Tính toán của Iran khi tung đòn trả đũa tên lửa vào Israel
Iran đã tính toán cẩn trọng khi quyết định tung đòn trả đũa - nã hàng loạt tên lửa đạn đạo vào Israel.
Sau một thời gian im lặng, tối 1-10, Tehran đã nã hàng loạt tên lửa đạn đạo vào Israel. Quyết định này được đưa ra sau nhiều ngày tính toán, tranh luận gay gắt trong giới lãnh đạo Iran. Các chỉ huy quân sự cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thuyết phục Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei rằng đây là lựa chọn duy nhất để thể hiện sức mạnh của Iran, tờ The New York Times dẫn lời ba quan chức Iran cho hay.
Iran tuyên bố đanh thép sau đòn trả đũa
IRGC cho biết đã bắn 200 tên lửa trong cuộc tấn công này, nhắm vào ba căn cứ quân sự là Nevatim, Hatzerim, Tel Nof cũng như trụ sở của cơ quan tình báo Israel Mossad.
IRGC tuyên bố rằng mình thực hiện cuộc tấn công này nhằm đáp trả việc Israel giết hại nhiều thành viên cấp cao của Iran và các lực lượng ủy nhiệm, bao gồm lãnh đạo chính trị Hamas - ông Ismail Haniyeh, lãnh đạo Hezbollah - ông Hassan Nasrallah, Phó chỉ huy Lực lượng IRGC - ông Abbas Nilforoushan.
Ngay sau đòn tấn công, IRGC đã cảnh báo rằng nếu Israel trả đũa, Tehran sẽ “nghiền nát và phá hủy” Israel.
Iran nã tên lửa đạn đạo vào Israel hôm 1-10. Nguồn: THE NEW YORK TIMES
Về phần mình, Lực lượng Phòng vệ Israel ước tính sơ bộ Iran đã bắn khoảng 180 tên lửa vào Israel. Theo lực lượng Israel, phần lớn tên lửa này đã bị Israel cùng với sự giúp đỡ của đồng minh, đứng đầu là Mỹ, đánh chặn. Sau cuộc tấn công, báo đài Israel đưa tin một số địa phương nước này đã ghi nhận một vài thương vong do mảnh vỡ tên lửa rơi trúng.
Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu tuyên bố Iran đã “phạm một sai lầm lớn” khi tấn công Israel và “sẽ phải trả giá đắt”. Ông Netanyahu nói rằng Iran không hiểu được quyết tâm của Israel trong việc tự vệ và trả đũa đối thủ, đồng thời khẳng định nước này sẽ tấn công kẻ thù ở bất cứ nơi nào tại Trung Đông, như ở Gaza, Lebanon, Iran, Iraq, Syria, Yemen, đài Al Jazeera đưa tin.
Iran tính toán gì khi ra đòn trả đũa Israel?
Khác với đợt tập kích UAV và tên lửa hồi tháng 4 để trả đũa vụ Đại sứ quán Iran ở Syria bị không kích mà Iran cho Israel là thủ phạm, lần này, Iran hầu hết sử dụng tên lửa, gồm tên lửa đạn đạo và siêu thanh, thậm chí có những tên lửa tiên tiến nhất mà Iran chưa dùng trước đây như Fattah tạo màn “mưa tên lửa” dội hàng loạt vào một số mục tiêu cụ thể để làm quá tải hệ thống phòng không Israel.
Trong vụ tập kích hồi tháng 4, Israel nói rằng đã đánh chặn được 99% số vũ khí này của Iran. Còn đợt tấn công lần này, IRGC khẳng định 90% tên lửa đã bắn trúng mục tiêu, dù Israel nói rằng đã đánh chặn được phần lớn tên lửa. Giới quan sát, như ông Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, cũng khẳng định rằng dường như có nhiều tên lửa hơn đã lọt lưới phòng không và trúng nhiều mục tiêu hơn đợt tấn công hồi tháng 4.
Nhiều tên lửa của Iran bị Israel đánh chặn, rơi xuống miền trung, miền nam Israel và Bờ Tây. Ảnh: AFP
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS. Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh chính trị quốc tế ĐH New South Wales (Úc), cho rằng với quy mô và các loại tên lửa, phần lớn là tên lửa siêu thanh, mà Iran dùng thì có thể thấy đây không phải là một động thái trả đũa "xuề xòa cho có" nhưng cũng không hẳn là một động thái nhằm leo thang căng thẳng.
Theo ông Phương, Iran không muốn leo thang căng thẳng và bị kéo vào cuộc xung đột trực diện với Israel bởi nước này đang ở thế bất lợi khi gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế, khi vướng một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Chưa kể, nếu chiến tranh lan rộng, Iran sẽ có thể phải đối đầu với Mỹ - đồng minh thân cận nhất và là nguồn hỗ trợ vũ khí và tài chính lớn của Israel.
Còn bà Negar Mortazavi, thành viên cấp cao của Trung tâm Chính sách Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho rằng nếu Iran không phản ứng với các hành động leo thang gần đây của Israel, như ám sát nhiều lãnh đạo cấp cao của các lực lượng thân Iran và mở chiến dịch trên bộ tại Lebanon, thì Israel sẽ tiếp tục tiến tới và gia tăng tấn công. Do đó, để chặn đứng sự quá tự tin của Israel, Iran ý thức điều cần thiết là phải khẩn trương răn đe nước này để xoay chuyển, hoặc ít nhất là làm chậm lại làn sóng tấn công của Israel vào Hezbollah.
Với đòn trả đũa lần này, Iran đã chứng minh rằng nước này không hề yếu đuối, đồng thời tái khẳng định uy thế với các đồng minh như Hamas, Hezbollah, Houthis với tư cách là lãnh đạo “Trục Kháng chiến”.
Viễn cảnh căng thẳng Iran - Israel
Những diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào mức độ phản ứng của Israel sau vụ bị Iran tập kích tên lửa. Theo ThS Nguyễn Thế Phương, kịch bản có thể xảy ra nhất là Iran thỉnh thoảng sẽ bắn một loạt tên lửa vào Israel, như những gì Iran đã làm như trong vụ việc vừa qua và sẽ dừng lại ở đó, chỉ làm hệ thống phòng không Israel quá tải chứ không đẩy căng thẳng lên cao bùng lên thành xung đột.
Theo học giả này, Israel sẽ tiếp tục có những động thái khiêu khích Iran, chẳng hạn như mở chiến dịch trên bộ hạn chế vào Lebanon để phá hủy cơ sở hạ tầng và tiêu diệt lực lượng Hezbollah, nhằm buộc Iran nhúng tay vào xung đột. Tuy nhiên, trước những hành động đó, Iran vẫn sẽ kiềm chế vì xét cho cùng, năng lực và vị thế của Iran không cho phép một cuộc đối đầu xảy ra. Đó là một trong những lý do mà ông Phương cho rằng viễn cảnh chiến tranh khu vực sẽ khó có thể xảy ra.
Tên lửa Iran bị đánh chặn ở Ashkelon (Israel) hôm 1-10. Ảnh: REUTERS
Giới quan sát cho rằng hiện nay Israel có nhiều sự lựa chọn đáp trả hơn so với tháng 4, vì về cơ bản không còn mối đe dọa nào từ việc Hezbollah sẽ nhúng tay vào. Ông Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran tại tổ chức nghiên cứu International Crisis Group, cho rằng có nguy cơ cao Israel sẽ tấn công vào cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran vì lá chắn phòng thủ của Iran - là Hezbollah đã bị đe dọa.
Theo ông Vaez, với việc hôm 30-9 Mỹ tuyên bố điều thêm vài nghìn quân tới Trung Đông để tăng cường an ninh cho 40.000 quân Mỹ hiện đang có mặt trong khu vực cũng như hỗ trợ bảo vệ Israel, Israel có thể sẽ coi đây là cơ hội ngàn năm có một để giải quyết mối đe dọa lớn trong vài thập niên qua - là Iran.
Chuyên gia này cho rằng bất kể Israel có nhắm vào cơ sở hạ tầng hạt nhân hay các cơ sở quân sự của Iran hay không thì một phản ứng gay gắt và mạnh mẽ của Israel vẫn có thể khiến chiến tranh lan rộng.
Phản ứng các nước sau đòn tập kích tên lửa của Iran vào Israel Ngày 1-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết quân đội Mỹ "tích cực hỗ trợ" cho việc phòng thủ của Israel. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng chia sẻ rằng các tàu khu trục Mỹ đã cùng Israel bắn hạ các tên lửa Iran sau khi cùng lên kế hoạch tỉ mỉ để chuẩn bị cho cuộc tấn công. Cùng ngày, tân Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba lên án cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel, nói rằng điều này là "không thể chấp nhận được" đồng thời ủng hộ những nỗ lực nhằm tránh leo thang căng thẳng trong khu vực. Các quan chức cấp cao của Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Thủ tướng Pháp Michel Barnier, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Annalena Baerbock, cũng đã lên án động thái này của Iran và cảnh báo khu vực sẽ rơi vào vòng xoáy tấn công và trả đũa nguy hiểm có nguy cơ vượt tầm kiểm soát và lan rộng thành chiến tranh khu vực. |
Nguồn: [Link nguồn]
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là lực lượng quân sự có sức mạnh và vị thế chính trị ở Trung Đông, có nhiệm vụ chính là loại trừ các mối đe dọa...