Tổng thống Putin thông qua học thuyết chính sách đối ngoại mới của Nga
Học thuyết chính sách đối ngoại mới của Nga đã chỉ trích mạnh mẽ những nỗ lực của phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, trong việc làm suy yếu các lợi ích sống còn của Moscow.
Đài RT ngày 31-3 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa phê duyệt bản cập nhật học thuyết chính sách đối ngoại mới của nước này, trong đó phản ánh sự thay đổi trong quan điểm của Nga về thế giới, nhất là mối quan hệ ngày càng mang tính đối đầu của nước này với phương Tây.
Tài liệu dài 42 trang có tên chính thức là Khái niệm Chính sách Đối ngoại của Nga, được xem là một tài liệu chiến lược quan trọng vạch ra các nguyên tắc, mục tiêu và ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Moscow trên trường quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Andrei Babushkin/ VĂN PHÒNG BÁO CHÍ TỔNG THỐNG NGA/TASS
Cụ thể, tài liệu chỉ rõ những nỗ lực của phương Tây, cụ thể là Mỹ, nhằm làm xói mòn các lợi ích của Nga. Học thuyết cáo buộc Washington là mối đe dọa chính đối với sự ổn định quốc tế và là kẻ kích động "đường lối chống Nga".
Học thuyết nhấn mạnh: “Mỹ và các nước đồng minh đã lấy những biện pháp mà Nga thực hiện để bảo vệ lợi ích sống còn của mình ở Ukraine làm cái cớ để leo thang các chính sách chống Nga lâu đời của họ cũng như kích động một cuộc chiến hỗn hợp kiểu mới".
Theo tài liệu, cuộc chiến hỗn hợp là nói đến việc tìm cách “làm suy yếu Nga bằng mọi cách có thể”, bao gồm phá hoại tiềm lực quân sự, kinh tế và công nghệ của Moscow cũng như mục đích “hạn chế quyền chủ quyền của nước này trong chính trị đối ngoại và đối nội, đồng thời làm xói mòn sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga".
Dù vậy học thuyết chính sách đối ngoại mới khẳng định Moscow "không tự coi mình là kẻ thù của phương Tây, không cô lập mình khỏi phương Tây và không có ý định theo đuổi thái độ thù địch với phương Tây".
Tài liệu cũng viết rằng Nga kỳ vọng các cường quốc phương Tây “nhận ra sự vô ích của các chính sách đối đầu và tham vọng bá quyền” và cuối cùng sẽ quay trở lại hợp tác thực dụng với Nga dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Bên cạnh đó, học thuyết mới liệt kê Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác chiến lược của Nga, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của "việc làm sâu sắc thêm các mối quan hệ và sự phối hợp" với các nước thân thiện trên lục địa Á-Âu.
Bản cập nhật học thuyết chính sách đối ngoại mới được công bố trong cuộc họp hôm 31-3 giữa Tổng thống Putin và các quan chức cấp cao trong Hội đồng An ninh Nga, bao gồm Thủ tướng Mikhail Mishustin, Ngoại trưởng Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Lavrov.
Ông Putin nhấn mạnh tài liệu chiến lược trên được cập nhật do "những thay đổi mạnh mẽ” trong quan hệ quốc tế.
Còn Ngoại trưởng Lavrov khẳng định học thuyết phản ánh "những thay đổi mang tính cách mạng bên ngoài [Nga], vốn được thúc đẩy rõ rệt sau chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Ông cũng tuyên bố rằng dựa theo học thuyết mới này, Moscow có thể thực hiện "các biện pháp đối xứng và bất đối xứng để đáp trả các hành động không thân thiện chống lại Nga”, theo hãng Reuters.
Phiên bản trước đó của Khái niệm Chính sách Đối ngoại được thông qua vào năm 2016, khi đó Nga chủ yếu tập trung vào việc chống khủng bố, thúc đẩy hợp tác quốc tế, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Moscow và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Nguồn: [Link nguồn]
Phát biểu trước các nghị sĩ và quan chức chính phủ Belarus, Tổng thống Lukashenko cho rằng, phương Tây đang “âm mưu xâm chiếm Belarus” và Nga sẽ bảo vệ nước này bằng việc...