Tính toán của Hamas khi tấn công Israel thời điểm này

Các cựu quan chức Mỹ và chuyên gia cho rằng Hamas và những người ủng hộ họ ở Iran tận dụng sự chia rẽ chính trị ở Israel và muốn làm chệch hướng tiến trình đàm phán lịch sử đang diễn ra giữa Ả-rập Xê-út, Israel và Mỹ.

Một con phố ở Dải Gaza tan hoang sau khi bị Israel tấn công trả đũa ngày 7/10. (Ảnh: Getty)

Một con phố ở Dải Gaza tan hoang sau khi bị Israel tấn công trả đũa ngày 7/10. (Ảnh: Getty)

Đợt tấn công chưa từng có của Hamas nhằm vào Israel xảy ra vào thời điểm Israel đang đối mặt với sự chia rẽ chính trị nghiêm trọng trong nước, bạo lực ngày càng gia tăng ở Bờ Tây và các cuộc đàm phán cấp cao đang diễn ra giữa Israel, Ả-rập Xê-út và Mỹ.

Sau khi tấn công khiến hơn 200 người Israel thiệt mạng và bắt hàng chục người Israel làm con tin, Hamas tuyên bố họ làm như vậy để trả thù một loạt hành động gần đây của Israel nhằm vào nhà thờ Hồi giáo Al Asqa ở Jerusalem và ở Bờ Tây.

Tuy nhiên, các cựu quan chức tình báo và quân sự Mỹ cho rằng thời điểm xảy ra cuộc tấn công của Hamas lần này chủ yếu nhằm làm gián đoạn tiến trình đàm phán giữa Israel và Ả-rập Xê-út, khi Riyadh có vẻ sắp đi một bước lịch sử nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel.

Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis, cựu chỉ huy NATO, cho rằng Iran đứng sau vụ tấn công này, để "gây áp lực lên kẻ thù không đội trời chung của họ là Israel".

Trong cuộc trả lời phỏng vấn NBC News tháng trước, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói: “Chúng tôi phản đối bất kỳ mối quan hệ song phương nào giữa các nước trong khu vực của chúng tôi và chế độ Do Thái”, ám chỉ Israel.

“Chúng tôi tin rằng chế độ Do Thái đang có ý định bình thường hóa quan hệ song phương với các nước trong khu vực để tạo ra sự bảo đảm an ninh cho chính họ ”, ông Raisi nói thêm.

Các nhà ngoại giao Mỹ, Israel và Ả-rập Xê-út gần đây cho biết, Thái tử Ả-rập Xê-út Saudi Mohammed bin Salman, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều bày tỏ ủng hộ thỏa thuận để dẫn đến việc Ả-rập Xê-út công nhận Israel về ngoại giao.

Các nhà ngoại giao nói rằng nếu Ả-rập Xê-út đồng ý công nhận Israel sẽ dẫn đến việc các quốc gia Ả-rập khác làm tương tự. Một loạt thỏa thuận như vậy sẽ chấm dứt tình trạng thù địch kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và các nước láng giềng kể từ năm 1948.

Tuy nhiên, cả ba bên đều có những điều kiện phức tạp để đồng ý với thỏa thuận. Đoạn tuyệt với đường lối của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Ả-rập Xê-út, Thái tử bin Salman gửi tín hiệu rằng ông sẵn sàng công nhận Israel, vì những lợi ích kinh tế to lớn mà nước này có thể sẽ mang lại cho Ả-rập Xê-út.

Trước khi cuộc tấn công của Hamas xảy ra, có thông tin cho rằng Ả-rập Xê-út đã thông báo với Nhà Trắng rằng họ sẽ đồng ý tăng sản lượng dầu mỏ để giúp củng cố thỏa thuận, điều mà chính quyền của Tổng thống Biden mong muốn suốt 2 năm qua.

Đổi lại, Ả-rập Xê-út muốn Mỹ giúp họ phát triển chương trình hạt nhân dân sự, nhưng đây là điều mà các thành viên cực hữu trong liên minh của Thủ tướng Netanyahu và các thành viên Thượng viện Mỹ phản đối.

Tổng thống Biden nói với Thủ tướng Netanyahu khi họ gặp nhau ở New York vào tháng trước rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ phải bao gồm việc dành phần đất cho người Palestine để họ có thể thành lập một nhà nước.

Trong khi đó, Bờ Tây vẫn là nơi gia tăng các cuộc tấn công của người định cư Israel nhằm vào người Palestine. Theo cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA), những người định cư Israel đã tấn công bạo lực người Palestine ít nhất 700 lần trong năm 2023, mức cao kỷ lục được ghi nhận.

Bộ trưởng An ninh quốc gia cực hữu của Israel Itamar Ben-Gvir ca ngợi việc mở rộng các khu định cư của người Israel ở Bờ Tây và kêu gọi tiếp tục làm như vậy. Chính phủ cực hữu của ông Netanyahu triển khai kế hoạch xây dựng 5.000 nhà tái định cư mới cho người Israel, dù việc xây dựng khu định cư trên đất của người Palestine đi ngược luật pháp quốc tế và bị chính phủ Mỹ lên án.

Khi các cuộc đàm phán giữa Ả-rập Xê-út, Israel và Mỹ tiến triển, sự thất vọng của người Palestine càng tăng lên.

Trong khi đó, ông Netanyahu đang gây chia rẽ sâu sắc trong nước khi thúc đẩy cuộc cải cách tư pháp nhằm làm suy yếu vai trò của Tòa án Tối cao Israel, dẫn đến làn sóng phản đối rầm rộ trên khắp đất nước.

Theo cựu đô đốc Starvidis, Hamas và những người bảo trợ của tổ chức này đánh giá sự chia rẽ chính trị sâu sắc ở Israel là cơ hội tiềm tàng để tấn công.

Nadav Eyal, người phụ trách chuyên mục của báo Israel Yediyot Ahronot, cho rằng cuộc tấn công lần này sẽ biến đổi đất nước Israel hơn nữa. “Sự kiện này là một chấn thương quốc gia. Nó giống như vụ tấn công khủng bố 11/9 nhưng có thể còn lớn hơn”, ông nói.

“Điều này thực sự buộc Israel phải phản ứng bằng vũ lực tối đa. Có một sự đồng thuận trong dư luận và chính giới Israel rằng điều này thay đổi mọi thứ trong khu vực và đối với người Israel”, Eyal cho biết.

Vì sao ‘hàng rào phòng vệ’ Israel không hoạt động lúc bị Hamas tấn công?

Cựu quan chức Israel nói vì bị lỗi hệ thống, hàng rào phòng vệ nước này không hoạt động khi bị lực lượng Hamas xâm nhập và tấn công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN