Toàn cảnh từ ngày Nga đưa quân áp sát Ukraine đến ngày tấn công
Từ việc Nga tập trung binh lính dọc biên giới đến khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào miền Đông Ukraine là chuỗi những tháng ngày căng thẳng leo thang tại khu vực.
Từ việc Nga tập trung binh lính dọc biên giới hồi tháng 11-2021 đến việc Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24-2 tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào miền Đông Ukraine là chuỗi những tháng ngày căng thẳng leo thang tại khu vực.
Dưới đây là bức tranh toàn cảnh về khủng hoảng Nga-Ukraine:
Tháng 11-2021
Ngày 10-11: Mỹ báo động về các đợt chuyển quân bất thường của Nga gần biên giới Ukraine.
Ngày 28-11: Ukraine nói Nga sẽ tập trung gần 92.000 quân cho một cuộc tấn công vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2. Phía Moscow phủ nhận điều này và cáo buộc Kiev tập trung lực lượng, đồng thời yêu cầu "đảm bảo pháp lý" rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Xe tăng trong cuộc tập trận giữa Nga-Belarus ngày 19-2. Ảnh: AP
Tháng 12-2021
Ngày 7-12: Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo người đồng cấp Nga Putin rằng phương Tây "sẽ áp các biện pháp kinh tế mạnh và các biện pháp khác” nếu Moscow tấn công Ukraine. Về phía mình, ông Putin yêu cầu một sự bảo đảm rằng NATO sẽ không mở rộng hơn nữa về phía đông.
Tháng 1
Ngày 17-1: Quân đội Nga bắt đầu đến Belarus để tham gia các cuộc tập trận chung, động thái Moscow nói là nhằm "chống lại sự xâm lược từ bên ngoài". Hai ngày sau, Washington thông báo khoản viện trợ an ninh thêm - 200 triệu USD - cho Kiev.
Ngày 24-1: NATO đặt binh sĩ vào “chế độ chờ” và điều tàu chiến cùng máy bay chiến đấu để tăng cường phòng thủ phía đông của châu Âu.
Ngày 25-1: Moscow bắt đầu các cuộc tập trận với sự tham gia của khoảng 6.000 quân và ít nhất 60 máy bay chiến đấu ở miền nam nước Nga gần Ukraine và ở Crimea.
Ngày 26-1: Mỹ từ chối đóng cánh cửa NATO đối với Ukraine. NATO cũng cho rằng nhiều đòi hỏi an ninh của Moscow là "không thể chấp nhận hoặc phi thực tế". Washington cho biết họ tin rằng ông Putin “sẽ sử dụng vũ lực từ nay đến giữa tháng 2”.
Ngày 27-1: Trung Quốc cảnh báo rằng các mối quan tâm về an ninh của Nga cần được "xem xét một cách nghiêm túc".
Ngày 28-1: Ông Putin nói rằng phương Tây đã phớt lờ những quan ngại chính của Nga về sự mở rộng của NATO, đồng thời triển khai hệ thống vũ khí tấn công gần biên giới Nga.
Tháng 2
Ngày 2-2: Mỹ thông báo triển khai 2.000 binh sĩ đến Ba Lan và Đức, cũng như đưa thêm 1.000 binh sĩ đến Romania, dẫn đến phản ứng lên án từ Nga.
Ngày 7-2: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Nga hội đàm với Tổng thống Putin. Tuy không có kết quả đột phá nào, song hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp vẫn bày tỏ hy vọng có thể tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Tại Nhà Trắng, ông Biden đã tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong bối cảnh hai nước nỗ lực tìm kiếm "mặt trận thống nhất" trong việc đối phó kịch bản Nga "tấn công" Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS
Ngày 8-2: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã nhóm họp tại Berlin để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Cùng ngày, Nga cũng xác nhận bắt đầu các cuộc tập trận hải quân ở khu vực phía Nam.
Ngày 10-2: Nga và Belarus bắt đầu cuộc tập trận Union Resolve 2022 (Quyết tâm Đồng minh 2022) trong sự theo dõi chặt chẽ của Mỹ và châu Âu.
Ngày 15-2: Moscow cho biết một số lực lượng của họ đang quay trở lại căn cứ. Tuy nhiên, NATO cho biết không thấy có dấu hiệu rút quân và Washington tuyên bố Nga trên thực tế đang điều quân tiếp viện.
Ngày 17-2: Đạn pháo được tăng cường dọc theo chiến tuyến của hai khu vực do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.
Ngày 18-2: Lãnh đạo các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk cho biết họ đang sơ tán cư dân sang Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Moscow có "những hành động khiêu khích sai trái" để biện minh cho "sự gây hấn" hơn nữa đối với Ukraine.
Ngày 19-2: Ukraine cho biết hai trong số các binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào chiến tuyến với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất một cuộc gặp với ông Putin, trong khi phía Moscow thử tên lửa hạt nhân.
Washington nói rằng Nga đang "trên bờ vực” tấn công Ukraine. Pháp và Đức kêu gọi công dân của mình rời Ukraine.
Ngày 21-2: Phía Pháp cho biết ông Putin và ông Biden đã đồng ý "về mặt nguyên tắc" một cuộc gặp thượng đỉnh. Tuy nhiên, Nhà Trắng đặc biệt thận trọng và Điện Kremlin nói rằng còn quá sớm.
Cùng ngày, Nga tuyên bố đã khai hỏa tiêu diệt năm "phần tử phá hoại" và hai thiết giáp thuộc quân đội Ukraine vì đã xâm phạm biên giới, song Kiev đã bác bỏ cáo buộc này.
Ngày 22-2: Ông Putin công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, là Donetsk và Luhansk.
Liên quan động thái này, Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ đưa ra trừng phạt. Ông Putin ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine với nhiệm vụ "gìn giữ hòa bình".
Ngày 24-2: Ông Putin tuyên bố mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Những tiếng nổ được nghe thấy ngay sau đó trên khắp Ukraine và ngoại trưởng nước này - ông Dmytro Kuleba - cảnh báo một "cuộc xâm lược toàn diện" của Nga đang được tiến hành.
Đêm 23 rạng sáng 24/2, nhiều người dân Kiev đã đi đổ xăng, rút tiền để rời thủ đô Ukraine, chỉ vài giờ sau động thái từ phía Nga.
Nguồn: [Link nguồn]