Tổng thống quốc gia EU nhận định bất ngờ về các lệnh trừng phạt Nga
Người dân châu Âu đang hứng chịu hệ quả của các lệnh trừng phạt Nga, chứ không phải là Moscow, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic nói.
Tổng thống Croatia Zoran Milanovic
Đồng rúp của Nga ngày càng tăng giá, trong khi người dân châu Âu phải vật lộn với giá cả tăng vọt bởi các lệnh trừng phạt đơn giản là không có tác dụng, ông Milanovic phát biểu ngày 31.5, theo RT.
Ông Milanovic bày tỏ sự không hài lòng khi Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về một lệnh cấm dầu mỏ của Nga. Ông thừa nhận Croatia không có ảnh hưởng lớn để được miễn trừ thực hiện lệnh cấm, không như nước láng giềng Hungary.
Hôm 30.5, các lãnh đạo EU thống nhất về việc giảm 2/3 lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga và tiến tới giảm 90% vào cuối năm nay.
Hungary, CH Czech và Slovakia tạm thời vẫn được phép nhập khẩu dầu từ Nga qua đường ống dẫn dầu Druzhba.
“Các lệnh trừng phạt là vô ích. Nga gần như không bị ảnh hưởng, đồng rúp không sụp đổ. Cư dân EU phải trả giá đắt trong khi các đối tác khác sẵn sàng mua dầu mỏ và khí đốt Nga”, ông Milanovic nói, bình luận về lệnh trừng phạt mới nhất của EU.
Ông bày tỏ sự không hài lòng khi Hungary được miễn trừ, không phải tuân thủ lệnh cấm còn Croatia thì bị hạn chế nhập khẩu dầu của Nga. “Hungary hưởng lợi lớn. Việc EU đưa ra lý do để miễn trừ cho quốc gia này là ‘sự xúc phạm với nhận thức chung’”, ông nói thêm.
Giới lãnh đạo EU ở Brussels (Bỉ) đã không quan tâm đến lợi ích quốc gia của Croatia khi thống nhất trừng phạt dầu mỏ Nga, ông Milanovic nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Italia Mario Draghi nói các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ có “tác động lớn nhất” tới nền kinh tế Nga kể từ “mùa hè năm nay”.
Phát biểu sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU vào ngày 31.5, ông Draghi nói lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ “ảnh hưởng đến giao thương quốc tế trong thời gian dài, thậm chí là vĩnh viễn”.
Hồi tháng 4, Tổng thống Croatia Milanovic cũng cảnh báo sẽ ngăn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Tuy nhiên, đảng cầm quyền HDZ chiếm đa số ở Croatia đã bác bỏ tuyên bố của ông Milanovic.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay mới là quốc gia có tiếng nói trong việc ngăn NATO kết nạp thêm hai thành viên mới.
Nguồn: [Link nguồn]
Một số công ty Mỹ đang tận dụng xung đột ở Ukraine để mở rộng hoạt động kinh tế, một quan chức an ninh hàng đầu của Nga nói.