Tộc người thiện chiến từng kiểm soát một nửa Trung Hoa, bắt nhà Tống cống nạp và kết cục bi thảm

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 12

Người Trung Hoa từ xa xưa luôn e ngại các thế lực đến từ phương Bắc. Trong giai đoạn thế kỷ thứ 9, có một tộc người trỗi dậy mạnh mẽ từ khu vực này, thời đỉnh cao kiểm soát một nửa lãnh thổ Trung Hoa nhưng đến ngày nay "biến mất không còn một ai". Chuyện gì đã xảy ra?

Người Khiết Đan là tộc người thiện chiến có nguồn gốc từ phía bắc Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Người Khiết Đan là tộc người thiện chiến có nguồn gốc từ phía bắc Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Hành trình từ hưng thịnh đến diệt vong của tộc người Khiết Đan được xem là một trong những câu chuyện bi thương nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Tộc người thiện chiến, dũng mãnh

Người Khiết Đan có nguồn gốc từ vùng thảo nguyên phía bắc Trung Hoa và từ sớm đã nổi bật nhờ khả năng chiến đấu và lối sống du mục. Xuất hiện trong sử sách từ thời nhà Đường, người Khiết Đan từng bị các tộc người hùng mạnh lân cận ở phía tây, thậm chí từ vương quốc Cao Ly ở phía đông chèn ép. Để chống lại, từ những bộ lạc du mục nhỏ, sinh sống bằng chăn nuôi và đánh bắt cá, người Khiết Đan đã liên kết với nhau thành một liên minh 8 bộ lạc lớn.

Cuối đời Đường, khi vùng Trung Nguyên bắt đầu chiến tranh loạn lạc, người Khiết Đan nhân cơ hội này vùng dậy, trở thành một thế lực  hùng mạnh ở vùng hoang vu phía Bắc (vùng Nội Mông ngày nay ). Người Khiết Đan thường xuyên xâm nhập vào miền bắc Trung Hoa để bắt người Hán về làm ruộng. Người Khiết Đan cũng bắt đầu học hỏi bắt chước người Hán cách thức tổ chức chính quyền.

Vào cuối thế kỷ 9, thủ lĩnh người Khiết Đan là Gia Luật A Bảo Cơ nổi lên và thành lập nhà Liêu, xây dựng một vương quốc mạnh mẽ và đa dạng về văn hóa.

Người Khiết Đan nổi tiếng với khả năng chiến đấu thiện nghệ, đặc biệt là khả năng cưỡi ngựa và bắn cung. Những cuộc tấn công của họ vào các vùng đất phía nam đã khiến người Hán phải e ngại.

Khi nhà Đường sụp đổ, người Khiết Đan tận dụng cơ hội này để vươn lên, thống trị các vùng đất rộng lớn và mở rộng ảnh hưởng của mình. Nổi bật nhất là việc người Khiết Đan chiếm vùng Yên Vân thập lục châu giàu có (bao gồm Bắc Kinh ngày nay). 

Vào thời kỳ đỉnh cao, vương triều Liêu của người Khiết Đan đã kiểm soát gần một nửa lãnh thổ Trung Hoa, trải dài từ vùng thảo nguyên Mông Cổ đến tận phía bắc bán đảo Triều Tiên.

Khiến nhà Tống ở Trung Hoa hàng năm cống nạp

Lãnh thổ nhà Liêu của người Khiết Đan (màu xanh lá) và Bắc Tống (màu cam) năm 1111.

Lãnh thổ nhà Liêu của người Khiết Đan (màu xanh lá) và Bắc Tống (màu cam) năm 1111.

Người Khiết Đan không chỉ có khả năng chiến đấu mạnh mẽ mà còn là những chiến lược gia tài tình. Trong suốt thế kỷ 10 và 11, họ liên tục đối đầu với triều Tống ở phía nam. Một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử xung đột này là Hiệp ước Thiền Uyên năm 1004, nơi nhà Tống phải thừa nhận vị thế của vương triều Đại Liêu và cống nạp hàng năm để giữ hòa bình. Điều này không chỉ giúp nhà Liêu của người Khiết Đan củng cố quyền lực mà còn mang lại cho họ một nguồn tài chính ổn định.

Với sự giàu có từ cống phẩm và khả năng quân sự ưu việt, người Khiết Đan tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình khắp vùng phía bắc Trung Hoa, đối phó thành công với nhiều thế lực khác như Tây Hạ và các bộ lạc du mục khác. Dưới triều đại của Liêu Thái Tổ Gia Luật A Bảo Cơ và các hậu duệ, người Khiết Đan đã tạo dựng một đế chế hùng mạnh với nền văn hóa phong phú, kết hợp giữa văn hóa người Hán và bản sắc Khiết Đan.

Để cai trị các vùng đất có số đông người Hán sinh sống, người Khiết Đan đã xây dựng chính sách gọi là "Dĩ Quốc chế trị Khiết Đan, dĩ Hán chế đãi Hán nhân". Nghĩa là quản lý người Khiết Đan thì dựa theo chế độ quý tộc bộ lạc Khiết Đan, quản lý người Hán thì dựa theo thể chế nhà Đường trước đây.

Suy tàn và bị tộc người khác tàn sát

Sự suy tàn của người Khiết Đan gắn liền với sự trỗi dậy của tộc người Nữ Chân. Ảnh minh họa.

Sự suy tàn của người Khiết Đan gắn liền với sự trỗi dậy của tộc người Nữ Chân. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, dù mạnh mẽ trong vài thế kỷ, vương triều Liêu dần dần suy yếu vào cuối thế kỷ 11 và đầu thế kỷ 12. Sự mục nát trong bộ máy cai trị cùng lối sống xa hoa của tầng lớp quý tộc đã làm suy giảm sức mạnh quốc gia. Người dân Khiết Đan, đặc biệt là tầng lớp nông dân và các dân tộc bị chinh phục, ngày càng bị bóc lột và bất mãn.

Trong bối cảnh đó, một tộc người ở phía đông bắc Trung Hoa - người Nữ Chân - dần nổi lên như một thế lực mới. Nữ Chân, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Hoàn Nhan A Cốt Đả, bắt đầu nổi dậy chống lại sự cai trị của nhà Liêu. Với lòng căm thù sâu sắc và khả năng chiến đấu mạnh mẽ, quân đội Nữ Chân nhanh chóng giành được chiến thắng liên tiếp trước quân Khiết Đan vốn đã trở nên yếu ớt sau hàng thập kỷ không phải đối đầu với một đối thủ xứng tầm. Người Nữ Chân cũng liên minh với nhà Tống, khiến Khiết Đan chống đỡ không nổi.

Năm 1125, người Nữ Chân, sau hàng loạt cuộc tấn công ác liệt, cuối cùng đã đánh bại vương triều Liêu và chiếm lấy kinh đô của người Khiết Đan là Thượng Kinh (nay thuộc Nội Mông).

Nhà Liêu chính thức sụp đổ sau hơn 200 năm cai trị. Vô số người Khiết Đan bị giết hại trong những trận đánh đẫm máu hoặc bị bắt làm nô lệ dưới tay người Nữ Chân. Sử sách Trung Hoa chép các cuộc tàn sát diễn ra trong suốt một tháng.

Một phần lớn lãnh thổ của người Khiết Đan cũng bị sáp nhập vào nhà Kim mới thành lập của người Nữ Chân.

Tây Liêu – nỗ lực sinh tồn cuối cùng của người Khiết Đan

Dù nhà Liêu đã bị diệt vong, một số nhóm người Khiết Đan vẫn không chịu khuất phục và tiếp tục chiến đấu. Một trong những thành viên hoàng tộc người Khiết Đan là Gia Luật Đại Thạch đã dẫn dắt một nhóm người di cư về phía tây, xa khỏi vùng kiểm soát của người Nữ Chân. Tại đây, Gia Luật Đại Thạch thành lập vương triều Tây Liêu (1132) ở khu vực Trung Á. Đây được coi là  một cố gắng cuối cùng để duy trì sự tồn tại của người Khiết Đan.

Lãnh thổ Tây Liêu (màu xanh lá) sau giai đoạn nhà Liêu bị người Nữ Chân thôn tính.

Lãnh thổ Tây Liêu (màu xanh lá) sau giai đoạn nhà Liêu bị người Nữ Chân thôn tính.

Tây Liêu tồn tại hơn 80 năm ở Trung Á, nhưng cũng không tránh khỏi bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của một thế lực mới là đế chế Mông Cổ. Khi Thành Cát Tư Hãn và quân đội Mông Cổ bắt đầu chinh phục khắp khu vực, Tây Liêu cũng bị cuốn vào cơn lốc tàn sát. Vào thế kỷ 13, quân Mông Cổ đã tấn công và tiêu diệt vương triều Tây Liêu, đánh dấu sự diệt vong hoàn toàn của tộc người Khiết Đan.

Quân Mông Cổ không chỉ tấn công Tây Liêu mà còn tiến hành một cuộc tàn sát khốc liệt đối với người Khiết Đan. Tộc người này đã phải chịu đựng hàng loạt cuộc tấn công đẫm máu từ quân đội Mông Cổ, những chiến binh nổi tiếng với chiến thuật tàn bạo và khả năng tiêu diệt hàng loạt các đối thủ. Sự tàn sát này không chỉ khiến nhiều người Khiết Đan thiệt mạng mà còn đẩy họ vào tình cảnh phải bỏ chạy, di cư đến những vùng đất xa xôi.

Những người Khiết Đan còn sống sót bị phân tán khắp các vùng đất ở Trung Á, Siberia, và một số thậm chí còn tới tận xứ sở Ba Tư (Iran ngày nay), nơi một nhánh của họ đã thành lập vương triều nhỏ gọi là Hậu Tây Liêu. Tuy nhiên, sự xâm lăng của quân Mông Cổ và quá trình hòa nhập với các dân tộc khác đã khiến người Khiết Đan dần biến mất.

Ngày nay, tộc người Khiết Đan không còn tồn tại với tư cách là một dân tộc ở Trung Quốc. Hậu duệ của người Khiết Đan có thể được tìm thấy trong các dân tộc như người Đạt Oát Nhĩ ở khu vực Nội Mông, Trung Quốc hoặc trong những nhóm nhỏ dân cư sống ở vùng Trung Á và Iran. Dù vậy, dấu vết văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết của người Khiết Đan đã bị xóa nhòa hoàn toàn.

_________________________

Cuối thời Hán, tộc người Hung Nô cơ bản đã bị đẩy lùi khỏi lãnh thổ Trung Hoa. Một bộ phận người Hung Nô quy hàng nhà Hán, được cấp đất sinh sống. Nhiều năm về sau, một nhân kiệt xuất Hung Nô trở thành hoàng đế Trung Hoa. Nhưng vì sao người Hung Nô ngày nay không còn tồn tại? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản 19h ngày 27/1.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 12

Quân Tần đại phá bộ tộc Hung Nô, nhưng Tần Thủy Hoàng ra lệnh không truy kích mà dừng lại để xây Vạn Lý Trường Thành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Các tộc người ở Trung Hoa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN