Toàn cảnh đụng độ Armenia - Azerbaijan và hậu quả nếu xung đột tiếp diễn
Một đợt bùng phát mới và nguy hiểm của cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ đã nổ ra giữa Azerbaijan và Armenia liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Hai vấn đề được quan tâm nhất hiện nay trong đụng độ là hậu quả nếu xung đột tiếp diễn và quốc gia nào giữ vai trò then chốt để giải quyết đụng độ.
Nguồn: Bộ Quốc phòng Azerbaijan
Tờ ABC hôm 29/9 đưa tin, đợt bùng phát xung đột mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan đã khiến nhiều dân thường và binh sĩ thiệt mạng dù con số mà mỗi bên đưa ra không thống nhất.
Cả Armenia và Azerbaijan đều đổ lỗi cho bên kia tấn công trước và các cuộc pháo kích vẫn diễn ra hôm 28/9.
"Đây là một cuộc chiến sinh tử", Arayik Harutyunyan, nhà lãnh đạo Nagorno-Karabakh - khu vực được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Azerbaijan nhưng hiện do Armenia kiểm soát.
Vậy Nagorno-Karabakh là khu vực như thế nào? Những bên nào tham gia và liên quan tới cuộc đụng độ mới nhất? Tại sao bạo lực lại bùng phát trở lại và có cách nào để ngăn nó leo thang thành chiến tranh toàn diện? Bài phân tích trên tờ ABC (Úc) sẽ giúp độc giả lần lượt giải đáp các thắc mắc này.
Nagorno-Karabakh là khu vực như thế nào?
Bản đồ vị trí của khu vực Nagorno-Karabakh (màu cam), Armenia (màu xám) và Azerbaijan (màu xanh dương). Ảnh: ABC News
Đây là một vùng đất đầy rừng núi có diện tích khoảng 4.400 km vuông, nằm bên trong và được luật pháp quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.
Giới chức Azerbaijan được trao quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh dưới thời Liên Xô cũ, nhưng phần lớn dân số ước tính khoảng 150.000 người trong khu vực này lại là người Armenia và họ không đồng thuận với sự nắm quyền của Azerbaijan.
Điều này dẫn tới một loạt các cuộc đụng độ và động thái ly khai từ Nagorno-Karabakh để trở thành một phần chính thức của Armenia. Tuy điều này chưa xảy ra, nhưng Nagorno-Karabakh đã tự điều hành công việc trong khu vực với sự giúp đỡ của Armenia kể từ khi quân đội Azerbaijan bị đẩy lùi trong cuộc chiến ở những năm 1990. Các lực lượng vũ trang của Armenia cũng chiếm giữ những phần lãnh thổ rộng lớn tiếp giáp với Nagorno-Karabakh.
Nagorno-Karabakh tồn tại gần như hoàn toàn nhờ hỗ trợ ngân sách từ Armenia và sự đóng góp từ cộng đồng người Armenia trên toàn thế giới.
Bao nhiêu người đã thiệt mạng?
Binh sĩ Azerbaijan bắn súng cối trong đụng độ với quân đội Armenia. Ảnh: AP
Kể từ khi đụng độ bắt đầu vào cuối tuần trước, Armenia và Azerbaijan đã tấn công lẫn nhau bằng tên lửa và pháo trong cuộc xung đột khốc liệt nhất trong hơn một phần tư thế kỷ.
Các quan chức quân sự Azerbaijan tuyên bố con số thương vong của Armenia là 550 binh sĩ nhưng Armenia phủ nhận điều này. Về phía mình, giới chức Azerbaijan cho biết có 9 dân thường thiệt mạng và 32 người khác bị thương.
Theo Bộ Quốc phòng Armenia, khoảng 200 binh sĩ nước này bị thương nhưng hầu hết chỉ là vết thương nhẹ và đã trở lại chiến tuyến không lâu sau khi được điều trị.
Quan chức ở Nagorno-Karabakh cho biết 58 binh sĩ trong khu vực đã thiệt mạng, cùng với 2 dân thường - một cụ bà và cháu nhỏ.
Trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan hồi tháng 4/2016, ít nhất 200 người đã bỏ mạng.
Tại sao xung đột bùng phát?
Căng thẳng giữa 2 bên đã gia tăng trong mùa hè năm nay và bùng phát thành các cuộc đụng độ trực tiếp hôm 27/9.
Thời điểm xung đột bùng phát rất nhạy cảm khi các cường quốc bên ngoài từng đứng ra làm trung gian, như Nga, Pháp và Mỹ đang bị phân tán do đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và hàng loạt cuộc khủng hoảng từ Lebanon tới Belarus.
Các cuộc đụng độ nhỏ hơn vào tháng 7/2020 hầu như bị bỏ qua và chỉ nhận lại sự im lặng từ thế giới.
Armenia và Azerbaijan dĩ nhiên là các bên trực tiếp tham gia cuộc đụng độ. Nhưng đứng sau họ còn có các quốc gia khác. Nga được cho là có một liên minh quốc phòng với Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã ủng hộ Azerbaijan.
Hồi tháng 7 và tháng 8, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự lớn với Azerbaijan và thể hiện rõ sự hỗ trợ của nước này với Azerbaijan trong các sự kiện trước đây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ sát cánh cùng Azerbaijan "bằng mọi nguồn lực và trái tim".
Armenia cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho Azerbaijan các chuyên gia quân sự, máy bay không người lái và chiến đấu cơ. Tuy nhiên, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều bác bỏ cáo buộc này.
Azerbaijan tuyên bố điều động quân sự một phần vào ngày 28/9 sau khi tuyên bố thiết quân luật một ngày trước đó.
Armenia và Nagorno-Karabakh cũng tuyên bố thiết quân luật và huy động nam giới hôm 27/9. Nam giới trên 18 tuổi ở Armenia bị cấm rời khỏi đất nước.
Hậu quả gì xảy ra nếu xung đột vẫn tiếp diễn?
Một ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc đụng độ mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan. Ảnh: AP
Kể từ năm 1988, khoảng 30.000 người đã thiệt mạng trong các lần bùng phát bạo lực tương tự giữa Armenia và Azerbaijan.
Cả hai bên đều có các con số thương vong khác nhau trong cuộc xung đột mới nhất nhưng rõ ràng là có hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Olesya Vartanyan, nhà phân tích khủng hoảng ở nam Caucasus, cho biết có sự tăng cường triển khai các vũ khí hạng nặng như tên lửa và pháo tới khu vực biên giới hôm 28/9.
Điều đó làm tăng nguy cơ khiến dân thường thiệt mạng và hai bên khó tránh khỏi một cuộc chiến tranh tổng lực và toàn diện.
Bất kỳ động thái nào tiến tới một cuộc chiến toàn diện đều có thể kéo các cường quốc như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ tham gia. Các cuộc đụng độ tiếp theo có thể gây bất ổn trong khu vực, vốn là hành lang quan trọng cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt.
"Chúng tôi chưa từng thấy điều gì như thế này kể từ khi ngừng bắn sau cuộc chiến trong những năm 1990. Giao tranh đang diễn ra dọc các phần của chiến tuyến", bà Vartanyan nói.
Quốc gia nào đóng vai trò then chốt, chấm dứt đụng độ?
Một số quốc gia, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, đã kêu gọi ngừng bắn nhưng cho đến nay vẫn chưa bên nào hạ vũ khí hoặc cho thấy thiện chí sẵn sàng đối thoại.
Nga là nước có khả năng chấm dứt đụng độ giữa các bên. Moscow có hiệp ước phòng thủ chung với Armenia và đặt căn cứ quân sự ở đó, nhưng cũng có quan hệ tốt với Azerbaijan và sẽ không có lợi ích nào nếu xung đột lan rộng.
Nếu chính sách ngoại giao của Nga thành công, Moscow sẽ nhận được nhiều lời khen ngợi vì nỗ lực giúp chấm dứt đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia hôm 28/9. Chưa rõ ông Putin có trao đổi với người đồng cấp Ilham Aliyev của Azerbaijan hay không.
Iran, quốc gia láng giềng với cả Armenia và Azerbaijan, cũng kêu gọi các bên bình tĩnh.
Mỹ, Pháp và Nga được coi là các quốc gia đảm bảo cho tiến trình hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan, dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu có cơ sở tại Vienna, thủ đô của Áo.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan đã trải qua ngày thứ 2 với nhiều thương vong và tình hình ngày càng ác liệt. Theo các chuyên...
Nguồn: [Link nguồn]