Tổng thống Azerbaijan đến Nga sau "thỏa thuận lịch sử" với Armenia
Armenia đồng ý trả lại một số ngôi làng cho Azerbaijan - diễn biến được 2 bên mô tả là "cột mốc quan trọng" trong tiến trình thiết lập hòa bình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Azerbaijan Aykhan Hajizada thông báo Armenia sẽ trả lại 4 ngôi làng "bị chiếm đóng" kể từ đầu những năm 1990. Ông khẳng định đây là "sự kiện lịch sử được chờ đợi từ lâu".
Tại Armenia, hãng thông tấn nhà nước dẫn lời văn phòng thủ tướng cho biết: "Trong quá trình này, Cộng hòa Armenia nhận được sự giảm thiểu rủi ro liên quan đến phân định biên giới và an ninh".
Tuyên bố nói thêm quá trình bàn giao trên thực tế chỉ liên quan "hai ngôi làng rưỡi" vì Azerbaijan đã kiểm soát một phần các khu định cư liên quan. Dù vậy, họ khẳng định thỏa thuận vẫn là "một sự kiện quan trọng".
Các khu định cư nêu trên bị bỏ hoang nhưng có tầm chiến lược quan trọng vì chúng nằm gần đường cao tốc chính của Armenia hướng về phía Bắc biên giới Georgia, nơi diễn ra phần lớn hoạt động thương mại.
Theo Reuters ngày 19-4, thỏa thuận kể trên đạt được tại cuộc họp ở biên giới hai nước và do các phó thủ tướng chủ trì.
Một người đàn ông cưỡi ngựa gần biên giới Armenia-Azerbaijan bên ngoài làng Kornidzor - Armenia. Ảnh: Reuters
Azerbaijan xem việc trả lại những ngôi làng nêu trên là "điều kiện tiên quyết" để hướng đến thỏa thuận hòa bình sau hơn 3 thập kỷ xung đột, với giao tranh chủ yếu diễn ra tại khu vực Nagorno-Karabakh.
Xung đột chuyển hướng có lợi cho Azerbaijan vào tháng 9-2023, khi lực lượng vũ trang nước này triển khai chiến dịch quân sự chớp nhoáng để giành lại quyền kiểm soát Karabakh, nơi người Armenia được hưởng nền độc lập trên thực tế kể từ giữa những năm 1990.
Hầu như toàn bộ 100.000 cư dân Karabakh đã chạy sang Armenia trong vòng vài ngày.
Nga duy trì lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh sau đợt giao tranh ác liệt gần đây nhất giữa Armenia và Azerbaijan vào năm 2020. Tuy nhiên, Moscow mới đây thông báo họ đã bắt đầu rút quân.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào ngày 22-4.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thời gian qua gây sức ép để Armenia và Azerbaijan đàm phán hòa bình.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một sự kiện ở Uzbekistan vào năm 2022. Ảnh: Reuters
Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), liên minh quân sự do Nga dẫn đầu, sẽ vẫn tiếp tục hoạt động với đầy đủ các thành viên như hiện nay, Tổng thư ký CSTO Imangali Tasmagambetov nói, theo TASS.
Nguồn: [Link nguồn]