Tổng thống đắc cử Donald Trump đang thách thức hệ thống chính trị bảo thủ của nước Mỹ?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ không chỉ đánh dấu chiến thắng chính trị của cá nhân mà còn thể hiện một sự thay đổi lớn trong cách thức điều hành chính phủ. Một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong nhiệm kỳ mới của ông là sự ra đời của Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency - DOGE). Sáng kiến này được đánh giá là nỗ lực trực diện nhằm cải tổ một hệ thống bị chỉ trích là bảo thủ, cồng kềnh và kém hiệu quả.

Quyết tâm thay đổi

Theo thông báo từ văn phòng của ông Trump, DOGE được thành lập với nhiệm vụ cải thiện năng suất, giảm lãng phí và tăng tính minh bạch trong hoạt động chính phủ. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan liên bang và đề xuất các cải cách cụ thể lên tổng thống. Việc thành lập cơ quan này là điều chưa cấp tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ, nhưng nó chính là bước đi cụ thể hóa cảm kết của ông Trump từ lúc tranh cử.

Đội hình “tuyên chiến” với nền chính trị bảo thủ Mỹ.

Đội hình “tuyên chiến” với nền chính trị bảo thủ Mỹ.

Tổng thống đắc cử Donald Trump từng khẳng định rằng: “Chính phủ không nên là gánh nặng cho người dân, mà phải phục vụ họ một cách hiệu quả nhất”. Theo báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ (GAO), lãng phí ngân sách Chính phủ Mỹ trong năm 2023 lên tới 247 tỷ USD, phần lớn đến từ các chương trình không hiệu quả hoặc chồng chéo. Chính vì thế, mục tiêu đầu tiên mà DOGE hướng đến chính là loại bỏ lãng phí này thông qua cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục rườm rà, giảm thời gian xử lý bằng cách đưa công nghệ vào quản lý, điều hành để giảm thiểu nhân lực không cần thiết nhằm tối ưu hóa nguồn lực.

Không chỉ thể hiện tham vọng lớn, cách sử dụng nhân sự của ông Trump cũng đang khiến nhiều người bất ngờ. Ông Donald Trump đã đề cử Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla, tỷ phú Elon Musk và cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, doanh nhân Vivek Ramaswamy cho vị trí lãnh đạo DOGE. Dù là hai cái tên nổi bật trong giới kinh doanh công nghệ nhưng hai “bộ trưởng” của ông Trump lại không hề có những kinh nghiệm chính trị phù hợp với vai trò mình sẽ đảm nhận.

Tuy nhiên, đây có thể cũng chính là mục đích của ông Trump khi tin tưởng vào “hai chiến tướng” của mình: họ đủ dũng cảm và đứng xa bộ máy trì trệ cũ kỹ để tạo nên những điều khác biệt. Như ông Trump đã phát biểu trong một cuộc gặp với người ủng hộ hôm 12/11 vừa qua thì ông tin rằng sự có mặt của những doanh nhân như Elon Musk và Vivek Ramaswamy "sẽ mở đường cho chính quyền của tôi phá bỏ bộ máy quan liêu của chính phủ".

Đáp lại sự kỳ vọng của ông, hai “bộ trưởng” của DOGE cũng đã có những phát ngôn ấn tượng ngay khi chính thức nhận được đề cử. Trong phản ứng đầu tiên, tỷ phú Elon Musk đã viết trên mạng xã hội X rằng: “Đe dọa nền dân chủ? Không, đe dọa bộ máy quản liêu!”. Phát biểu của ông chủ Tesla như một lời “tuyên chiến” đồng thời vạch rõ “đối thủ” của DOGE trong nhiệm kỳ tới. Về phần mình, doanh nhân Ramaswamy tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không dễ dàng bỏ cuộc”. Hai phát biểu ngắn gọn theo phong cách thương nhân của hai nhà lãnh đạo DOGE cũng cho thấy, họ đã lường hết khó khăn, vất vả sẵn sàng đối mặt với nó. Còn nước Mỹ, hãy sẵn sàng đón nhận một làn sóng “cải cách”.

Cơ sở cho cải cách

Từ lâu, ông Trump đã cho rằng hệ thống chính phủ hiện tại đã quá lỗi thời, với nhiều hạn chế gây cản trở sự phát triển của quốc gia. Các số liệu cụ thể từ các báo cáo gần đây củng cố nhận định này. Theo báo cáo của GAO năm 2023 thì chi phí vận hành chính phủ liên bang tăng trung bình 4,5% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2023, đạt mức kỷ lục 5,8 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Nhưng, ở chiều ngược lại, nghiên cứu từ Viện Brookings cho thấy, hơn 60% các chương trình của liên bang trong thập kỷ vừa qua không đạt được mục tiêu đề ra ban đầu.

Ông Donald Trump với kế hoạch “đưa quyền lực về tay nhân dân”.

Ông Donald Trump với kế hoạch “đưa quyền lực về tay nhân dân”.

Một trong những lý do của thất bại mà các chuyên gia của Viện Bookings chỉ ra là thủ tục phức tạp của các cơ quan liên bang khiến thời gian xử lý các dự án cơ sở hạ tầng liên bang trung bình kéo dài tới 7 năm, trong khi so sánh với các nước phát triển khác như Đức hay Nhật Bản chỉ mất từ 2-3 năm. Những con số này đủ sức thuyết phục giới chức cũng như cử tri Mỹ về sự trì trệ của chính phủ hiện tại và đòi hỏi có sự thay đổi. Bà Sandra Powell, chuyên gia kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: “Sự thiếu hiệu quả không chỉ làm lãng phí tài nguyên mà còn làm mất lòng tin của người dân vào chính phủ”.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Paul Kennedy, nhà phân tích chính trị tại Đại học Harvard thì: “Mô hình chính phủ cũ không còn phù hợp với thế kỷ 21, khi mà công nghệ và tốc độ trở thành yếu tố quyết định”. Đó có lẽ cũng chính là nguyên nhân khiến ông Trump tin tưởng đặt DOGE vào tay một nhà tiên phong công nghệ như tỷ phú Elon Musk. Ông Musk, người được biết đến là tỷ phú giàu nhất thế giới, đồng thời là nhà sáng lập tập đoàn công nghệ hàng đầu như Space X, Tesla, OpenAI, Neuralink,... Ngay từ khi công ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử, ông Musk cũng công khai khẳng định ông có thể đóng góp đáng kể cho chính quyền mới để cải thiện hiệu suất làm việc bằng cách nhanh chóng cắt giảm 2.000 tỷ USD chi tiêu ngân sách. 

Nền chính trị Mỹ sau hàng trăm năm đang trở nên trì trệ.

Nền chính trị Mỹ sau hàng trăm năm đang trở nên trì trệ.

Đối tượng và mục tiêu cải cách 

Sự hình thành của DOGE không chỉ nhắm vào cải cách nội bộ mà còn thể hiện sự đối đầu trực tiếp với các thế lực chính trị bảo thủ đã thống trị chính trường Mỹ trong nhiều thập kỷ. Là một nhà lãnh đạo thực dụng, ông Trump có những mục tiêu cụ thể muốn nhắm đến. 

ầu tiên là loại bỏ lợi ích nhóm. Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất trên chính trường Mỹ khi sự ảnh hưởng của các nhóm vận động hành lang được tài trợ bởi các thế lực kinh doanh lớn có khả năng thao túng nền chính trị. Sự thao túng này diễn ra quá lâu dẫn đến phụ thuộc vào một nhóm lợi ích nhỏ khiến cho người dân Mỹ bị gánh chịu thiệt hại vì không bảo vệ lợi ích đa số. Trong khi đó, bộ máy chính phủ ngày càng phình to ở Mỹ khiến hệ thống ngày càng trở nên quan liêu. 

Theo Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ (OMB) thì tổng chi tiêu của Chính phủ Liên bang Mỹ đã tăng gần gấp 3 lần trong 30 năm qua. Trong khi tỷ lệ chi tiêu chính phủ/GDP cũng tăng từ 19,5% (1994) lên 23,7% (2023), phản ánh sự gia tăng gánh nặng tài chính lên nền kinh tế. Số lượng nhân viên chính phủ liên bang đã tăng từ 2,2 triệu người vào năm 1994 lên gần 2,85 triệu người vào năm 2023 (không bao gồm quân đội). Đây là mức tăng trưởng khoảng 30%, trong khi dân số Mỹ chỉ tăng khoảng 24% trong cùng thời gian. Tất cả các con số khác về chi phí hành chính, số lượng thủ tục giấy tờ và các chương trình liên bang trong cùng thời kỳ cũng tăng góp phần không nhỏ trong việc đẩy nợ công Chính phủ Mỹ tăng từ 4,69 nghìn tỷ USD (bằng 65% GDP) lên 33,6 nghìn tỷ USD (bằng 125% GDP). Chính sự phình to của bộ máy cũng tạo nên trở lực cho bất cứ lực lượng nào muốn hạ bệ nó.

Ông Trump từng nhiều lần chỉ trích tầng lớp quan chức lâu năm trong chính phủ vì sự phản đối đối với các cải cách. Lầm này, nhờ một chiến thắng tuyệt đối, ông có cơ hội để “chiến đấu tới cùng”. Với quan điểm “Đưa chính phủ về tay nhân dân”, ông Trump khẳng định sẽ giảm quyền lực các cơ quan trung gian, trao quyền tự quyết cho các bang và địa phương. 

Phản ứng của tỷ phú Elon Musk và doanh nhân Ramaswamy sau khi được đề cử lãnh đạo DOGE.

Phản ứng của tỷ phú Elon Musk và doanh nhân Ramaswamy sau khi được đề cử lãnh đạo DOGE.

Ông Ramaswamy trước đây từng lên tiếng ủng hộ việc đóng cửa các cơ quan của chính phủ liên bang bao gồm Cục Điều tra Liên bang (FBI), Bộ Giáo dục, Ủy ban Quản lý hạt nhân hay thậm chí là cả Bộ An ninh nội địa được thành lập từ năm 2003 sau sự kiện 11/9. Trong khi ông Musk với khả năng áp dụng công nghệ của mình có thể cắt giảm hàng nghìn nhân sự cũng như rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà mà Chính phủ Mỹ đang phải sử dụng hằng ngày. Nếu thành công, DOGE có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ USD mỗi năm và cải thiện đáng kể lòng tin của người dân đối với chính phủ. Cải cách thủ tục hành chính cũng có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp nhỏ. 

Dù nhận được nhiều sự ủng hộ từ các cử tri, nhưng sáng kiến của ông Trump cũng không tránh khỏi sự phản đối mạnh mẽ từ các đối thủ chính trị và các nhóm lợi ích. Khả năng xảy ra xung đột lợi ích với các cơ quan liên bang lâu đời, sự phản đối từ Quốc hội, đặc biệt là từ các nghị sĩ Dân chủ và một số thành viên đảng Cộng hòa có tư duy bảo thủ sẽ khiến ông Trump gặp khó khăn để “luật hóa” các cải cách của mình. Đây sẽ là một hành trình dài đầy thách thức của ông Trump cùng các chiến tướng của mình dù họ mới ở giai đoạn đầu chuẩn bị cho trận đánh.

Nguồn: [Link nguồn]

Đề cử của ông Trump cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng đã khiến nước Mỹ bất ngờ và nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Các thông tin xoay quanh nhân vật này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tử Uyên ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN