Tình thế đảo ngược: TQ từng là nơi nguy hiểm nhất vì Covid-19, giờ lại an toàn nhất

Nhiều người Trung Quốc sống ở nước ngoài hoặc người nước ngoài làm việc ở Trung Quốc đang chọn cách ở lại hoặc trở về Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan toàn cầu.

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu trở nên tồi tệ hơn ở Anh, Jennie Lan biết rằng nơi cô cảm thấy an toàn nhất chỉ có thể là quay về Trung Quốc, theo Wall Street Journal.

Cô gái theo học trường Đại học ở London cảm thấy lo lắng vì người Anh không tỏ ra đề phòng trước dịch bệnh. “Những người ở đây không coi virus Corona là điều gì đó nguy hiểm”, Lan nói.

Hôm 17.3, cô đáp chuyến bay về Trung Quốc để ở cùng cha và mẹ, tại một nơi không có thêm ca nhiễm nào mới. “Người dân ở đây kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nhiều”, cô nói.

Từng là nơi khởi nguồn dịch Covid-19, giờ đây mọi chuyện đã đảo chiều. Trung Quốc lại đang là nơi an toàn nhất trên Trái đất, theo WSJ.

Apple mở lại cửa hàng ở Trung Quốc và đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở tất cả các nước khác trong 2 tuần. Một đội bóng ở Vũ Hán từng đưa toàn bộ cầu thủ sang Tây Ban Nha tránh dịch, giờ đây lại trở về Trung Quốc.

Tỷ phú Jack Ma mới đây cũng tuyên bố quyên góp 1 triệu khẩu trang và 500.000 kit thử virus Corona cho Mỹ. Gần đây, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc thông báo cách ly toàn bộ người nước ngoài đến thành phố trong 14 ngày.

Ngày càng nhiều người Trung Quốc lựa chọn rời nước ngoài về quê hương tránh dịch.

Ngày càng nhiều người Trung Quốc lựa chọn rời nước ngoài về quê hương tránh dịch.

Châu Âu đã trở thành tâm dịch mới thay thế cho Trung Quốc, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hồi tuần trước.

Josh Liu, một nha sĩ người Mỹ làm việc ở Thượng Hải, trải qua 2 tháng nhiều biến động. Liu đến thăm một gia đình ở Tứ Xuyên hồi tháng Giêng, khi dịch bệnh bùng phát được người vợ khuyên về Mỹ ngay lập tức.

Liu cùng vợ đáp chuyến bay cuối về San Francisco, Mỹ. Hàng tuần, họ đều nghĩ xem có nên quay lại Trung Quốc hay không. Tuần trước, Liu nghe tin các cửa hàng ở Thượng Hải sẽ sớm mở cửa trở lại, còn ở San Francisco, đã bắt đầu có ca nhiễm Covid-19.

“Chúng tôi tin rằng ở Trung Quốc sẽ an toàn hơn”, Liu nói. Liu và gia đình đáp chuyến bay về Thượng Hải ngày 17.3, được kiểm tra nhiệt độ và yêu cầu cách ly tại nhà trong 14 ngày. “Ở đây nhà chức trách kiểm tra rất gắt gao. Việc xếp hàng chờ đợi lâu hơn một chút nhưng dù sao vẫn an toàn hơn”, Liu nói.

Tình cảnh trái chiều đang xảy ra ở Trung Quốc và Mỹ, châu Âu. Các cửa hàng, công ty Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại, trừ Hồ Bắc, còn châu Âu ngày càng siết chặt, khuyến cáo người dân không ra ngoài.

Linda Reed, một giáo viên dạy tiếng Anh ở Nam Kinh, cần đến Tennessee vào tháng tới. Lo lắng về dịch bệnh, cô gửi thư đến chính quyền bang, hỏi về việc cách ly và làm cách nào phòng bệnh.

Tình thế đảo ngược: TQ từng là nơi nguy hiểm nhất vì Covid-19, giờ lại an toàn nhất - 2

Josh Liu nói rằng mình cảm thấy ở Trung Quốc hiện tại an toàn hơn.

Một nhà dịch tễ học trả lời rằng cô có thể đến ở tại một khu nghỉ mát và hàng ngày theo dõi xem có triệu chứng bất thường hay không. Điều này càng khiến Reed lo ngại và hủy chuyến đi đến Mỹ.

“Có thứ gì đó không đúng. Những người ở đó hoàn toàn không sẵn sàng đối phó dịch bệnh”, Reed nói. Trong khi gia đình tỏ ra không hài lòng khi Reed không sang Tennessee để gặp người chị, Reed nói cô ở lại Nam Kinh sẽ an toàn hơn.

“Trong số tất cả các những địa điểm quốc tế xác nhận có ca nhiễm Covid-19, tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang là nơi an toàn nhất”, Reed nói.

Có thể nói, ngoại trừ tỉnh Hồ Bắc chịu ảnh hưởng nặng nhất của Covid-19, các tỉnh thành khác ở Trung Quốc có số ca nhiễm khá khiêm tốn so với những gì đang xảy ra trên toàn cầu, theo WSJ.

Đối với Jennie Lan, cô may mắn tìm được người khác thuê căn hộ mà mình đang ở tại London và đáp chuyến bay trị giá 930 USD để về nhà ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang.

Suốt 2 tháng dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, khu vực này chỉ có vài ca nhiễm, còn riêng khu phố nơi gia đình Lan sống thì không có ai nhiễm Covid-19.

Lan nói cô cảm thấy chính quyền Trung Quốc hành động nhanh nhạy và chủ động phòng chống dịch hơn ở Anh. “Chính quyền Anh có lẽ làm chưa được tốt cho lắm”, Lan nói.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Đông Nam Á ấm hơn châu Âu, số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng vọt?

Có một làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở các nước Đông Nam Á trong vài ngày qua, khác với quan điểm cho rằng thời tiết ấm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - WSJ ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN