Toàn cảnh trật tự thế giới mới hình thành sau dịch COVID-19
Thế giới sau đại dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ chứng kiến một nước Mỹ với vị thế ngày càng suy giảm trong khi chủ nghĩa dân tộc bùng nổ trên toàn cầu.
Một phụ nữ đi ngang bản đồ tình hình dịch toàn cầu ở TP Panama, Panama (Ảnh chụp hồi tháng 2-2020). Ảnh: CNBC
Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn. Do đó, việc xuất hiện quan điểm cho rằng đây chính là một bước ngoặt trong lịch sử hiện đại cũng là điều rất tự nhiên.
Suốt vài tháng qua từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19, nhiều kịch bản khác nhau đã được đưa ra về thế giới sau đại dịch. Tuy nhiên, thế giới đó có thể sẽ không hoàn toàn khác biệt với thế giới trước COVID-19.
Cụ thể, COVID-19 sẽ không thay đổi quá nhiều hướng đi cơ bản của lịch sử thế giới, thậm chí còn tăng tốc các xu hướng đang diễn ra. Đại dịch và các phản ứng quốc tế đã làm rõ và củng cố các đặc điểm cơ bản của địa chính trị ngày nay.
Vì vậy, cuộc khủng hoảng này nhiều khả năng sẽ ít tạo ra bước ngoặt mà chỉ đơn thuần là một trạm nghỉ trên con đường mà thế giới vẫn đang đi trong vài thập kỷ qua.
Sự suy yếu của nước Mỹ, cùng với việc các thể chế hợp tác toàn cầu đang trì trệ và một thế giới mà các cường quốc đầy rẫy bất hoà: Tất cả những điều này đều là đặc trưng của môi trường quốc tế trước khi xuất hiện COVID-19 và đại dịch chỉ làm cho chúng đậm nét hơn bao giờ hết.
Thế giới hậu Mỹ
Một đặc điểm của cuộc khủng hoảng hiện nay là sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của người Mỹ. Chính phủ nước này không kiến tạo được bất kỳ nỗ lực tập thể nào giúp đối đầu với virus hoặc các tác động kinh tế xuyên quốc gia của nó. Đồng thời, Mỹ cũng không đưa ra được bất kỳ đề xuất nào cho các nước khác tham khảo nhằm cứu vãn tình hình của họ.
Tuy nhiên, dù cho thế giới sau cuộc khủng hoảng có trở thành một nơi mà Mỹ có ít ảnh hưởng hơn thì xu hướng này thực sự không phải là mới diễn ra gần đây. Ở một mức độ nào đó, đây là hệ quả từ khái niệm mà học giả Fareed Zakaria mô tả là “sự trỗi dậy của phần còn lại thế giới" (đặc biệt là Trung Quốc), khiến cho nước Mỹ bị suy giảm lợi thế tương đối mặc cho sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ vẫn tiếp tục tăng lên.
Quân đội Mỹ đã rút dần khỏi Trung Đông từ thời Tổng thống Barack Obama. Còn Tổng thống Donald Trump hiện tại chỉ tập trung sức mạnh kinh tế để đối đầu với kẻ thù. Về cơ bản, ông Trump không chỉ chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria và tìm cách làm điều tương tự ở Afghanistan mà còn tỏ ra ít quan tâm đến hiện trạng các liên minh hoặc chính sách duy trì vai trò truyền thống của Mỹ trong dẫn dắt thế giới giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia.
Ngoài ra, từ rất lâu trước cả khi COVID-19 tàn phá Trái đất, đã có sự suy giảm nhanh chóng trong sức hấp dẫn của “mô hình quản trị kiểu Mỹ”. Chìm trong các bế tắc chính trị dai dẳng, bạo lực súng đạn, sai lầm trong quản trị dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sự lạm dụng dược phẩm có nguồn gốc thuốc phiện cùng hàng loạt vấn đề khác, những gì nước Mỹ đại diện ngày càng thiếu hấp dẫn đối với nhiều người.
Một chính phủ liên bang chậm chạp, không đồng bộ và quá nhiều phản ứng không hiệu quả đối với đại dịch đang củng cố quan điểm rằng Mỹ đã lạc lối.
Thiếu vắng một phản ứng toàn cầu hiệu quả
Một đại dịch khởi phát từ một nước và lây lan nhanh chóng ra toàn thế giới - chính là hiện thân rõ ràng của một thách thức mang tính toàn cầu. Đây cũng là bằng chứng nữa cho thấy toàn cầu hóa là một thực tế mà các quốc gia hiện nay phải tuân theo, chứ không phải là một lựa chọn.
Đại dịch đã tàn phá cả các quốc gia mở và đóng, giàu và nghèo, cả phương Đông lẫn phương Tây. Những gì còn thiếu ở đây là một phản ứng toàn cầu có hiệu quả. Các phản ứng quan liêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nói lên nhiều điều về tình trạng nghèo nàn của quản trị toàn cầu. Các phản ứng chính đối với đại dịch đến nay đều đến từ quốc gia hoặc thậm chí là địa phương, không phải quốc tế. Một khi khủng hoảng qua đi, xu hướng chủ đạo sẽ chuyển sang phục hồi quốc gia.
Ngoài ra, để giải quyết hầu hết các thách thức toàn cầu, điều cần thiết là hai quốc gia mạnh nhất thế giới phải hợp tác với nhau. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Trung hiện nay lại đang ngày càng xấu đi.
Mỹ - Trung ngày càng bất hoà sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: REUTERS
Trên thực tế, hai nền kinh tế trên đã có dấu hiệu phân ly đáng kể từ trước cả đại dịch. Một phần nguyên nhân nằm ở quan ngại của Mỹ về việc quá phụ thuộc việc nhập khẩu hàng hóa thiết yếu từ Trung Quốc, dẫn đến nước này dễ bị đánh cắp thông cũng như tài sản trí tuệ. Đại dịch chỉ làm trầm trọng thêm bất hoà giữa hai nước.
Một vấn đề nữa là sự phản kháng ở hầu hết các nước phát triển trong việc chấp nhận số lượng lớn người nhập cư và người tị nạn, một xu hướng đã được nhìn thấy trong ít nhất nửa thập kỷ qua, cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau đại dịch.
Xu hướng này một phần là do lo ngại nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm cũng như tâm lý cảnh giác việc nhận thuê người nước ngoài trong lúc nạn thất nghiệp đang ở mức cao. Thế đối đầu này sẽ còn tăng lên ngay cả khi số người di tản và người tị nạn đã ở mức cao kỷ lục vì các nền kinh tế không còn có thể hỗ trợ quy mô dân số của chính nước họ.
Sự lan rộng của COVID-19 trên toàn châu Âu cũng đã làm bật lên những yếu kém trong các dự án chung của Liên minh châu Âu (EU) khi các quốc gia thành viên chủ yếu chỉ ứng phó một cách đơn lẻ với đại dịch và ảnh hưởng kinh tế của nó.
Ngoài ra, quá trình hội nhập châu Âu đã đình trệ từ lâu trước cuộc khủng hoảng này với sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) là biểu hiện rõ ràng. Do đó, câu hỏi đặt ra cho thế giới hậu đại dịch là quan hệ giữa các nước thành viên và EU sẽ như thế nào khi chính họ vẫn đang phân vân liệu áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới trở lại có thể làm chậm sự lây lan của virus hay không.
Một thế giới càng thêm xáo trộn
Hơn ba năm trước, tôi đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề "A World in Disarray” (Tạm dịch: Một thế giới xáo trộn).
Nội dung sách mô tả một bối cảnh toàn cầu về sự cạnh tranh giữa các siêu cường, sự phổ biến của vũ khí hạt nhân, các quốc gia yếu kém, dòng người tị nạn ngày càng đông và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đi kèm với vai trò ngày càng suy giảm của Mỹ trên toàn cầu. Hậu quả của đại dịch lần này sẽ làm thay đổi quy mô chứ không phải thực tế về xu hướng hỗn loạn đang tồn tại.
Hệ quả lý tưởng nhất là cuộc khủng hoảng sẽ mang lại những cam kết mới trong việc xây dựng trật tự quốc tế mạnh mẽ hơn, giống như thảm họa từ Thế chiến II đã dẫn đến các thỏa thuận thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và dân chủ trong gần ba phần tư thế kỷ.
Một sự thay đổi như vậy sẽ bao gồm các dự án hợp tác lớn hơn để theo dõi sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm và giải quyết hậu quả của chúng, cũng như việc sẵn sàng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đặt ra các quy tắc cho không gian mạng, hỗ trợ các nhóm người bị buộc phải di cư, giải quyết tình trạng phổ biến hạt nhân và vấn đề khủng bố.
Tuy nhiên, vẫn có khả năng mọi chuyện sẽ không diễn ra theo đúng như các tiền lệ trong quá khứ. Thế giới ngày nay đơn giản không dễ tuân theo khuôn khổ. Quyền lực được phân phối cho nhiều bên hơn bao giờ hết, cả chủ thể quốc gia lẫn phi quốc gia, khiến việc đạt được đồng thuận chung khó khăn hơn. Các công nghệ và thách thức mới cũng đã vượt qua khả năng kiểm soát của số đông.
Không một quốc gia đơn lẻ nào thích một trật tự siêu cường mà nước Mỹ đã kiến tạo vào năm 1945. Trong khi đó, việc kêu gọi người dân Mỹ nhìn nhận nhiệm vụ giải quyết những vấn đề toàn cầu đó như một trọng tâm của chính sách đối ngoại sẽ tiếp tục là một cuộc mặc cả dai dẳng.
Vì thế, có thể thế giới hậu đại dịch sẽ không diễn ra giống giai đoạn sau Thế chiến II mà lại giống giai đoạn sau Thế chiến I: Một kỷ nguyên mà sự can dự của Mỹ ngày càng giảm và biến động quốc tế gia tăng. Phần còn lại, sẽ tuân theo các quy luật của lịch sử như mọi người đã biết.
* TS Richard Haass là Chủ tịch tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, đã có bài viết “Đại dịch sẽ tiếp tục thúc đẩy lịch sử thay vì định hình lại nó” xuất bản trên Tạp chí Foreign Affair chuyên về các vấn đề quốc tế của Mỹ.
Richard Haass*
Số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ cũng đã nhiều hơn Italia.
Nguồn: [Link nguồn]