Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị Quốc hội luận tội và bi kịch gieo mình ở hẻm núi
Roh Moo Hyun là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị Quốc hội nước này đưa ra luận tội. Ông vượt qua “đòn hiểm” của phe đối lập, nhưng cuối cùng vẫn phải gieo mình từ mỏm Chim cú.
Roh Moo Hyun – Tổng thống thứ 9 của Hàn Quốc (ảnh: Yonhap)
Tổng thống “con nhà nghèo”
Roh Moo Hyun (1946 – 2009) là con trai út trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Bongha, thành phố Gimhe, tỉnh Gyeongsang Nam (Hàn Quốc). Năm 1953, Roh Moo Hyun nhập học tại trường tiểu học Dae Chang. Ông có thành tích cao, nhưng thường xuyên nghỉ học vì phải phụ giúp gia đình.
Quãng thời gian trung học của Roh Moo Hyun không mấy nổi bật. Học hết trung học phổ thông, ông không học lên đại học mà gia nhập quân đội Hàn Quốc. Sau khi giải ngũ, với nỗ lực tự học, Roh Moo Hyun vượt qua kỳ thi sát hạch (được đánh giá là cực kỳ khó) để lấy chứng chỉ luật sư, theo Yonhap.
Năm 1997, Roh Moo Hyun trở thành thẩm phán ở thành phố Daejeon. Một năm sau, ông nghỉ việc và hành nghề luật sư (chủ yếu trong lĩnh vực thuế) với mong muốn có một cuộc sống ổn định.
Tuy nhiên, năm 1981, công việc luật sư đưa Roh Moo Hyun đến với một vụ án mà ông mô tả là đã “thay đổi cuộc đời tôi”.
Theo Guardian, Roh Moo Hyun được thuê để bảo vệ cho một trong số hơn 20 sinh viên bị chính quyền của Tổng thống Chun Doo Hwan bắt giữ với cáo buộc tàng trữ sách, tài liệu bị cấm. Những sinh viên này được cho là đã bị cảnh sát giam giữ, bức cung trong thời gian dài.
“Khi tôi nhìn thấy đôi mắt khiếp sợ và những móng chân bật ra của họ, cuộc sống yên ấm của tôi, với tư cách là một luật sư, đã chấm dứt”, ông Roh viết trong một cuốn tự truyện vào năm 1994.
Kết quả bào chữa không thành công khi thân chủ của Roh Moo Hyun vẫn bị tòa án kết án tù. Sau biến cố này, ông trở thành một luật sư bảo vệ nhân quyền.
Năm 1987, Roh Moo Hyun bị bắt giữ và phải ngồi tù 3 tuần với cáo buộc kích động công nhân biểu tình, chống lại chính quyền của Tổng thống Chun Doo Hwan.
Roh Moo Hyun gia nhập chính trường năm 1988, được bầu làm nghị sĩ Quốc hội đại diện Busan và nổi tiếng với việc chất vấn quan chức về tham nhũng. Sau nhiều lần thất bại trong các cuộc tranh cử, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Đại dương và Ngư nghiệp năm 1998, vị trí giúp tích lũy kinh nghiệm trước khi tranh cử Tổng thống. Năm 2002, Roh đắc cử Tổng thống thứ 9 của Hàn Quốc nhờ cam kết chống tham nhũng, tăng phúc lợi xã hội và cải thiện quan hệ với Triều Tiên, nhận được 70% tín nhiệm ban đầu từ người dân.
Ông Roh Moo Hyun là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị Quốc hội luận tội (ảnh: YTN News)
Bị Quốc hội luận tội
Theo Yonhap, ngay trong năm đầu tiên làm Tổng thống, Roh Moo Hyun đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Nền kinh tế Hàn Quốc, sau thời gian phát triển mạnh dưới thời ông Kim Dae Jung, đã trở nên trì trệ và kém cạnh tranh. Tỷ lệ thất nghiệp cao.
Roh Moo Hyun quyết tâm chống tham nhũng trong chính phủ và cải cách hành chính. Điều này khiến ông vấp phải nhiều phản đối, đặc biệt là từ giới chức công tố và đảng Đại dân tộc đối lập (theo đường lối bảo thủ).
Năm 2003, Roh Moo Hyun và nhiều nghị sĩ ủng hộ ông rời khỏi đảng Dân chủ thiên niên kỷ để thành lập đảng mới – đảng Uri (tạm dịch là “đảng của chúng ta”).
Tháng 3/2004, Quốc hội Hàn Quốc, khi đó do đảng Đại dân tộc đối lập chiếm đa số, đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống Roh Moo Hyun. Phe đối lập cho rằng, Roh Moo Hyun đã không công bằng và vi phạm luật bầu cử khi công khai ủng hộ đảng Uri với tư cách là Tổng thống.
Ngày 12/3/2004, Quốc hội thông qua đạo luật luận tội Tổng thống. Roh Moo Hyun bị đình chỉ chức vụ trong vòng 2 tháng, quyền hành pháp tạm thời chuyển giao cho Thủ tướng Goh Kun, theo Yonhap.
Tổng thống Roh kiên quyết chống tham nhũng (ảnh: KBS News)
Theo Yonhap, nhiều người dân đã xuống đường biểu tình, phản đối hành động của Quốc hội để bảo vệ ông Roh. Chỉ riêng ngày 13/3/2004, ở Seoul, đã có khoảng 70.000 người dân tham gia biểu tình, kêu gọi “vô hiệu bản luận tội, bảo vệ nền dân chủ”.
Ngày 14/5/2004, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết hủy bỏ quyết định luận tội của Quốc hội. Tổng thống Roh khôi phục quyền lực. Tỷ lệ ủng hộ ông từ 30% tăng lên 50%. Các nghị sĩ của đảng Uri cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ công chúng.
Sóng gió nối tiếp
Theo Reuters, trong nhiệm kỳ 5 năm Tổng thống của Roh Moo Hyun, nền kinh tế Hàn Quốc không mấy khởi sắc. Cuộc chiến chống tham nhũng của ông không mang lại nhiều hiệu quả, và kế hoạch di dời thủ đô đến tỉnh Chungcheong Nam, nhằm giảm bớt tắc nghẽn và tập trung của cải ở Seoul, bị Tòa án Hiến pháp tuyên là “vi hiến”.
Tháng 9/2004, Roh Moo Hyun quyết định gửi Sư đoàn Zaytun với khoảng 3.600 quân đến hỗ trợ Mỹ trong chiến tranh Iraq, bất chấp sự phản đối của phe đối lập. Tháng 10 cùng năm, một nhóm phiến quân Hồi giáo đăng video lên mạng internet, cảnh báo Hàn Quốc “sẽ phải chịu đau khổ” nếu không rút quân khỏi Iraq trong vòng 2 tuần.
Đầu năm 2006, Roh Moo Hyun buộc phải ra quyết định rút dần lực lượng khỏi Iraq trước áp lực của Quốc hội.
Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il (ảnh: AFP)
Roh Moo Hyun nỗ lực cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Ngày 2/10/2007, ông trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên vượt qua biên giới liên Triều bằng đường bộ và có cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng, theo Yonhap.
Tuy nhiên, chính sách thân thiện của Roh Moo Hyun không ngăn được Triều Tiên tiếp tục các vụ thử hạt nhân. Mặt khác, nó khiến Mỹ – đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc – mất lòng, theo Guardian.
Năm 2008, Roh Moo Hyun kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống và không có quyền tái tranh cử (luật pháp Hàn Quốc chỉ cho phép Tổng thống có một nhiệm kỳ). Chung Dong Young, người kế nhiệm được Roh Moo Hyun ủng hộ, bị Lee Myung Bak – ứng viên của đảng Đại dân tộc đối lập – đánh bại.
Ông Roh Moo Hyun và phu nhân (ảnh: Namu)
Biến cố bất ngờ
Đầu năm 2008, sau khi chuyển giao quyền lực cho Tổng thống Lee Myung Bak, ông Roh Moo Hyun cùng vợ đã lái xe thẳng về quê nhà ở làng Bongha, cách thủ đô Seoul khoảng 450km. Hành động của ông Roh đã phá vỡ tiền lệ trước đây, khi các Tổng thống Hàn Quốc về hưu thường sống trong dinh thự ở Seoul, có đội ngũ an ninh bảo vệ nghiêm ngặt.
Bongha – ngôi làng hẻo lánh với khoảng 120 người sinh sống (vào năm 2008) – đã trở thành điểm thu hút khách du lịch nhờ sự hiện diện của ông Roh. Mặc dù đã rời nhiệm sở, Roh Moo Hyun vẫn được nhiều người dân yêu mến vì lối sống bình dị, thân thiện, theo New York Times.
Ở làng Bongha, ông Roh có một trang trại nuôi vịt, hàng ngày tiếp khách ghé thăm, đi câu cá, leo núi và đi dạo. Cựu Tổng thống cũng điều hành một trang web tên “Dân chủ 2.0” để thúc đẩy các cuộc thảo luận lành mạnh về chính trị - pháp luật.
Park Yeon Cha – người cáo buộc ông Roh nhận hối lộ (ảnh: Nate News)
Theo New York Times, Roh Moo Hyun có biệt danh là “Mr Clean” (người đàn ông trong sạch). Sau khi ông Roh nghỉ hưu, mỗi tuần có hàng trăm chiếc ô tô, xe bus chở du khách đến làng Bongha. Họ hy vọng được gặp ông và nghe cựu Tổng thống nói chuyện. Một số cha mẹ còn mang con đến nhà Roh Moo Hyun để được ông cầu phúc.
“Việc một cựu Tổng thống có sức hút mạnh mẽ đến vậy là điều chưa từng có trong lịch sử Hàn Quốc”, New York Times bình luận.
Tháng 12/2008, tai tiếng bắt đầu bủa vây cựu Tổng thống Roh khi Park Yeon Cha – chủ tịch Tập đoàn da giày Tae Kwang – bị cảnh sát bắt vì tội trốn thuế. Tại cơ quan điều tra, Park Yeon Cha tố cáo Tổng thống Roh (khi còn tại vị) đã nhận hối lộ 6 triệu USD và 2 đồng hồ trị giá 78.000 USD của ông ta. Vợ ông Roh – phu nhân Kwon Yang Sook – cũng bị cáo buộc nhận hối lộ 1 triệu USD của Park, theo Yonhap.
2 nhân vật khác có liên quan đến cựu Tổng thống cũng bị điều tra là cựu Giám đốc tình báo Hàn Quốc Kim Man Bok, với cáo buộc từng chỉ đạo nhân viên tình báo tìm nhà cho con trai ông Roh ở Mỹ, và Jung Sang Moon – cựu thư ký Phủ Tổng thống – bị cáo buộc biển thủ khoảng 1 triệu USD ngân sách.
Khi cảnh sát mở rộng điều tra, Roh Geon Ho (con trai ông Roh Moo Hyun) và Roh Geon Pyeong (anh trai ông Roh Moo Hyun) cũng bị triệu tập để thẩm vấn với các cáo buộc khác nhau về hành vi nhận hối lộ.
Tháng 5/2009, Roh Geon Pyeong bị kết án 4 năm tù vì nhận hối lộ của một công ty chứng khoán.
Cựu Tổng thống Roh Moo Hyun bác bỏ cáo buộc rằng ông nhận tiền hối lộ. Tuy nhiên, vợ ông thừa nhận có nhận khoản tiền 1 triệu USD từ doanh nhân Park Yeon Cha, theo Korea Times.
Cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào cựu Tổng thống Roh Moo Hyun đã làm “rúng động” Hàn Quốc. Dư luận hướng “búa rìu” vào Roh, cho rằng ông chỉ giả vờ trong sạch.
Trong một bài viết trên website, Roh Moo Hyun cho biết ông không hề biết chuyện vợ mình “mở cửa sau” cho doanh nhân. Tuy nhiên, khoản 1 triệu USD chỉ là tiền mà phu nhân Kwon Yang Sook “vay” ông Park “để trả nợ”.
Ngày 30/4/2009, ông Roh Moo Hyun bị truy tố với cáo buộc nhận hối lộ.
“Tôi không còn mặt mũi nào để đối mặt với người dân. Tôi xin lỗi vì đã làm mọi người thất vọng”, ông Roh nói vào ngày 30/4/2009, khi trình diện trước cơ quan công tố.
Trong quá trình thẩm vấn, ông Roh kiên quyết phủ nhận các cáo buộc rằng ông có nhận hối lộ.
Hiện trường mỏm Chim cú, nơi ông Roh tự tử (ảnh: Yonhap)
Bi kịch ở mỏm Chim cú
Sáng ngày 23/5/2009, ông Roh xỏ giày leo núi và nói với người vệ sĩ riêng Lee Byong Chun: “Tôi đi dạo đây”. Lee không thấy dấu hiệu bất thường nào từ ông Roh, mặc dù cựu Tổng thống trông có vẻ mệt mỏi.
Khi Roh leo đến mỏm Chim cú – mỏm núi nhô ra, nơi có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh làng quê Bongha – vệ sĩ Lee đã cảm thấy có gì đó bất thường, nên quyết định tiến đến gần.
Đúng lúc đó, có một người leo núi đi ngang qua, ông Roh cất tiếng nói: “Ai thế? Anh là phóng viên à?”.
Khi vệ sĩ Lee theo phản xạ quay lưng lại, ông Roh tiến lên 2 bước và nhảy xuống hẻm núi. Lúc đó là 6 giờ 45 phút ngày 23/5/2009. Cựu Tổng thống nhanh chóng được đưa tới bệnh viện, nhưng qua đời do chấn thương sọ não, theo Korea Times.
Cảnh sát đã xác nhận vụ tự tử của ông Roh và bác bỏ các thuyết âm mưu.
Tái hiện lại cảnh nhân viên cứu hộ đưa ông Roh, đang bị thương nặng, xuống núi (ảnh: Yonhap)
Theo cảnh sát, trước khi có ý định tự tử, ông Roh đã bật máy tính và gõ một bức thư tuyệt mệnh:
“Tôi thật sự quá xấu hổ. Tôi càng xấu hổ hơn trước những người đã tin tưởng và ủng hộ tôi. Tôi thành thật xin lỗi. Nhưng tôi hoàn toàn trong sạch. Lịch sử sẽ phán xét tôi”.
Cái chết bất ngờ của cựu Tổng thống Roh Moo Huyn khiến cả Hàn Quốc bàng hoàng và đau đớn. Dư luận một lần nữa “đảo chiều”, cho rằng ông Roh hoàn toàn trong sạch và bị bức ép đến mức phải tự tử, theo Korea Joongang Daily.
Vài giờ sau khi ông Roh qua đời, dường như cảm nhận được dư luận sẽ chĩa mũi dùi vào mình, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Kim Kyung Han tuyên bố khép lại điều tra đối với cựu Tổng thống Roh Moo Huyn và gia đình ông.
Ông Roh Geon Pyeong, người đã nhận tội, được Tổng thống Lee Myung Bak ân xá.
Tổng thống Lee Myung Bak tuyên bố việc ông Roh qua đời là “một bi kịch của dân tộc” đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan “nhanh chóng giải quyết tình hình” để thể hiện “sự tôn trọng” đối với người đã khuất.
Tang lễ của cựu Tổng thống Roh Moo Hyun (ảnh: NY Times)
Cựu Tổng thống Kim Dea Jung tuyên bố: “Tổng thống Roh Moo Huyn yêu người dân Hàn Quốc hơn bất kỳ Tổng thống nào khác. Trong cuộc điều tra bất công, ông ấy đã phải chịu đựng tất cả sự sỉ nhục, lừa dối và phỉ báng. Ông ấy không còn cách nào khác ngoài việc tự sát trước người dân để chứng minh mình vô tội”.
Theo Yonhap, từ tối ngày 23/5/2009, hàng trăm nghìn người đã đổ về Cung điện Gyeongbok (Seoul) để đặt hoa viếng cựu Tổng thống Roh Moo Huyn. Trong nỗi đau buồn, nhiều người chỉ trích truyền thông, một số người chỉ trích giới chức tư pháp, và cũng có người than trách tại sao ông Roh không đợi đến khi tòa án ra phán quyết cuối cùng.
Lễ quốc tang cựu Tổng thống Roh Moo Huyn được tổ chức từ ngày 23/5/2009 đến ngày 29/5/2009. Tro cốt của ông Roh được chôn cất ở làng Bongha theo đúng di nguyện.
Người dân Hàn Quốc đau buồn trước cái chết của cựu Tổng thống (ảnh: KBS)
Cái chết của ông Roh Moo Huyn gây ra sự chia rẽ lớn ở Hàn Quốc, theo Korea Times.
Tại đám tang của ông Roh được tổ chức ở làng Bongha, xe của Thủ tướng Han Seung Soo bị người dân chặn lại, không cho vào viếng. Đám đông giận dữ cũng phá nát vòng hoa viếng của Tổng thống Lee Myung Bak, ném trứng và hắt nước vào một số chính trị gia.
Khi Tổng thống Lee Myung Bak đến viếng tại tang lễ của ông Roh (tổ chức ở Cung điện Gyeongbok), nhiều người đã hò hét, yêu cầu ông Lee phải xin lỗi.
Tổng thống Park Chung-hee, người biến Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đói vươn lên thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, bị...
Nguồn: [Link nguồn]