Toàn cảnh đợt căng thẳng biên giới Trung - Ấn "chết chóc" nhất trong 4 thập kỷ
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đêm 15/6 đã đụng độ trong một cuộc xung đột chết chóc nhất sau 45 năm. Theo truyền thông Ấn Độ, 20 quân nhân nước này thiệt mạng trong vụ xung đột, trong khi thương vong phía Trung Quốc là 43 binh lính. Vụ đụng độ mới nhất đã đẩy quan hệ song phương giữa 2 cường quốc hạt nhân đến mức thấp nhất.
Căng thẳng gần đây xuất hiện tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh minh họa: Dunya News
Tờ Hindustan Times hôm 17/6 đăng tải bài viết thống kê các mốc thời gian quan trọng của đợt căng thẳng biên giới Trung - Ấn mới nhất, đưa ra cái nhìn toàn cảnh về vụ việc.
Ngày 5 và 6/5: Cuộc đụng độ dữ dội xảy ra giữa lực lượng tuần tra biên giới Ấn Độ và Trung Quốc tại bờ phía bắc hồ Pangong Tso, thuộc khu vực biên giới Ladakh. Binh sĩ 2 bên ẩu đả, ném đá vào nhau. Lính Trung Quốc được cho là tấn công binh sĩ Ấn Độ bằng gậy có gắn đinh. Hàng chục binh sĩ (của cả 2 nước) bị thương trong cuộc đụng độ với sự tham gia của 250 người.
Ngày 9/5: Căng thẳng lan sang khu vực biên giới phía đông. Cuộc đối đầu nảy lửa giữa 150 binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Naku La, phía bắc bang Sikkim, Ấn Độ. Cuối cùng, 4 binh sĩ Ấn Độ và 7 lính Trung Quốc bị thương.
Ngày 10/5: Quân đội Ấn Độ xác nhận vụ đối đầu ở Naku La, cho rằng hành vi hung hăng của binh sĩ dẫn tới đụng độ khiến nhiều người bị thương ở cả 2 bên. Ngoài ra, quân đội Ấn Độ còn xác nhận thêm vụ đụng độ ở hồ Pangong Tso.
Ngày 12/5: Nhiều nguồn tin về căng thẳng biên giới liên quan tới quá trình xây dựng ở thung lũng Galwan xuất hiện. Trong một tuyên bố, quân đội Ấn Độ nhắc lại "những cuộc đối đầu và hành vi hung hăng" xảy ra dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) với Trung Quốc vì bất đồng về ranh giới.
Ngày 19/5: Khi căng thẳng sôi sục ở hồ Pangong Tso và thung lũng Galwan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc binh sĩ Ấn Độ vượt qua đường LAC, nhấn mạnh Bắc Kinh phải thực hiện "các biện pháp đối phó cần thiết" sau khi Ấn Độ được cho là cản trở hoạt động tuần tra thường ngày của binh lính Trung Quốc.
Ngày 21/5: Ấn Độ phản đối mạnh mẽ tuyên bố của Trung Quốc khi cho rằng căng thẳng ở Ladakh và Sikkim là do binh sĩ Ấn Độ khơi mào. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết các hoạt động của binh sĩ Ấn Độ hoàn toàn diễn ra trên lãnh thổ của nước này và chính binh lính Trung Quốc mới là người cản trở các cuộc tuần tra của Ấn Độ.
Ngày 22/5: Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ, ông Manoj Mukund Naravane đã có chuyến thăm quan trọng tới trụ sở của Quân đoàn 14, đặt tại thị trấn Leh, thuộc vùng Ladakh để xem xét tình hình an ninh của khu vực nhạy cảm này. Việc tăng cường quân đội và hoạt động quân sự được cả Trung Quốc và Ấn Độ thực hiện tại đây.
Ngày 25/5: Trung Quốc tăng cường 5.000 binh sĩ tới khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ ở Ladakh. New Delhi cũng có động thái tương tự.
Ngày 27/5: Tướng quân đội cấp cao Ấn Độ thảo luận các vấn đề an ninh bao gồm căng thẳng biên giới với Trung Quốc ở phía đông Ladakh, nơi binh sĩ Ấn Độ và lính Trung Quốc đụng độ nhau ở nhiều điểm.
Ngày 30/5: Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết New Delhi và Bắc Kinh đang đối thoại ở cấp độ ngoại giao và quân sự nhằm giải quyết bế tắc, nhấn mạnh Ấn Độ sẽ không để niềm tự hào bị tổn thương.
Ngày 2/6: Trong sự thừa nhận chính thức đầu tiên về việc tăng cường quân đội dọc biên giới với Trung Quốc, Bộ trưởng Rajnath cho biết một lượng đáng kể lính Trung Quốc đã hiện diện dọc đường LAC và quân đội Ấn Độ cũng đang có điều chỉnh tương tự trước động thái quân sự của "người hàng xóm".
Ngày 6/6: Trong một cuộc họp hiếm hoi giữa các sĩ quan quân đội cấp cao 2 nước, Trung tướng Harinder Singh, tư lệnh quân đoàn 14 của Ấn Độ, và Thiếu tướng Liu Lin, tư lệnh quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc ở khu vực miền nam Tân Cương, đã cùng thảo luận kết hoạch "xuống thang" căng thẳng.
Ngày 9/6: Giới chức quân đội Ấn Độ cho biết Trung Quốc bắt đầu rút binh lính khỏi 3 điểm nóng dọc đường LAC. Đáp lại, Ấn Độ cũng thu quân khỏi 3 điểm nóng này.
Ngày 10/6: Các phái đoàn Ấn Độ và Trung Quốc, dẫn đầu bởi các sĩ quan cấp tướng, gặp mặt tại Điểm tuần tra 14 thuộc khu vực thung lũng Galwan nhằm giải quyết các cuộc đối đầu tại một số điểm nóng dọc LAC. Đây là lần đàm phán thứ 4 của các tướng 2 sao để phá vỡ bế tắc.
Ngày 12/6: Sĩ quan cấp tướng của 2 nước gặp nhau lần thứ 5 để thảo luận về kế hoạch "xuống thang" căng thẳng và "hạ nhiệt" đối đầu biên giới. Trung Quốc được cho là đã triển khai tại các khu vực giáp biên giới khoảng 8.000 lính, xe tăng, súng, pháo, chiến đấu cơ, lực lượng tên lửa và radar phòng không.
Ngày 13/6: Chỉ huy quân đội Ấn Độ cho biết việc binh sĩ 2 bên rút lui đang diễn ra theo giai đoạn dọc theo đường LAC với Trung Quốc. Tình hình tại khu vực biên giới đã "trong tầm kiểm soát".
Ngày 15/6: Các phái đoàn quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục tổ chức thảo luận. Các cuộc đối thoại diễn ra tại 2 địa điểm dọc đường LAC: thung lũng Galwan và Hot Springs. Tối 15/6, cuộc đụng độ đẫm máu nhất sau 45 năm đã diễn ra giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Cả 2 bên đều chịu thương vong (Ấn Độ: 20 binh sĩ thiệt mạng, Trung Quốc: 43 binh lính thương vong).
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng cả hai bên đều ghi nhận thương vong trong cuộc đụng độ biên giới và không có một tiếng...