Toàn cảnh lễ nhậm chức khác biệt của ông Biden

Lễ nhậm chức của ông Joe Biden sẽ diễn ra với nhiều điểm khác biệt trong bối cảnh dịch bệnh lây lan và tình trạng bất ổn gia tăng.

Ngày 20-1 (giờ địa phương), ông Joe Biden sẽ chính thức làm lễ nhậm chức tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Công tác chuẩn bị đã được các cơ quan chuyên trách thực thi nhằm đảm bảo buổi lễ diễn ra tốt đẹp nhất. Trong bối cảnh nước Mỹ đang chìm trong bất ổn cùng với việc đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, sự kiện này hứa hẹn sẽ là một trong những lễ nhậm chức đặc biệt nhất trong lịch sử.

Quang cảnh buổi tổng duyệt lần cuối lễ nhậm chức của Tổng thống tân cử Joe Biden vào ngày 18-1. Ảnh: AP

Quang cảnh buổi tổng duyệt lần cuối lễ nhậm chức của Tổng thống tân cử Joe Biden vào ngày 18-1. Ảnh: AP

Lễ nhậm chức sẽ diễn ra như thế nào?

Theo đài NPR, lễ nhậm chức sẽ bắt đầu khoảng 11 giờ 30 trưa 20-1 (23 giờ 30 khuya 20-1 theo giờ Việt Nam) ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Buổi lễ sẽ được mở đầu bằng màn hòa tấu do dàn quân nhạc thủy quân lục chiến Mỹ biểu diễn. Tiếp theo, linh mục Leo J. O’Donovan sẽ bắt đầu lễ cầu nguyện để cầu chúc may mắn cho chính quyền mới.

191.500 

lá cờ, đại diện cho số người dân Mỹ không thể đến tham dự trực tiếp lễ nhậm chức của ông Biden, sẽ được ban tổ chức dựng lên ở công viên quốc gia National Mall. 56 ngọn đèn tượng trưng cho toàn bộ các tiểu bang và lãnh thổ thuộc Mỹ cũng sẽ được lắp đặt và thắp sáng khi buổi lễ diễn ra.  

Kế đến là nghi thức tuyên thệ của tân phó tổng thống và tân tổng thống. Bà Kamala Harris dự kiến là người tuyên thệ đầu tiên trước sự chứng kiến của thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor, theo sau là ông Biden trước sự chứng kiến của Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts. Theo truyền thống, nghi thức tuyên thệ kết thúc đúng 12 giờ trưa.

Sau khi bà Harris và ông Biden tuyên thệ xong, pháo binh sẽ bắn 21 phát đại bác để đánh dấu nhiệm kỳ mới chính thức bắt đầu. Ông Biden sẽ có bài phát biểu nhậm chức quan trọng, trong đó ông công bố chương trình nghị sự sắp tới và làm rõ tầm nhìn lãnh đạo của ông đối với cộng đồng quốc tế.

NPR cho hay nội dung chi tiết về bài phát biểu của ông Biden hiện vẫn đang được giữ kín nhưng một nhân viên giấu tên tiết lộ ông Biden sẽ thể hiện quyết tâm “đánh bại đại dịch, xây dựng đất nước tốt đẹp trở lại và hàn gắn chia rẽ quốc gia”. Một số phát ngôn nổi danh của các tổng thống trước đây dự kiến cũng sẽ được trích dẫn trong bài phát biểu nhậm chức này, như câu nói của cựu tổng thống John F. Kennedy: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước”.

Kết thúc bài diễn văn nhậm chức, ông Biden chuyển sang khởi động nghi thức duyệt đội danh dự - truyền thống lâu đời giúp tân tổng thống đánh giá năng lực quân đội.

Cuối cùng, ông Biden, bà Harris cùng một số cựu tổng thống khác như ông Barack Obama, ông George W. Bush và ông Bill Clinton cùng phu nhân của họ sẽ tới Nghĩa trang quốc gia Arlington để đặt vòng hoa viếng mộ các chiến sĩ vô danh. Từ đây, ông Biden sẽ được một đội danh dự khác gồm đại diện của toàn bộ quân chủng Mỹ hộ tống đến Nhà Trắng.

Nhiều điểm khác biệt cần lưu ý

Về người tham dự, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 người có mặt tại buổi lễ, đa phần là các quan chức, nghị sĩ và khách mời. Thông thường, mọi sự kiện nhậm chức trước sẽ có khoảng 200.000 vé mời phát ra để người dân cùng tham gia nhưng năm nay thì không, do đại dịch COVID-19. Thay vào đó, người dân được khuyến cáo theo dõi lễ nhậm chức trên truyền hình, không tụ tập gần nơi tổ chức gây bất ổn an ninh cũng như dễ lây lan dịch bệnh.

Theo thông lệ, tổng thống mãn nhiệm và các cựu tổng thống khác sẽ ngồi phía sau tân tổng thống, tượng trưng cho việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Sau khi tân tổng thống hoàn thành bài phát biểu nhậm chức thì người này còn sẽ có nghi thức tiễn người tiền nhiệm lên trực thăng rời thủ đô.

Tuy nhiên, theo thông tin được biết đến lúc này thì Tổng thống Donald Trump sẽ không tới dự lễ nhậm chức của ông Biden, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ đi thay. Thay vào đó, ông Trump sẽ rời Nhà Trắng vào sáng 20-1 (giờ địa phương) và dự lễ chia tay tại căn cứ không quân Andrews gần thủ đô Washington, D.C.

Trước ông Trump chỉ có hai tổng thống là ông Andrew Johnson (nhiệm kỳ 1865-1869) và ông Woodrow Wilson (nhiệm kỳ 1913-1921) không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

Những hoạt động vui chơi sau lễ nhậm chức năm nay cũng bị giới hạn quy mô do lo ngại về tình hình dịch và an ninh. Lễ diễu hành truyền thống từ tòa nhà Quốc hội đến Nhà Trắng bị hủy, thay thế bằng chương trình ca nhạc được phát trực tiếp trên cổng thông tin chính thức của buổi lễ.

Kế hoạch hành động trong 10 ngày đầu tiên của ông Biden

Đài ABC mới đây dẫn lời ông Ron Klain, Chánh văn phòng Nhà Trắng sắp tới, cho biết ông Biden sẽ lập tức thực thi một loạt kế hoạch trong 10 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức. Trong kế hoạch hành động này có việc ông Biden sẽ công bố dự luật nhập cư mới, mở ra cơ hội trở thành công dân Mỹ cho khoảng 11 triệu người nhập cư không giấy tờ.

Chính sách nới lỏng nhập cư của ông Biden đang tạo điều kiện cho dòng người di cư mới hướng về Mỹ. Tính đến ngày 18-1, theo giới chức Guatemala, khoảng 9.000 người di cư đến từ Honduras đã băng qua biên giới của họ, bất chấp những nỗ lực ngăn cản của nhà chức trách. Hiện dòng người này đang hướng về biên giới Mexico - Mỹ. Bộ Ngoại giao Mexico đang đề nghị các chính quyền địa phương ngăn chặn đoàn người để tránh lây lan dịch COVID-19.

Ảnh: Người ủng hộ ông Trump cầm súng xuống đường trước lễ nhậm chức của ông Biden

Những người ủng hộ ông Trump với nhiều loại súng khác nhau đã bắt đầu tràn ra đường phố ở thủ phủ các bang trên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN