Tổng thống Pháp đích thân đến New Caledonia sau cuộc bạo loạn chết người

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang trên đường thực hiện chuyến thăm bất ngờ tới New Caledonia, lãnh thổ thuộc Pháp ở Thái Bình Dương, nơi vừa trải qua nhiều ngày bạo loạn mà nguyên nhân là mâu thuẫn giữa người Pháp và người bản địa muốn độc lập.

Ông Macron thăm Nouméa năm 2018. (Ảnh: Crickey)

Ông Macron thăm Nouméa năm 2018. (Ảnh: Crickey)

“Ông ấy đến đó tối nay”, phát ngôn viên Chính phủ Pháp Prisca Thevenot cho biết sau cuộc họp nội các ngày 21/5. Ông Macron quyết định thực hiện chuyến đi khứ hồi xa hơn 33.000km tới quần đảo nằm ở phía đông nước Úc.

Sáu người đã thiệt mạng, trong đó có 2 hiến binh, và hàng trăm người khác bị thương ở New Caledonia trong đợt cướp bóc và đốt phá vừa qua, đặt ra những câu hỏi mới về cách Tổng thống Macron xử lý di sản thuộc địa của Pháp.

Căng thẳng đã diễn ra nhiều thập kỷ giữa cộng đồng người Kanak bản địa muốn giành độc lập cho quần đảo 270.000 dân với con cháu của những binh lính thực dân Pháp muốn nơi này tiếp tục thuộc quyền quản lý của Paris.

Nhiều phương tiện bị thiêu rụi trong đợt bạo loạn ở New Caledonia. (Ảnh: Reuters)

Nhiều phương tiện bị thiêu rụi trong đợt bạo loạn ở New Caledonia. (Ảnh: Reuters)

Đợt bạo loạn lần này nổ ra từ ngày 13/5, khi cơ quan lập pháp ở Paris tranh luận về việc sửa đổi hiến pháp để thay đổi quy định về bầu cử ở New Caledonia. Những người phản đối lo ngại thay đổi này sẽ có lợi cho các chính trị gia thân Pháp ở New Caledonia và tiếp tục đẩy người Kanak ra ngoài lề, sau nhiều năm bị phân biệt đối xử.

Đây là đợt bạo lực nghiêm trọng nhất ở New Caledonia kể từ những năm 1980, khi Paris áp đặt các biện pháp khẩn cấp ở hòn đảo trở thành thuộc địa của Pháp từ năm 1853, dưới thời Hoàng đế Napoléon III.

Ngày 15/5, Paris tuyên bố tình trạng khẩn cấp tối thiểu trong 12 ngày ở New Caledonia và điều động 1.000 quân tiếp viện để tăng cường cho lực lượng an ninh đã mất quyền kiểm soát thủ phủ Nouméa.

Văn phòng của ông Macron cho biết, do khoảng cách và thời gian khác nhau, ông Macron sẽ đến New Caledonia vào sáng 23/5 và ở lại đó 1 ngày.

Ông Macron sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, dân sự và thanh niên để “đổi mới chủ đề đối thoại”, nhằm tìm kiếm “một thỏa thuận chính trị toàn diện”, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết ông sẽ tháp tùng Tổng thống Macron, cùng Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

Chuyến thăm sẽ giúp ông Macron và các bộ trưởng Pháp có cái nhìn trực tiếp về đợt bạo loạn đã biến nhiều phần của Nouméa thành khu vực cấm đi lại, nhiều ngôi nhà bị đốt cháy, các cửa hàng bị cướp phá và rào chắn được dựng lên bởi cả những người đòi độc lập, một số người có vũ trang và người dân muốn bảo vệ nhà cửa và sinh kế.

Tình hình ở New Caledonia làm sống lại cuộc tranh luận về quá khứ thuộc địa của Pháp. Từ trước đến nay, những nỗ lực của ông Macron nhằm giải quyết vấn đề đó chủ yếu tập trung vào châu Phi, nơi Pháp từng có thuộc địa và sự thất vọng của người dân địa phương ở một số quốc gia đã dẫn đến những tiếng nói đòi Pháp rút quân.

Từ cuối tuần qua, ưu tiên của chính quyền Pháp ở New Caledonia là giành lại quyền kiểm soát tuyến đường cao tốc dẫn đến sân bay quốc tế Nouméa, giúp những khách du lịch bị mắc kẹt có thể rời đi.

Ngày 21/5, Úc và New Zealand đưa máy bay đến New Caledonia để đón công dân của họ về nước. Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết, Úc đã được chính quyền Pháp cấp phép cho 2 chuyến bay sơ tán và sẽ thực hiện các chuyến bay tiếp theo.

Chính phủ Pháp hôm 15/5 đã kích hoạt tình trạng khẩn cấp ở vùng lãnh thổ hải ngoại New Caledonia ở phía nam Thái Bình Dương, sau khi bạo loạn lan rộng trong ngày thứ ba liên tiếp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN