Tình thế đầy nguy hiểm của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Lebanon

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Hai thành viên của phái bộ gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ) hoạt động dọc biên giới Lebanon với Israel đã bị thương hôm 10/10 sau khi xe tăng của Israel bắn vào một trong những tháp quan sát của nhóm.

Đây là sự cố nghiêm trọng nhất liên quan đến lực lượng quốc tế kể từ khi Israel cảnh báo lực lượng này phải di dời khỏi các vị trí ở Lebanon gần nơi mà họ cho biết các chiến binh Hezbollah đã phóng tên lửa vào miền Bắc Israel.

UNIFIL tuần tra tại biên giới Lebanon - Israel ở Marjayoun.

UNIFIL tuần tra tại biên giới Lebanon - Israel ở Marjayoun.

Lực lượng GGHB của LHQ tại Lebanon, hay còn gọi là Lực lượng Lâm thời của LHQ ở Lebanon (UNIFIL), đã hoạt động từ năm 1978 với mục tiêu đảm bảo ổn định và hòa bình trong khu vực biên giới phía Nam. UNIFIL được giao một loạt nhiệm vụ từ việc giám sát Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rút lui khỏi Lebanon vào năm 2006, đến việc hỗ trợ Quân đội Lebanon (LAF) đảm bảo khu vực phi quân sự ở miền Nam Lebanon. Nhưng nhiệm vụ này ngày càng trở nên khó khăn khi Hezbollah ngày càng mở rộng ảnh hưởng và LAF không muốn đối đầu trực tiếp với phong trào vũ trang này. Theo một sĩ quan đã nghỉ hưu của Quân đội Ireland - một phần quan trọng của UNIFIL, đã có mặt ở miền Nam Lebanon trong hơn 45 năm, LAF thường né tránh tiến vào các khu vực do Hezbollah kiểm soát. Mặc dù UNIFIL có trách nhiệm giám sát và ngăn chặn vũ khí trái phép, nhưng họ thực tế không có sức mạnh để đối đầu trực tiếp với Hezbollah. Điều này tạo ra một nghịch lý khi lực lượng GGHB phải làm việc trong một môi trường mà họ không thể kiểm soát hoàn toàn.

Trong khi đó, Hezbollah, tổ chức vũ trang mạnh mẽ và có ảnh hưởng lớn trong khu vực, đã phát triển nhanh chóng kể từ sau cuộc xung đột với Israel vào năm 2006 và hiện nay họ không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự gần biên giới Israel. Trước bối cảnh này, UNIFIL bị đe dọa bởi các cuộc tấn công từ cả hai phía. Năm 2022, binh nhì Sean Rooney, một thành viên của Quân đội Ireland, đã thiệt mạng khi xe của anh bị tấn công bởi những kẻ có liên hệ với Hezbollah. Gần đây nhất, ngày 11/10, binh sĩ Israel một lần nữa nổ súng vào một đài quan sát tại đại bản doanh của UNIFIL ở khu vực Naqoura, phía Nam Lebanon, giáp biên giới Israel. Vụ tấn công khiến hai binh sĩ của UNIFIL bị thương, song chưa rõ mức độ nguy hiểm. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong 24 giờ qua, Quân đội Israel tấn công vào căn cứ chính của UNIFIL ở phía Nam Lebanon. Trước đó, hôm 10/10, hai nhân viên của UNIFIL đã bị thương sau vụ xe tăng Israel bắn và đâm vào một tháp canh trong đại bản doanh của UNIFIL. Vụ việc này là một minh chứng rõ ràng cho mối nguy hiểm mà lực lượng LHQ đang phải đối mặt hằng ngày. “Bất kỳ cuộc tấn công cố ý nào vào lực lượng GGHB đều là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế”, lực lượng LHQ cho biết trong một tuyên bố và lưu ý rằng, họ đang theo dõi Quân đội Israel.

Hàng loạt các nước và các tổ chức quốc tế đã lên tiếng chỉ trích hành động của Israel. Người phát ngôn UNIFIL Andrea Tenenti nhấn mạnh: “Điều này rất đáng lo ngại, không chỉ vì lực lượng GGHB ở đó và rất có thể là một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào lực lượng của chúng tôi. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và vi phạm Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an”.

Sau khi đưa cáo buộc trên đối với Israel, LHQ nhận định sự an toàn và an ninh của UNIFIL đang “ngày càng bị đe dọa”, tuy nhiên UNIFIL tuyên bố sẽ vẫn ở lại bất chấp các cuộc tấn công của Israel. Cụ thể, Người phát ngôn Andrea Tenenti cho biết, 50 quốc gia đóng góp cho lực lượng này nhất trí sẽ tiếp tục ở lại bất chấp các cuộc tấn công của Israel. Hơn 10.400 binh sĩ UNIFIL vẫn sẽ được triển khai tại khu vực giữa sông Litani ở phía Bắc và Đường Xanh - ranh giới được LHQ công nhận giữa Lebanon và Israel. Theo ông, UNIFIL vẫn còn nhiều việc quan trọng phải làm để hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ địa phương và các cơ quan của LHQ mang thực phẩm và nước đến tất cả các ngôi làng này. “Hàng nghìn người đã rời đi, nhưng hàng nghìn người vẫn mắc kẹt. Vì vậy, việc giải quyết xung đột là rất quan trọng. Điều đó thực sự rất, rất khó khăn”, ông Andrea Tenenti nói.

Lebanon cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công và chỉ trích Israel vì hành vi vi phạm chủ quyền của nước này. Chính phủ Lebanon gọi hành động này là một “cuộc tấn công trắng trợn” vào sự an toàn của các binh sĩ quốc tế, đồng thời yêu cầu cộng đồng quốc tế can thiệp để ngăn chặn tình trạng leo thang bạo lực. Iran, quốc gia hậu thuẫn cho lực lượng Hezbollah, đã chỉ trích Israel một cách mạnh mẽ và cho rằng, vụ tấn công vào lực lượng GGHB là một hành động khiêu khích nguy hiểm. Tehran cáo buộc Israel sử dụng bạo lực không chỉ chống lại Lebanon mà còn chống lại các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình tại khu vực.

Các quốc gia châu Âu như Pháp và Đức, Italy thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và yêu cầu Israel chịu trách nhiệm nếu cáo buộc tấn công được xác nhận. Trong khi đó, Mỹ kêu gọi các bên kiềm chế và không để tình hình leo thang. Mỹ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các báo cáo cho biết Israel đã nổ súng vào trụ sở lực lượng GGHB LHQ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Israel hợp tác với LHQ để tiến hành điều tra toàn diện nhằm xác định chính xác nguyên nhân của sự việc, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, cũng đã bày tỏ quan ngại về diễn biến mới này, trong đó kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và không để tình hình thêm phức tạp. Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Phó Thông ngày 11/10 bày tỏ quan ngại sâu sắc và lên án mạnh mẽ việc Quân đội Israel tấn công các vị trí và tòa tháp của UNIFIL làm bị thương các nhân viên của họ.

Theo ông, bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào nhằm vào lực lượng GGHB đều vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, do vậy phải chấm dứt ngay lập tức. Bắc Kinh yêu cầu điều tra, truy cứu trách nhiệm và thực hiện các biện pháp ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra, đồng thời tái khẳng định việc các bên xung đột phải đảm bảo một cách hiệu quả an toàn cho tất cả nhân viên và tài sản của LHQ, bao gồm cả UNIFIL. Về phần mình, phía Israel đã phủ nhận hoàn toàn cáo buộc rằng họ cố ý tấn công lực lượng GGHB LHQ, khẳng định rằng, quân đội của họ đang tiến hành các cuộc tấn công tự vệ để đối phó với mối đe dọa từ các tay súng Hezbollah. Người phát ngôn Quân đội Israel tuyên bố, bất kỳ thiệt hại nào đối với lực lượng GGHB LHQ đều là vô tình và không chủ ý. Israel cũng cam kết sẽ hợp tác với LHQ để điều tra làm rõ vụ việc.

Ngoài mối đe dọa trực tiếp từ các cuộc giao tranh, UNIFIL còn phải đối mặt với những thách thức hậu cần nghiêm trọng. Các căn cứ của họ, có cơ sở gần biên giới, phụ thuộc vào việc tiếp tế nước, lương thực và nhiên liệu. Trong trường hợp giao tranh diễn ra dữ dội, việc đảm bảo các nguồn cung này có thể trở nên khó khăn. Thông thường, việc di chuyển giữa các căn cứ mất khoảng 40 phút, nhưng trong thời gian giao chiến, có thể kéo dài đến nhiều ngày. Một ví dụ khác là khi IDF tiến hành các cuộc tấn công vào Lebanon, họ có thể xây dựng các căn cứ tạm thời gần các đồn của UNIFIL, tạo áp lực buộc lực lượng GGHB phải rút lui. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của các binh sĩ, mà còn làm phức tạp hóa nhiệm vụ của họ khi phải liên tục điều chỉnh theo tình hình chiến sự.

Với sự leo thang căng thẳng giữa Israel và Hezbollah, tương lai của UNIFIL tại Lebanon đang trở nên không chắc chắn. Mặc dù họ được giao nhiệm vụ quan trọng trong việc duy trì hòa bình, nhưng thực tế cho thấy họ không có đủ quyền lực hay công cụ để kiểm soát hoàn toàn tình hình. Các cuộc giao tranh giữa Quân đội Israel và Hezbollah có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, và việc Quân đội Ireland, cùng các lực lượng khác của UNIFIL, bị kẹt giữa hai bên chỉ là một trong nhiều thách thức mà họ phải đối mặt.

Nguồn: [Link nguồn]

Quân đội Israel tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Lebanon trong ngày thứ 3 liên tiếp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khổng Hà (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hezbollah Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN