Tổng thống Belarus tiết lộ khoảnh khắc ôm đầu đạn hạt nhân
Mới đây, Tổng thống Belarus cho biết, trước khi đầu đạn hạt nhân bị đưa khỏi lãnh thổ Belarus vào đầu thập niên 90, ông đã có một hành động đặc biệt.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: Reuters
Theo đài RT, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tiết lộ ông từng đến sát và ôm "một đầu đạn hạt nhân".
Trong cuộc gặp các quan chức hàng đầu và nhiều nhân vật công chúng ở thủ đô Minsk ngày 25/4, ông Lukashenko nhắc về việc nước này đã giao nộp kho vũ khí hạt nhân (thừa hưởng từ Liên Xô) vào đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Thời điểm đó, Belarus thực hiện Nghị định thư Lisbon năm 1992 và tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào tháng 7/1993. Tháng 11/1996, toàn bộ vũ khí hạt nhân mà Belarus thừa hưởng từ Liên Xô được bàn giao cho Nga.
"Tôi đã phải ký vào tài liệu đó. Nhưng nếu được toàn quyền quyết định khi đó, chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép vũ khí hạt nhân chiến lược rời lãnh thổ Belarus", ông Lukashenko nói.
Tổng thống Belarus tiết lộ đã kịp có khoảnh khắc "thân mật" với đầu đạn hạt nhân trước khi chúng bị đưa khỏi lãnh thổ Belarus. "Các vũ khí hạt nhân đã bị đưa đi, tôi đã nhìn thấy chúng. Như đã nói, tôi đã lại gần và ôm một đầu đạn hạt nhân chiến lược", ông Lukashenko nói thêm.
Tổng thống Belarus cũng ủng hộ việc Nga triển khai tên lửa hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông Lukashenko bình luận, dù vũ khí hạt nhân của Nga mang tính chiến thuật chứ không phải chiến lược, nhưng số vũ khí này hoàn toàn phù hợp với học thuyết của Belarus về khả năng gây ra thiệt hại quân sự lớn để ngăn chặn các đối thủ tiềm năng.
"Vũ khí hạt nhân phải ở lại trên lãnh thổ Belarus", ông Lukashenko nhấn mạnh.
Theo đài RT, việc triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus đã được ông Putin công bố vào đầu năm ngoái, trong một phản ứng với quyết định của Anh khi nước này cung cấp cho Ukraine đạn uranium nghèo.
Trước đây, Belarus từng nhiều lần yêu cầu triển khai vũ khí hạt nhân với lý do nước này cảm thấy mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Mỹ triển khai ở châu Âu.
Theo chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO, Mỹ duy trì một số vũ khí hạt nhân ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguồn: [Link nguồn]
Ukraine đang triển khai khoảng 120.000 binh sĩ dọc biên giới với Belarus, Tổng thống Belarus – ông Alexander Lukashenko – cho hay.