Tổng thống Mỹ Biden thực hiện lời hứa với châu Phi sau thất bại chiến lược
Ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên đường đến Angola để thực hiện lời hứa thăm châu Phi trong nhiệm kỳ tổng thống của mình và tập trung vào dự án đường sắt lớn do Mỹ cấp vốn, nhằm ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc nắm hết nguồn khoáng sản quan trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng thống Angola Joao Manuel Goncalves Lourenco tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, tháng 11/2023. (Ảnh: Reuters)
Dự án đường sắt sử dụng một phần vốn vay từ Mỹ sẽ nối CHDC Congo (DRC) giàu tài nguyên và Zambia với cảng Lobito của Angola ven Đại Tây Dương, tạo nên tuyến đường nhanh chóng và hiệu quả để xuất khẩu khoáng sản sang phương Tây.
Trung Quốc đang rất chú ý đến Congo, nơi có trữ lượng khoáng sản khổng lồ, nhất là đồng và coban - thành phần chính của pin và các thiết bị điện tử khác.
Tháng 9 năm nay, Trung Quốc ký một thỏa thuận với Tanzania và Zambia để khôi phục tuyến một đường sắt khác ven bờ biển phía đông của châu Phi.
Dù chuyến đi của Tổng thống Mỹ Biden diễn ra vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, tuy nhiên Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ tiếp tục ủng hộ tuyến đường sắt và vẫn giữ đối tác thân thiết của Angola khi ông trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, các quan chức từng phục vụ dưới thời chính quyền Trump trước đây cho biết.
Cựu Đại sứ Tibor Nagy, đặc phái viên hàng đầu về châu Phi dưới thời chính quyền Trump trước đây, cho rằng ông Trump có thể sẽ có hai mối quan tâm lớn ở châu Phi: Cạnh tranh với Trung Quốc và Nga; tiếp cận các khoáng sản quan trọng.
"Điều này (dự án đường sắt LAR) đáp ứng cả hai mục tiêu", ông Nagy nói trong một cuộc phỏng vấn.
Dự án được sắt có sự tham gia của tập đoàn thương mại đa quốc gia Trafigura, tập đoàn xây dựng Bồ Đào Nha Mota-Engil và hãng điều hành đường sắt Vecturis. Tập đoàn Tài chính Phát triển Mỹ đã cung cấp khoản vay 550 triệu USD để nâng cấp mạng lưới đường sắt dài 1.300 km từ Lobito đến Congo.
Tổng thống Biden dự kiến sẽ có chặng dừng chân ngắn tại Cape Verde trong sáng 2/12 để gặp tổng thống nước chủ nhà trước khi bay đến Angola. Ông sẽ thăm bảo tàng nô lệ tại thủ đô Luanda và đến cảng Lobito vào ngày 4/12.
Chuyến đi này thực hiện một trong những cam kết của Tổng thống Biden với châu Phi, nhưng những cam kết khác vẫn chưa được thực hiện, trong đó có lời hứa ủng hộ dành 2 ghế thường trực cho châu Phi trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. |
Ngoài dự án đường sắt, Washington cũng không làm gì nhiều để thúc đẩy việc tiếp cận trữ lượng khoáng sản khổng lồ của châu Phi mà Mỹ coi là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, Mỹ cũng vấp phải những thất bại ngoại giao khác ở lục địa đen.
Mùa hè năm nay, Washington để mất căn cứ tình báo lớn ở Niger và không tìm được đồng minh nào để thay thế. Điều này khiến Mỹ không còn chỗ đứng quân sự tại vùng Sahel rộng lớn, nơi trở thành điểm nóng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Angola từ lâu đã xây dựng quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga, nhưng gần đây xích lại gần phương Tây hơn. Các quan chức Angola cho biết rất muốn hợp tác với bất kỳ đối tác nào có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hy vọng dự án đường sắt sẽ thúc đẩy đầu tư vào nhiều lĩnh vực.
Bộ trưởng Giao thông Angola Ricardo Viegas d’Abreu cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Trung Quốc trở nên nổi bật chỉ vì các nước phương Tây có lẽ chưa chú ý nhiều đến châu Phi”.
Lầu Năm Góc khó có thể sử dụng hết hàng tỷ USD ngân sách còn lại do Quốc hội phê duyệt để hỗ trợ quân sự cho Ukraine trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden...
Nguồn: [Link nguồn]