Tổng thống Mỹ được bầu như thế nào?
Ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không chỉ được quyết định bởi số phiếu bầu của người dân, mà còn phụ thuộc vào một cơ chế phức tạp gọi là Cử tri đoàn. Đây là một hệ thống lâu đời, gây tranh cãi nhưng đóng vai trò quyết định ứng viên nào sẽ đắc cử tổng thống Mỹ, kể cả khi kết quả không tương đồng với số phiếu phổ thông mà ứng viên nhận được.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đối đầu với Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử sắp diễn ra vào ngày 5/11. Ảnh: Shutterstock.
Cử tri đoàn - Cơ chế bầu ra tổng thống Mỹ
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 sắp diễn ra, trong đó cựu Tổng thống Donald Trump cạnh tranh với Phó Tổng thống Kamala Harris trong ngày bầu cử 5/11.
Tính đến ngày 28/10, ước tính 48 triệu lá phiếu bầu tổng thống Mỹ đã được bỏ sớm ở các điểm bầu cử trên toàn quốc, trong đó khoảng 22 triệu lá phiếu được bỏ trực tiếp, theo thống kê mới nhất của Election Lab thuộc Đại học Florida.
Con số này được dự báo sẽ còn tăng cao cho đến sát ngày bầu cử chính thức. Năm 2020, hơn 155 triệu lá phiếu được người dân Mỹ kiểm đếm trong cuộc đua bầu cử giữa ông Trump và Joe Biden.
Tuy nhiên, ứng viên nào đắc cử tổng thống Mỹ không hoàn toàn dựa vào số phiếu phổ thông mà do một nhóm 538 thành viên của Cử tri đoàn quyết định.
Giáo sư William Field đến từ Đại học Rutgers, nói: "Khi đi bầu tổng thống, người Mỹ thực chất không bỏ phiếu cho ứng viên mà là bầu cho các đại cử tri của đảng mình chọn".
Dù hệ thống này đã tồn tại hàng thế kỷ, nó vẫn gây tranh cãi, đặc biệt khi kết quả phiếu phổ thông không tương đồng với kết quả Cử tri đoàn. Điển hình là cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump đánh bại đối thủ là bà Hillary Clinton dù kém gần 3 triệu phiếu phổ thông. Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2024, có đến 63% người dân Mỹ mong muốn tổng thống được chọn qua phiếu phổ thông thay vì Cử tri đoàn.
Cử tri đoàn hoạt động ra sao?
Cử tri đoàn bao gồm 538 thành viên, được phân bổ dựa trên số lượng hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ của mỗi bang, bao gồm cả Washington D.C. Mỗi bang có ít nhất ba phiếu đại cử tri, còn những bang có số dân đông như California và Texas sở hữu lần lượt 54 và 40 phiếu đại cử tri. Để thắng cử, một ứng viên cần đạt được ít nhất 270 phiếu đại cử tri.
Thông thường, ứng viên giành đa số phiếu phổ thông tại một bang sẽ nhận toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Tuy nhiên, hai bang Maine và Nebraska có hệ thống phân chia phiếu, trong đó hai phiếu đại cử tri được trao cho ứng viên thắng phiếu phổ thông và phiếu còn lại của mỗi bang được phân chia theo kết quả từng khu vực bầu cử.
Mỗi bang ở Mỹ được quy định số phiếu đại cử tri nhất định dựa vào số dân của bang đó. Các bang màu tím là bang chiến trường. Ảnh: ABC News.
Thông thường, ứng viên tổng thống Mỹ chiến thắng sẽ được xác định vào cuối ngày bầu cử dựa trên tính toán về số lượng phiếu đại cử tri mà ứng viên giành được.
Sau ngày bầu cử, các bang sẽ hoàn thành xác nhận kết quả trước ngày 10/12. Đến ngày 17/12, Cử tri đoàn họp và bỏ phiếu bầu tổng thống. Kết quả được gửi tới Phó Tổng thống Mỹ để kiểm đếm vào ngày 6/1. Nếu không ứng viên nào đạt 270 phiếu, Quốc hội Mỹ sẽ bầu ứng viên tổng thống và ứng viên phó tổng thống.
Ở Hạ viện, mỗi hạ nghị sĩ sẽ bỏ một phiếu để bầu tổng thống. Ứng viên phải đạt 26 phiếu để đắc cử. Ở thượng viện, mỗi thượng nghị sĩ sẽ bỏ một phiếu để bầu ứng viên phó tổng thống. Ứng viên nào nhận được 51 phiếu sẽ đắc cử phó tổng thống Mỹ.
Nếu đến ngày tuyên thệ 20/1 mà Hạ viện không thể bầu ra tổng thống Mỹ thì phó tổng thống do Thượng viện lựa chọn sẽ tạm thời nắm quyền cho đến khi Hạ viện đưa ra quyết định cuối cùng.
Vai trò lịch sử của Cử tri đoàn
Theo Hiến pháp Mỹ, Cử tri đoàn được quy định tại Tu chính án thứ 12. Giáo sư John Sacher đến từ Đại học Trung Florida giải thích, các nhà lập quốc Mỹ không hoàn toàn tin tưởng vào sự lựa chọn của người dân nên muốn thiết lập một hệ thống "kiểm soát và cân bằng" để đảm bảo người được bầu vào ghế tổng thống là người "phù hợp nhất”.
