Tổng thống Mỹ Trump: Sau Mexico, Canada và Trung Quốc sẽ là châu Âu
Châu Âu sẽ là mục tiêu tiếp theo. Đó là thông điệp mới nhất từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi ông nhắm vào Mexico, Canada và Trung Quốc.
Nhà máy của BMW ở Mexico sản xuất xe để xuất khẩu sang Mỹ, Mỹ Latin, châu Âu và các thị trường khác. (Ảnh: NYT)
Trong những ngày gần đây, ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ áp thuế trừng phạt với 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
Thuế quan "chắc chắn sẽ xảy ra với Liên minh châu Âu", ông Trump nói với BBC ngày 2/2, và cho biết điều này sẽ đến "khá sớm".
Ngày 3/2, ông phát biểu gay gắt hơn, phàn nàn về tình trạng thâm hụt trong trao đổi các sản phẩm ô tô và nông nghiệp. Phát biểu được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Mỹ hoãn áp thuế mới lên hàng hóa của Canada và Mexico.
"Liên minh châu Âu đã lạm dụng Mỹ trong nhiều năm và họ không thể làm điều đó", ông Trump nói.
Một loạt sắc lệnh được Nhà Trắng đưa ra trong 2 tuần qua, đảo ngược các chính sách thương mại, viện trợ và thỏa thuận quốc tế của chính quyền tiền nhiệm.
Điểm chung của những sắc lệnh là ông Trump đưa ra hình phạt khắc nghiệt cả với một số đồng minh kinh tế và quân sự thân cận nhất của Mỹ.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ cũng có thâm hụt thương mại lớn với Mexico, Canada và EU. |
"Ông Trump bị ám ảnh bởi thâm hụt thương mại", bà Agathe Demarais, một thành viên chính sách cấp cao công tác tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, nhận xét. Bà cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ dường như đã "bắt đầu với những nước mà ông ấy cảm thấy có thể giành chiến thắng nhanh chóng".
Thặng dư thương mại không hẳn là dấu hiệu thể hiện sức khỏe kinh tế của một quốc gia. Lần gần đây nhất Mỹ có thặng dư thương mại tổng thể là năm 1975, khi nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong giai đoạn suy thoái nghiêm trọng.
Theo Cục Phân tích kinh tế Mỹ, Mỹ có thặng dư thương mại với Anh trong năm 2023. Và điều đó có thể giúp Anh tránh được thuế quan.
Đối với EU, ông Trump mô tả các hoạt động thương mại của khối này là "tàn bạo". Tuy nhiên, thực tế là thuế quan mà Mỹ và EU áp dụng với nhau đang ở mức tương đồng.
“Mô hình bảo hộ giữa Mỹ và châu Âu rất đồng đều và hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ đã bị lợi dụng. Tuyên bố của ông ấy không đúng”, Kimberly Clausing, chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, cho biết.
Sẵn sàng đáp trả
Theo hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu ING Global Markets Research, các sản phẩm xuất khẩu từ Mỹ sang EU trung bình phải chịu mức thuế 3,95%.
Mức thuế trung bình 3,5% được áp dụng cho các sản phẩm từ EU sang Mỹ. Tuy nhiên, đang có sự chênh lệch lớn hơn trong một số mặt hàng như ô tô. Mức thuế quan của EU là 10%, trong khi của Mỹ là 2,5%.
Mức thuế quan của EU áp với thực phẩm và đồ uống trung bình cao hơn mức 3,5% mà Mỹ áp dụng. Ông Trump từ lâu đã phàn nàn về cả hai lĩnh vực. Theo Eurostat, Mỹ là khách hàng nhập khẩu số 1 của EU, chiếm gần 20% tổng xuất khẩu hàng hóa của lục địa trong năm 2023. Thặng dư hàng hóa của khối này đạt khoảng 160 tỷ USD, còn thâm hụt dịch vụ ở khoảng 107 tỷ USD.
Ngày 3/2, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết bà “không bao giờ ủng hộ việc đấu đá với các đồng minh”, nhưng nếu Mỹ áp thuế cứng rắn với châu Âu, “chúng ta cần phản ứng tập thể mạnh mẽ”.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu: “Chúng ta cần làm mọi thứ để tránh nó – cuộc chiến thuế quan ngu ngốc và không cần thiết, hay chiến tranh thương mại”.
Các lãnh đạo châu Âu đã âm thầm chuẩn bị cách đối phó trong mấy tháng qua. Các lãnh đạo doanh nghiệp và hiệp hội kinh doanh cảnh báo chiến tranh thương mại đang diễn ra và cách thức không thể đoán trước của cuộc chiến này có thể làm giảm đầu tư.
Ngày 3/2, Phòng Thương mại Mỹ tại EU ra tuyên bố chỉ trích việc tăng thuế quan, khẳng định cách làm này chỉ dẫn đến các hành động ăn miếng trả miếng và khiến các công ty ở cả hai bờ Đại Tây Dương thiệt hại.
Nguy cơ căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Canada và Mexico đã lắng xuống sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý hoãn áp thuế quan đối với hàng hóa...
Nguồn: [Link nguồn]
-04/02/2025 11:24 AM (GMT+7)