lanka không thể lên máy bay tới Mỹ, cũng như tới Đông Nam Á hay Dubai.
Đảo "thiên đường" Maldives dường như không phải điểm đến cuối cùng của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. Ảnh minh họa: GOTABAYA RAJAPAKSA
Theo tờ Straits Times, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa dường như bị mắc kẹt tại đảo "thiên đường" Maldives hôm 14/7.
Tờ Daily Mirror Sri Lanka đưa tin, ông Rajapaksa không lên chuyến bay thương mại tới khu vực Đông Nam Á (Singapore) vào đêm 13/7 vì lo sợ về việc bay cùng các hành khách dân sự.
Ông Rajapaksa đã rời Sri Lanka vào rạng sáng 13/7 và tới thủ đô Male của Maldives trên một máy bay của Không quân Sri Lanka cùng vợ và 2 vệ sĩ. Tổng thống Sri Lanka được cho là sẽ rời đảo "thiên đường" để tới một điểm đến khác. Có nhiều thông tin rò rỉ về điểm đến của ông Rajapaksa, trong đó có Singapore và Dubai.
Tổng thống Sri Lanka không thể bay đến Mỹ vì bị Washington từ chối cấp thị thực, theo truyền thông Sri Lanka. Ông Rajapaksa mang 2 quốc tịch cho tới năm 2019. Khi đó, ông Rajapaksa từ bỏ quốc tịch Mỹ để đủ điều kiện tham gia tranh cử tổng thống.
Tổng thống Sri Lanka dự kiến chính thức từ chức vào ngày 13/7 nhưng vẫn không làm điều đó dù trước đó đã hứa sẽ thực hiện. Hãng Reuters (Anh) dẫn một nguồn tin chính phủ Sri Lanka cho biết, ông Rajapaksa có thể gửi đơn từ chức lên Chủ tịch quốc hội Sri Lanka sau khi máy bay chở ông hạ cánh xuống Singapore.
Ông Rajapaksa, người tháo chạy ra nước ngoài trước khi người biểu tình xông vào dinh tổng thống, đã hứa sẽ từ chức để "đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình".
Vài giờ sau khi Tổng thống Sri Lanka tháo chạy tới Maldives, Chủ tịch quốc hội nước này cho biết, ông Rajapaksa chỉ định Thủ tướng Ranil Wickremesinghe là quyền tổng thống.
Thông tin này khiến người biểu tình phẫn nộ hơn. Họ xông vào văn phòng Thủ tướng để phản đối và yêu cầu ông Wickremesinghe cũng phải từ chức.
Lực lượng an ninh bắn hơi cay để giải tán người biểu tình khi họ cố xông vào văn phòng thủ tướng ở thủ đô Colombo ngày 13/7. Ảnh: EPA - EFE
Quyền Tổng thống Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và lệnh giới nghiêm bắt đầu từ sáng 14/7.
Luật sư Suren Fernando cho biết, theo hiến pháp Sri Lanka, kể từ khi tổng thống bổ nhiệm thủ tướng làm thay công việc khi ông vắng mặt, ông Wickremesinghe có thể giữ vị trí quyền tổng thống cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm (ông Rajapaksa) vào tháng 11/2024.
Tuy nhiên, ông Wickremesinghe, người đang nắm quyền tổng thống, đảm bảo rằng quốc hội Sri Lanka sẽ chọn ra người nắm giữ cương vị tổng thống vào ngày 20/7.
Tuyên bố của ông Wickremesinghe được đưa ra trong bối cảnh những người biểu tình kiểm soát đài truyền hình nhà nước Rupavahini hôm 13/7.
Hàng trăm người biểu tình vẫn tập trung bên ngoài văn phòng thủ tướng và quốc hội vào rạng sáng 14/7.
Ở Maldives, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài sân bay Male, yêu cầu giới chức Maldives không cấp quyền tị nạn cho Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa.
Cựu Ngoại trưởng Maldives đăng tải một video cho biết, đảng Dân tộc Maldives sẽ chất vấn quốc hội vì sao lại cho phép Tổng thống Sri Lanka đến Maldives, "không tôn trọng mong muốn của người dân Sri Lanka".
Quốc gia Nam Á Sri Lanka đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng: nhiên liệu cạn kiệt, thiếu lương thực và thuốc men. Quốc gia này cần một chính phủ ổn định để cung cấp các khoản cứu trợ khẩn cấp, hạn chế lạm phát, đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để có một gói cứu trợ và tích lũy đô la để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka thông báo, tình trạng khẩn cấp được ban bố sau khi Tổng thống nước này – ông Gotabaya Rajapaksa – rời khỏi đất nước mà không từ chức.
Nguồn: [Link nguồn]