Hệ thống này còn phản ánh sự bất cập về giao thông và mức độ hiểu biết của người dân thời kỳ nước Mỹ mới thành lập, khiến việc bầu cử trực tiếp trở nên khó khăn. Vấn đề nô lệ cũng tác động đến hệ thống Cử tri đoàn khi Hiệp định Ba phần Năm tại Đại hội Lập hiến năm 1787 quy định mỗi lá phiếu của nô lệ được tính bằng ba phần năm của một cử tri thông thường.
Tình huống thắng phiếu phổ thông nhưng thua bầu cử
Trong hệ thống bầu cử tổng thống Mỹ, có một số tình huống có thể dẫn đến việc một ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu phổ thông hơn nhưng vẫn thua về phiếu đại cử tri. Điều này xảy ra do cách thức phân bổ phiếu đại cử tri theo từng bang và nguyên tắc "winner-takes-all" (người thắng nhận tất) áp dụng ở hầu hết các bang.
Phân bổ không đồng đều về dân số và phiếu bầu giữa các bang: Số phiếu đại cử tri của mỗi bang được phân bổ dựa trên số đại biểu Quốc hội của bang đó, bao gồm 2 thượng nghị sĩ và số đại diện Hạ viện tương ứng với dân số bang. Điều này có nghĩa là các bang ít dân hơn có tỷ lệ phiếu đại cử tri trên đầu người cao hơn các bang đông dân.
Điều này dẫn đến thực tế là: Một ứng cử viên có thể nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các bang lớn và đông dân như California, New York, trong khi đối thủ có thể thắng nhiều bang nhỏ và vừa, tích lũy đủ phiếu đại cử tri dù số phiếu phổ thông toàn quốc thấp hơn.
Người chiến thắng bầu cử Mỹ năm 2024 sẽ là chủ nhân Nhà Trắng trong 4 năm tới, bắt đầu từ ngày 20/1/2025. Ảnh: Valerie Plesch/picture alliance.
Nguyên tắc "winner-takes-all": Ngoại trừ Maine và Nebraska, các bang khác đều áp dụng nguyên tắc này. Người chiến thắng ở một bang nhận được tất cả các phiếu đại cử tri của bang đó, bất kể tỷ lệ phiếu bầu là bao nhiêu.
Ví dụ, nếu một ứng cử viên thắng tại bang lớn với tỷ lệ phiếu bầu sát sao (51% so với 49%), họ vẫn nhận toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó. Ngược lại, ứng cử viên thua có thể thắng ở nhiều bang khác với tỷ lệ lớn nhưng không thể vượt qua số phiếu đại cử tri của bang lớn.
Những quy định trong việc lựa chọn đại cử tri
Quy trình chọn đại cử tri tùy thuộc vào quy định của từng bang và đảng phái. Tuy nhiên, tất cả các bang đều yêu cầu đại cử tri không được là thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc người giữ chức vụ trong chính phủ. Các bang cũng loại bỏ đại cử tri từng tham gia “nổi loạn chống lại nước Mỹ” hoặc “trợ giúp kẻ thù chống lại quốc gia”.
Mặc dù hầu hết đại cử tri thường bỏ phiếu đúng theo cam kết, song vẫn có trường hợp “đại cử tri bất trung”, nghĩa là không bỏ phiếu cho ứng viên đã được chỉ định. Năm 2016, có 7 đại cử tri thay đổi phiếu bầu và là con số cao nhất kể từ năm 1972. Hiện nay, 35 bang và thủ đô Washington D.C của Mỹ đã ban hành luật chống lại hành vi này.
Ở bang New Mexico và South Carolina, “đại cử tri bất trung” có thể bị coi là phạm tội hình sự. Tuy vậy, vấn đề “đại cử tri bất trung” chưa từng làm thay đổi kết quả bầu cử.
Tại sao Cử tri đoàn vẫn tồn tại?
Dù đã có hơn 700 đề xuất nhằm cải tổ hoặc loại bỏ Cử tri đoàn, hệ thống này vẫn tiếp tục tồn tại như một phần không thể thiếu trong thể chế chính trị Mỹ.
Cử tri đoàn là một trong nhiều yếu tố của hệ thống kiểm soát và cân bằng của Hoa Kỳ. Các nhà sáng lập đã cố gắng xây dựng một hệ thống bảo vệ quốc gia khỏi sự lựa chọn được xem là ‘thiếu cẩn trọng’ của người dân”, Giáo sư Sacher lý giải.
Nhìn chung, việc bầu tổng thống Mỹ phức tạp hơn so với hình dung của nhiều người vì không đơn thuần là tính đến số phiếu phổ thông mà mỗi ứng viên nhận được.
Đây là một hệ thống phản ánh lịch sử và giá trị của Mỹ, dù không phải ai cũng hài lòng về tính công bằng và đại diện của nó.
Nhiều ghế trong Quốc hội Mỹ sẽ được bầu vào cùng ngày cử tri bầu ra Tổng thống mới. Kết quả của cuộc bầu cử quốc hội có thể có tác động mạnh mẽ đến...
Nguồn: [Link nguồn]