Tổ chức SCO kết nạp quốc gia đồng minh Nga: Điện Kremlin lên tiếng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Belarus trở thành nước thành viên thứ 10 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Quốc thành lập.

Các lãnh đạo SCO nhóm họp ở Astana, Kazakhstan trong hai ngày 3 - 4/7/2024.

Các lãnh đạo SCO nhóm họp ở Astana, Kazakhstan trong hai ngày 3 - 4/7/2024.

Belarus đã chính thức trở thành nước thành viên của SCO - tổ chức an ninh và hợp tác kinh tế Á-Âu chiếm hơn 20% GDP toàn cầu, theo RT.

Các văn kiện kết nạp thành viên mới đã được các bên ký kết trong lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh của tổ chức tại Astana, Kazakhstan vào ngày 4/7.

Thông báo kết nạp Belarus được Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đưa ra. Ông Tokayev hiện đang giữ vai trò là Chủ tịch SCO năm 2024.

Ông Tokayev nói Belarus "đã hoàn thành tất cả các thủ tục cần thiết để trở thành nước thành viên chính thức của SCO trong thời gian ngắn".

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chào mừng Belarus gia nhập SCO. Ông Peskov mô tả Belarus là "đồng minh rất quan trọng của Nga". "Việc Belarus gia nhập tổ chức là một bước tiến lớn đối với SCO. Kết nạp thêm Belarus cũng đem lại lợi ích cho tổ chức", ông Peskov nói.

Ông Peskov cũng không loại trừ khả năng có thêm thành viên mới gia nhập SCO. "Sự mở rộng của SCO là từng bước và cần thời gian. Rất nhiều quốc gia đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập SCO", ông Peskov nói, cho biết vấn đề này cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh SCO ở Kazakhstan.

Tuy vậy, Tổng thư ký SCO Zhang Ming nói kết nạp thành viên mới hiện không phải ưu tiên của tổ chức. "Chúng tôi đã nhận được đơn từ một số quốc gia để trở thành đối tác đối thoại của SCO. Các đối tác của tổ chức cũng muốn được trở thành quan sát viên. Tất cả sẽ được được thảo luận trong khuôn khổ hoạt động của tổ chức".

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng mô tả SCO là “một trong những trụ cột chính của trật tự thế giới đa cực và công bằng”, lưu ý rằng việc mở rộng SCO sẽ giúp củng cố vai trò của tổ chức trong vấn đề này, theo RT.

SCO được Nga và Trung Quốc thành lập năm 2001 với 5 nước thành viên. Tính đến nay, SCO có 10 nước thành viên gồm Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Pakistan, Tajikistan, Uzbekistan và Belarus.

Mục tiêu của tổ chức là tăng cường quan hệ giữa các quốc gia thành viên, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và giáo dục. Trong những năm qua, SCO cũng tập trung đối phó chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ly khai ở các nước thành viên.

Hôm 3/7, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko mô tả tư cách thành viên SCO là một "quan điểm chiến lược" đối với quốc gia, đặc biệt là về phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng. Ông Lukashenko nhấn mạnh SCO "về bản chất là một tổ chức sáng tạo và không nhắm tới bất kỳ quốc gia nào".

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói Moscow quan tâm đến việc hành động "như một mặt trận thống nhất" với Belarus trong quan hệ quốc tế. "Tôi nghĩ mọi thứ đang đi đúng hướng , ông Lavrov nói thêm, theo RT.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc và Nga nên tiếp tục bảo tồn giá trị độc đáo và khám pháđộng lực nội tại của quan hệ hợp tác song phương, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh của  Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Astana, Kazakhstan hôm 3/7.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - RT ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN